Giao dịch chứng khoán chiều ngày 7/3: Trụ vững
Chịu không ít rung lắc khi leo lên mức 1.040 điểm, song nhờ cầu đỡ giá hoạt động tích cực, đặc biệt tại nhóm cổ phiếu bluechip, VN-Index vẫn trụ khá vững quanh vùng giá này.
Tương tự những phiên gần đây, VN-Index mở cửa phiên giao dịch sáng nay (7/3) trong sắc xanh với bệ đỡ chính là nhóm cổ phiếu bluechips, cho dù không nhận được tín hiệu tích cực từ dòng tiền sôi động. Sức cầu hạn chế cũng là nguyên nhân chính khiến chỉ số không thể bật lên trong phiên sáng nay.
Trong phiên giao dịch chiều, một lần nữa VN-Index bật lên ngay sau giờ nghỉ trưa, vượt qua mốc 1.040 điểm, song áp lực tại vùng giá cao nhanh chóng khiến chỉ số hạ độ cao. Dẫu vậy, so với phiên sáng, cầu đỡ giá hoạt động tích cực hơn và vẫn tập trung tại nhóm bluechips, nhờ đó VN-Index vẫn trụ khá vững quanh vùng giá cao này.
Đóng cửa, với 210 mã tăng và 160 mã giảm, VN-Index tăng 10,66 điểm (+1,04%) lên 1.037,84 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 473,16 triệu đơn vị, giá trị 8.250,94 tỷ đồng, tăng 11% về khối lượng và 21% về giá trị so với phiên 6/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 48,5 triệu đơn vị, giá trị 1.213,8 tỷ đồng.
Sự tích cực của nhóm cổ phiếu bluechips tiếp tục là điểm tựa cho VN-Index trong phiên giao dịch hôm nay. Tại rổ VN30, chỉ có 3 mã không tăng, còn lại 27 mã đều tăng điểm.
Trong đó, MSN tăng tích cực nhất với mức tăng 5,2% lên 78.300 đồng lên, thanh khoản cũng khá cao với gần 1,9 triệu đơn vị được khớp. Tiếp đến là HPG khi tăng 3,4% lên 21.000 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn HOSE với 29,3 triệu đơn vị. SSI cũng tăng 3,5% lên 19.400 đồng, thanh khoản đứng thứ 4 với 16,2 triệu đơn vị.
Không chỉ 2 mã đầu ngành là HPG và SSI, hầu hết cổ phiếu nhóm tôn thép và chứng khoán đều giao dịch sôi động và đóng góp lớn cho thị trường chung. Chẳng hạn, ở nhóm chứng khoán, ORS +5,4%; HCM +3,9%; VND +2,5%..., trong đó VND khớp lệnh 13,9 triệu đơn vị.
Hay tại nhóm tôn thép, HSG +4,9% lên 16.100 đồng và khớp tới gần 24,7 triệu đơn vị. NKG mất sắc tím đáng tiếc, tăng 6,5% lên 16.500 đồng và khớp 24,6 triệu đơn vị.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng không còn giữ được “phong độ” như phiên sáng khi chịu áp lực bán mạnh. Ngoại trừ EIB giữ vững sắc tím ở mức giá 19.500 đồng, nhiều mã đã hãm đáng kể đà tăng, thậm chí quay đầu giảm điểm. STB (+0,4%) và LPB (+1,8%) là 2 mã giao dịch tích cực nhất nhóm khi khớp được 15,4 triệu và 13,12 triệu đơn vị.
Các mã OCB, VIB, MSB lùi về tham chiếu, TCB -0,4%. Ngoài OCB, 3 mã còn lại khớp lệnh từ 1-4 triệu đơn vị .
Tương tự, nhóm bất động sản – xây dựng cũng đa phần giữ sắc đỏ. Giao dịch nổi bật có NVL, DXG và DIG với thanh khoản từ 10-15 triệu đơn vị, giảm từ 1,8-4,8%.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index diễn biến trồi sụt, nhất là trong phiên chiều khi có nhiều thời điểm đã lùi khá xa tham chiếu, trước khi vọt lên gần mức cao nhất ngày vào cuối phiên
Đóng cửa, với 90 mã tăng và 62 mã giảm, HNX-Index tăng 0,94 điểm (+0,46%) lên 207,50 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 44,97 triệu đơn vị, giá trị 695,07 tỷ đồng, giảm 11,5% về khối lượng và 6% về giá trị so với phiên 6/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,76 triệu đơn vị, giá trị gần 138 tỷ đồng.
SHS vẫn là mẫ giao dịch tích cực nhất sàn với hơn 7 triệu đơn vị khớp lệnh, chốt phiên tăng 2,4% 8.500 đồng/CP.
PVS bất ngờ quay đầu tăng 0,8% lên 26.800 đồng, trong khi CEO lại giảm 1% về 20.400 đồng, khớp lần lượt 4,85 triệu và 4,69 triệu đơn vị.
Đây là 3 mã thanh khoản tốt nhất sàn. Ngoài ra, cũng chỉ có 10 mã đạt thanh khoản hơn 1 triệu đơn vị, trong đó 6 mã tăng điểm gồm TNG, MBS, PVC, IDC, VGD và BCC; 2 mã giảm điểm là TAR và HUT; 2 mã đứng giá là AMV và BBS.
Trên UPCoM, thị trường diễn biến rung lắc khá mạnh song vẫn giữ được sắc xanh khi kết phiên.
Đóng cửa, với 132 mã tăng và 122 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,17 điểm (+0,23%) lên 76,17 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 17,51 triệu đơn vị, giá trị 222,9 tỷ đồng, giảm 11% về khối lượng và 8% về giá trị so với phiên 6/3. Giao dịch thỏa thuận đạt hơn 14 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR duy trì được sắc xanh nhẹ đến khi kết phiên, tăng 1,8% lên 16.700 đồng và khớp lệnh xấp xỉ 5 triệu đơn vị, dẫn đầu thị trường.
Ngoài ra, cũng chỉ có 2 mã đạt thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là LMH và C4G nhưng đều không tăng. LMH đứng giá 4.400 đồng và khớp 1,86 triệu đơn vị. C4G giảm 0,9% về 11.200 đồng và khớp 1,69 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng, trong đó hợp đồng đáo hạn gần nhất ngày 16/3/2023 là VN30F2303 tăng 17,9 điểm (+1,8%) lên 1.027,5 điểm, khớp lệnh hơn 448.293 đơn vị, khối lượng mở 56.799 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh không quá chiếm ưu thế, trong đó mã CHPG2221 dẫn đầu thanh khoản với hơn 2,268 triệu đơn vị, đóng cửa đứng giá 20 đồng/CQ.
Tiếp theo là CTCB2211 với 1,047 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giảm sàn 50% về 10 đồng/CQ.