Giao dịch chứng khoán chiều 5/5: Nhóm chứng khoán lùi sâu, mốc 1.040 vẫn được 'vá' thành công
Sau những phiên giao dịch khởi sắc, nhóm cổ phiếu chứng khoán đã quay đầu điều chỉnh và trở thành nhóm giảm mạnh nhất thị trường, nhưng 1.040 điểm vẫn là ngưỡng hỗ trợ tâm lý khá tốt của thị trường.
Mặc dù rủi ro trong giai đoạn này không cao nhưng thị trường dường như đã mất kênh tăng giá và đang trong trạng thái tích lũy. Chỉ số VN-Index biến động rung lắc nhẹ quanh mốc 1.040 điểm trong suốt cả phiên sáng 5/5 và tạm dừng trong trạng thái điều chỉnh nhẹ với thanh khoản sụt giảm đáng kể, cho thấy lực cầu tham gia khá yếu.
Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường vẫn không có nhiều chuyển biến. Dòng tiền chỉ túc tắc tham gia và với sự phân hóa của thị trường chung và nhóm bluechip nói riêng, chỉ số VN-Index vẫn duy trì diễn biến rung lắc nhẹ.
Cũng như những phiên giao dịch gần đây, dù VN-Index có những pha “chọc thủng” mốc 1.040 điểm, nhưng thị trường đã “vá” thành công và đây vẫn được xem là ngưỡng hỗ trợ tâm lý khá tốt của thị trường.
Chốt phiên, sàn HOSE có 154 mã tăng và 223 mã giảm, VN-Index giảm nhẹ 0,3 điểm (-0,03%), xuống 1.040,31 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 547,78 triệu đơn vị, giá trị 9.302,63 tỷ đồng, giảm 12,47% về khối lượng và 11,37% về giá trị so với phiên trước đó. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 107,89 triệu đơn vị, giá trị 2.410,75 tỷ đồng.
Cặp đôi lớn MSN và VCB có công lớn nhất giúp thị trường lấy lại thăng bằng và chỉ số VN-Index bảo toàn được ngưỡng 1.040 điểm khi đóng cửa chỉ cách vùng giá đỉnh trong ngày 1 bước giá. Cụ thể, MSN tăng 3,4% lên 73.000 đồng/CP, còn VCB tăng 1,5% lên 89.800 đồng/CP.
Trong khi đó, số mã giảm trong rổ VN30 vẫn chiếm áp đảo, gấp hơn 2 lần số mã tăng, nhưng biên độ giảm không quá lớn, chỉ trên dưới 1%, với PDR giảm mạnh nhất là 1,5%; tiếp theo là CTG và SSI giảm 1,4%.
Dòng tiền vẫn hướng đến các cổ phiếu vừa và nhỏ. Trong đó, VIX nới rộng biên độ khi tăng 3,5% và đóng cửa tại mức giá 8.790 đồng/CP với thanh khoản vươn lên dẫn đầu thị trường, đạt hơn 24,15 triệu đơn vị; cổ phiếu DIG cũng hồi phục sắc xanh với mức tăng nhẹ 0,8% và GEX vẫn tăng tốt 3% với thanh khoản đều đạt hơn 21 triệu đơn vị… Ngoài ra, một số mã khác như LSS, JVC, BFC, ITC PSH… tăng trần hoặc sát trần.
Xét về nhóm ngành, nhóm thủy sản tăng khá tốt với sự đóng góp của VHC tăng 3,4%, ANV tăng 2,8%, ASM tăng 1,8%, IDI tăng 1,3%...
Bên cạnh đó, nhóm bảo hiểm cũng ngược dòng thị trường thành công, với BVH tăng 1,44%, PTI tăng 5,65%, VNR tăng 7,53%, PRE tăng 3,47%, BIC và PGI xanh nhạt.
Trong khi đó, dù VCB giao dịch khởi sắc nhưng chỉ đủ sức để giúp dòng bank lấy lại thăng bằng trong bối cảnh sắc đỏ chiếm ưu thế. Cụ thể, TCB, CTG, TPB giảm hơn 1%, còn BID, VPB, SHB, ACB, MBB, VIB, STB, MSB giảm nhẹ.
Nhóm chứng khoán giảm sâu nhất khi nhiều mã tìm đến mức giá thấp nhất trong ngày như VND giảm 1,7%, SSI giảm 1,4%, VCI và HCM cùng giảm 1,8%, AGR giảm 1,2%, VDS giảm 1,9%, ORS giảm 2,3%...
Trên sàn HNX, thị trường duy trì trạng thái rung lắc nhẹ trong suốt cả phiên chiều.
Đóng cửa, sàn HNX có 74 mã tăng và 94 mã giảm, HNX-Index giảm 0,35 điểm (-0,17%) xuống 207,8 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 70,61 triệu đơn vị, giá trị 973,31 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,49 triệu đơn vị, giá trị 71,21 tỷ đồng.
Cổ phiếu SHS vẫn đứng giá tham chiếu 10.200 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu thị trường đạt 13,46 triệu đơn vị.
Trong khi đó, nhiều mã khác trong rổ HNX30 vẫn mất điểm như CEO giảm 1,6%, IDJ giảm 2,8%, TNG giảm 3,1%, HUT giảm 1,8%..., cổ phiếu DDG kết phiên vẫn nằm sàn với khối lượng dư bán sàn chất đống.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhiều mã vẫn tỏa sáng như AMV đóng cửa tăng 6,7% lên mức cao nhất ngày 4.800 đồng/CP và thanh khoản sôi động, đạt 5,11 triệu đơn vị; MBG tăng 5,8% lên 5.500 đồng/CP và khớp 3,39 triệu đơn vị; NRC đảo chiều tăng 2,3% lên 4.500 đồng/CP và khớp 1,6 triệu đơn vị…
Trên UPCoM, dù phần lớn thời gian giao dịch rung lắc nhưng lực cầu tăng mạnh cuối phiên đã giúp thị trường thoát hiểm thành công.
Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,29 điểm (+0,37%) lên 77,56 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 45,47 triệu đơn vị, giá trị 382,22 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2 triệu đơn vị, giá trị 23,98 tỷ đồng.
Cổ phiếu nhỏ ngành chứng khoán – SBS vẫn là điểm sáng của thị trường chung và nhóm chứng khoán nói riêng khi đóng cửa tăng 11,7% lên mức 6.700 đồng/CP và thanh khoản vượt trội, đạt hơn 11 triệu đơn vị.
Đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản là PVX khớp hơn 8,67 triệu đơn vị và đóng cửa giữ vững mức giá trần 3.100 đồng/CP với khối lượng dư mua trần 1,45 triệu đơn vị.
Ngoài ra, nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ khác cũng tăng tốt như PVL tăng 5%, VHG tăng 4,3%, PFL tăng 3,7%, LMH tăng 3,4%...
Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đóng cửa tăng nhẹ và 1 hợp đồng giảm. Trong đó, VN30F2305 đáo hạn gần nhất giảm 1,5 điểm, tương đương -0,1% xuống 1.033,5 điểm, khớp lệnh 167.575 đơn vị, khối lượng mở gần 49.740 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế và không mã nào khớp quá 1 triệu đơn vị, với CVRE2216 thanh khoản cao nhất chỉ đạt 0,68 triệu đơn vị, giảm 6,3% xuống 300 đồng/cq, theo sau là CMWG2213 với 0,64 triệu đơn vị khớp lệnh và đóng cửa tăng 33,3% lên 40 đồng/cq.