Giao dịch chứng khoán chiều 30/12: 'Chợ chiều' cuối năm

Thị trường đã khép lại phiên giao dịch cuối cùng của năm tài chính 2022 không mấy tích cực khi các chỉ chính đều mất điểm, cùng thanh khoản ghi nhận mức thấp nhất trong năm.

Trong năm 2021, khi kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều gồng mình chống lại đại dịch Covid-19, thì thị trường chứng khoán lại chứng kiến một năm đầy thăng hoa với sự bùng nổ của các cá nhân tham gia thị trường đã đưa mức thanh khoản tăng vọt cùng đà tăng tốc mạnh mẽ của các chỉ số.

“Ngọn lửa” này chỉ được duy trì trong một vài phiên giao dịch đầu năm 2022 giúp thị trường xác lập các đỉnh lịch sử cả về điểm số cùng thanh khoản rồi dần tắt ngấm. Thậm chí “gió đổi chiều” bởi ảnh hưởng lớn từ các thông tin bên ngoài và trong nước khiến thị trường càng trở nên tiêu cực hơn.

Chỉ số VN-Index lần đầu tiên trong năm 2022 để thủng ngưỡng kháng cự tâm lý 1.000 điểm vào ngày 24/10 và đã rơi xuống dưới mức 900 điểm trong phiên giao dịch ngày 16/11. Như vậy, nếu tính từ đỉnh cao nhất của năm tại 1.536 điểm thì đến thời điểm giữa tháng 11, chỉ số này đã giảm tới 40%, lớn hơn cả đợt suy giảm mạnh xảy ra do đại dịch Covid-19 hồi đầu năm 2020.

Về cuối năm, dù thị trường được tiếp thêm những thông tin tích cực từ kinh tế vĩ mô cũng như các chính sách hỗ trợ, điển hình là lùi thực hiện nghị định 65…, nhưng thị trường chứng khoán không được như kỳ vọng. Các chỉ số chính sau đợt hồi phục từ giữa tháng 11 đến đầu tháng 12, đã dần hạ nhiệt và diễn biến trầm lắng hơn trong nửa cuối tháng 12.

Những tưởng dòng bank sẽ là động lực chính giúp thị trường khép lại phiên giao dịch cuối cùng của năm 2022 trong sắc xanh hy vọng, nhưng thực tế đã chào thua. Đột biến trong đợt khớp lệnh ATC với áp lực bán gia tăng đã khiến VN-Index “quay xe” dù trong gần suốt cả phiên giao dịch chỉ số này đều đứng trên vùng tham chiếu.

Như vậy, tính theo giá đóng cửa, chỉ số VN-Index đã giảm tới hơn 491 điểm, tương ứng giảm 32,78% trong năm 2022 (từ giá đóng cửa phiên 31/12/2021 là 1.498,28 điểm).

Bên cạnh sự điều chỉnh về chỉ số, thanh khoản thị trường càng đáng buồn hơn khi được ví với quang cảnh đìu hiu của phiên chợ chiều. Tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE chưa tới 7.500 tỷ đồng, là con số thấp nhất trong năm 2022 và chưa bằng 30% của cùng thời điểm này trong năm 2021.

Chốt phiên, sàn HOSE có 209 mã tăng và 189 mã giảm, VN-Index giảm nhẹ 2,2 điểm (-0,22%), xuống 1.007,09 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 407 triệu đơn vị, giá trị 7.423 tỷ đồng, giảm gần 12% về khối lượng và 9,87% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 62,76 triệu đơn vị, giá trị 1.816,76 tỷ đồng.

Nhóm VN30 phân hóa với 14 mã tăng và 13 mã giảm, tuy nhiên pha “trở mặt” của các cổ phiếu ngân hàng là một trong những nhân tố chính khiến thị trường quay đầu điều chỉnh.

Trong đó, cặp đôi lớn VCB và BID đều đóng cửa trong sắc đỏ và tại mức giá thấp nhất trong ngày. Cụ thể, BID giảm tới 3,5% xuống 38.600 đồng/CP, còn VCB giảm 0,9% xuống 80.000 đồng/CP.

Ngoài ra, một số cổ phiếu ngân hàng khác cũng mất điểm và đóng cửa ở vùng giá thấp như MBB giảm 1,7%, TPB giảm 1,6%, ACB và TCB điều chỉnh nhẹ.

Một số mã khác trong rổ này cũng chuyển sắc đỏ hoặc lùi sâu như KDH giảm 5,2%, NVL giảm 4,4%, SAB giảm 3,5%, VNM, GAS, MSN đều giảm hơn 1%.

Trái lại, cổ phiếu PDR đảo chiều thành công khi đóng cửa tăng 1,5% lên mức 13.600 đồng/CP. Các cổ phiếu khác trong nhóm VN30 giữ được sắc xanh cũng chỉ ghi nhận mức tăng nhẹ trên dưới 1%.

Ở top cổ phiếu vừa và nhỏ, bên cạnh IBC và KSB vẫn dư mua trần, nhiều mã cũng đã khoe sắc tím thành công như PSH, CKG, CRC, DRH, TTB, TVS…

Xét về nhóm ngành, bên cạnh nhóm cổ phiếu ngân hàng, các mã chứng khoán cũng kém tích cực hơn với VND lùi về mốc tham chiếu, SSI chỉ còn tăng nhẹ 0,6%, trong khi HCM đảo chiều giảm 2%, VCI cũng quay đầu điều chỉnh nhẹ, APG và VIX giảm trên dưới 3%… Trong đó, VND vẫn là cổ phiếu sôi động nhất ngành khi khớp lệnh hơn 12,6 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm bảo hiểm tích cực hơn với phần lớn các mã đều khởi sắc như BMI tăng 2,1%, PTI tăng 2,9%, PVI tăng 4,3%, BIC tăng 1,7%, PGI tăng 1,1%, chỉ còn MIG và PRE mất điểm.

Nhóm cổ phiếu thép với HPG, HSG, NKG đều lùi về mốc tham chiếu sau khi le lói sắc xanh nhạt ở cuối phiên sáng. Trong đó, HPG vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 14,45 triệu đơn vị.

Ngoài HPG, các mã có thanh khoản trên 10 triệu đơn vị còn có HAG, VND, LPB, STB, NVL và VPB.

Trên sàn HNX, thị trường cũng khép lại năm 2022 bằng phiên giao dịch phân hóa và giảm điểm.

Chốt phiên, sàn HNX có 75 mã tăng và 81 mã giảm, HNX-Index giảm 1,23 điểm (-0,6%) xuống 205,31 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 35,58 triệu đơn vị, giá trị 471,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,36 triệu đơn vị, giá trị 133 tỷ đồng.

Cổ phiếu chứng khoán SHS giằng co và đã để mất điểm trong phiên chiều. Đóng cửa, SHS giảm 1,2% xuống mức thấp nhất ngày 8.400 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường với 7,07 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, phần lớn các cổ phiếu chứng khoán khác cũng giao dịch kém khả quan hơn như MBS lùi về mốc tham chiếu, APS giảm 1,2%, EVS giảm kịch sàn… Tuy nhiên, điểm sáng là BVS bất ngờ có pha “nhào lộn” ngoạn mục cuối phiên. Đóng cửa, BVS tăng vọt 8,4% lên mức cao nhất ngày 20.600 đồng/CP và khớp 60.000 đơn vị trong đợt khớp ATC.

Đứng ở vị trí tiếp theo về thanh khoản sau SHS là CEO khớp 5,41 triệu đơn vị và PVS khớp gần 2 triệu đơn vị, đều đóng cửa trong sắc đỏ với CEO giảm 4,3% xuống 17.800 đồng/CP, còn PVS giảm nhẹ 0,9% xuống 21.400 đồng/CP.

Các cổ phiếu khác như IDC, KLF, HUT, MBS, NAG cùng có thanh khoản 1-1,5 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa đều biến động nhẹ xoay quanh mốc tham chiếu.

Trên UPCoM, mặc dù trong gần suốt cả phiên chiều biến động giằng co và liên tục đổi sắc, nhưng thị trường đã chiến thắng và đóng cửa phiên cuối năm khởi sắc.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,76 điểm (+1,07%), lên 71,65 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 27,81 triệu đơn vị, giá trị 236,57 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 11,84 triệu đơn vị, giá trị 351,57 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn điều chỉnh nhẹ khi giảm 0,7%, đóng cửa phiên hôm nay tại mức giá 13.300 đồng/CP và thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt 2,97 triệu đơn vị.

Tiếp theo đó vẫn là PVX và DCS lần lượt khớp 2,16 triệu đơn vị và 2 triệu đơn vị, đóng cửa tương ứng đứng giá tham chiếu 2.400 đồng/CP và giảm sàn về mức 700 đồng/CP.

Một trong những mã đáng chú ý của thị trường là VAB có pha đảo chiều ngoạn mục về cuối phiên, đóng cửa tăng vọt 13,2% lên sát mức giá trần 8.600 đồng/CP và khớp hơn 0,6 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng, trong đó, VN30F2301 đáo hạn gần nhất tăng 11,5 điểm, tương đương +1,2% lên 1.004,5 điểm, khớp lệnh gần 260.570 đơn vị, khối lượng mở hơn 49.310 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế, với CHPG2221 phiên này thanh khoản cao nhất khi có hơn 1,3 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa mã này giảm 45,5% xuống 60 đồng/cq, tiếp theo là CMBB2211 với hơn 1 triệu đơn vị, giảm 23,5% xuống 130 đồng/cq.

T.Thúy

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/giao-dich-chung-khoan-chieu-3012-cho-chieu-cuoi-nam-post312785.html