Giao dịch chứng khoán phiên chiều 13/8: Cổ phiếu VCB giúp VN-Index thoát hiểm
Đà tăng của cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường là VCB ở những phút cuối đã giúp VN-Index có phiên tăng thứ ba liên tiếp. Tuy vậy, giao dịch phần còn lại trên bảng điện tử vẫn rất ảm đạm, nhạt nhòa khi thanh khoản tiếp tục chỉ dừng lại ở mức thấp.
Sau phiên sáng giao dịch ảm đạm, thanh khoản thấp, thị trường bước vào phiên chiều tiếp diễn trạng thái này. Điểm đáng chú ý chỉ đến từ cuối phiên, khi VN-Index có nhịp bật tăng khá mạnh từ dưới 1.225 điểm lên trên tham chiếu nhờ cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường là VCB nới đà tăng.
Chốt phiên, sàn HOSE có 162 mã tăng và 234 mã giảm, VN-Index tăng 0,14 điểm (+0,01%), lên 1.230,42 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 539,1 triệu đơn vị, giá trị 13.081,3 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% về khối lượng và 6% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 50,7 triệu đơn vị, giá trị 1.425,6 tỷ đồng.
Cổ phiếu VCB phiên này chỉ tăng 1,94% lên 89.500 đồng, nhưng đóng vai trò là động lực chính chính cho VN-Index có nhịp bật nảy về cuối phiên, dù đóng góp chỉ gần 2,5 điểm tích cực.
Những bluechip khác cũng như cuối phiên sáng, khi ít thay đổi, với VNM, HDB và VJC nhích 1,1% đến 1,7%, trong khi MWG, VIC, VRE, CTG chỉ tăng nhẹ.
Trái lại, sắc đỏ bao phủ nhiều mã, nhưng phần lớn cũng chỉ giảm nhẹ, với SSB dẫn đầu cũng chỉ -2,1% xuống 21.300 đồng, HPG mất 1,7% xuống 25.400 đồng, các mã BVH, TCB, VIB, GAS, POW giảm 1,2% đến 1,5%.
Thanh khoản cổ phiếu HPG dẫn đầu nhóm và cũng cao nhất thị trường, bỏ khá xa phần còn lại khi có hơn 26,2 triệu đơn vị khớp lệnh.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ ngoài RDP và QCG giữ vững sắc tím từ phiên sáng thì về cuối ngày có thêm DLG, SAV, NAB và CSV. Trong đó, NAB khớp lệnh hơn 6 triệu đơn vị, hai cổ phiếu DLG và CSV khớp hơn 2,2 triệu đơn vị.
Tăng mạnh khác đa số là những mã nhỏ, có tính đầu cơ ngắn hạn cao như APG, TCH, HVH, PDR, TDC, HBC, HNG, cùng một số cổ phiếu khác như NHA, TCO, STK, BMC, NTL, HCD, với mức tăng từ 3% đến hơn 5%.
Ở chiều ngược lại, lực cung cũng đa phần được tiết giảm và chỉ một vài mã giảm đáng kể với thanh khoản cao như GEG giảm sàn -6,7% xuống 13.150 đồng, khớp 4,12 triệu đơn vị; DAG -5,1% xuống 1.480 đồng, khớp 1,57 triệu đơn vị; NT2 -3,5% xuống 19.400 đồng, khớp 1,07 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng đã nỗ lực thu hẹp đà giảm về cuối phiên, sau những nhịp giằng co, rung lắc trước đó.
Chốt phiên, sàn HNX có 72 mã tăng và 88 mã giảm, HNX-Index giảm 0,59 điểm (-0,25%), xuống 230,18 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 42,3 triệu đơn vị, giá trị 829,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,73 triệu đơn vị, giá trị 138,7 tỷ đồng.
Các mã lớn như CEO, MBS nhích hơn 2%, trong khi PVS, TNG cũng kết phiên trong sắc xanh. Trong khi đó, SHS, IDC, PVI, VCS dù giảm, nhưng mức giảm cũng chỉ ở mức thấp.
Khớp lệnh SHS trở lại mức cao nhất sàn với gần 7 triệu đơn vị, CEO khớp 4,5 triệu đơn vị, TNG khớp 3,76 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng có nhịp bật hồi thu hẹp đà giảm ở những phút cuối phiên.
Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,21 điểm (-0,23%), xuống 92,79 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 42,3 triệu đơn vị, giá trị 661,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,02 triệu đơn vị, giá trị 12,9 tỷ đồng.
Cổ phiếu DFF vẫn là điểm nhấn khi giữ vững mức giá trần +13,8% lên 3.300 đồng, khớp gần 1 triệu đơn vị.
Cổ phiếu VGI cũng giữ được mức tăng mạnh +6,6% lên 67.500 đồng, khớp lệnh hơn 2,3 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm nhẹ, với VN30F2408 giảm 3 điểm, tương đương -0,24% xuống 1.267 điểm, khớp lệnh hơn 197.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 44.600 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, áp lực phân hóa cao, với CHPG2404 phiên này khớp lệnh tốt nhất khi có hơn 3,3 triệu đơn vị và giảm 7,1% xuống 130 đồng/cq. Theo sau là CVPB2404 với 2,01 triệu đơn vị, nhưng tăng 2,8% lên 370 đồng/cq.