Giao dịch chứng khoán phiên sáng 13/8: Thanh khoản thấp, VN-Index đảo chiều giảm

Thị trường thiếu vắng động lực ngay từ sớm đã khiến giao dịch trở nên thận trọng, ảm đạm và việc chỉ số điều chỉnh giảm ngay khi một số bluechip yếu đi là điều dễ hiểu.

Trong phiên hôm qua, chỉ số VN-Index từ sớm đã có những diễn biến giằng co, rung lắc nhẹ khi dòng tiền vẫn yếu.

Mặc dù vậy, khi nhóm VN30 giao dịch tích cực hơn về cuối phiên đã giúp chỉ số bật lên mốc 1.230 điểm khi đóng cửa.

Hiện tại VN-Index vẫn đang trong xu hướng hồi phục và ngưỡng kháng cự gần nhất cần chinh phục là ngưỡng 1.240 điểm, tương đương đường MA20 ngày. Đây là cơ sở quan trọng cho việc xác lập đáy ngắn hạn cho thị trường.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 13/8, dòng tiền yếu trên thị trường vẫn đang khiến giao dịch thận trọng từ khá sớm và VN-Index sau nhịp rung lắc nhẹ quanh ngưỡng 1.230 điểm thì đã chịu lực cung gia tăng, giảm về dưới 1.225 điểm khi kết phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 119 mã tăng và 254 mã giảm, VN-Index giảm 5,49 điểm (-0,45%), xuống 1.224,79 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 239,7 triệu đơn vị, giá trị 5.771,8 tỷ đồng, tương đương về khối lượng và giảm 5% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 11 triệu đơn vị, giá trị 323,5 tỷ đồng.

Các bluechip ít thay đổi về giá, nhưng sắc đỏ mở rộng với 19 cổ phiếu trong rổ VN30 giảm, với BCM, TCB, FPT, HPG, GAS, MSN, SSI chỉ giảm từ 1,1% đến 1,7%, và POW -2,2% xuống 13.300 đồng.

Trong khi đó, các cổ phiếu tăng cũng nhạt nhòa, với chỉ PLX và VJC nhích nhẹ hơn 1%, còn STB, VNM, HDB, VIC, VCB chỉ tăng từ 0,2% đến 0,9%.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng ảm đạm, với chỉ một số ít riêng lẻ như RDP, QCG quay trở lại mức giá trần tại 2.450 đồng và 6.070 đồng, khớp lần lượt 0,44 triệu và 0,91 triệu đơn vị.

Cùng với đó là SAV +6,3% lên 21.900 đồng, CSV +6,2% lên 42.200 đồng, APG và HCD nhích hơn 4%, NHA tăng 3,6% lên 24.250 đồng, TV2 +3% lên 32.150 đồng. Các cổ phiếu tăng hơn 2% toàn sàn chỉ còn HTV, CCI, NTL, STK và QNP.

Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư cũng không có lý do để bán giá thấp, qua đó, sắc đỏ dù lấn át, nhưng phần lớn chỉ mất điểm nhẹ, ngoại trừ một vài cái tên như DXV -6,5% xuống 3.720 đồng, GEG -6,4% xuống 13.200 đồng, DHM -4% xuống 8.800 đồng, TTA -3,2% xuống 10.200 đồng…

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index sau ít phút đầu tăng điểm cũng đã đuối sức và tìm về các mốc điểm thấp hơn cho đến khi kết phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 55 mã tăng và 88 mã giảm, HNX-Index giảm 1,3 điểm (-0,56%), xuống 229,47 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 20,2 triệu đơn vị, giá trị 375,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,2 triệu đơn vị, giá trị 116,7 tỷ đồng.

Giao dịch cũng khá ảm đạm ở những cổ phiếu lớn hoặc thanh khoản cao trên sàn, trong đó, những cổ phiếu CEO, MBS, DL1, PVC tăng nhẹ 0,7% đến 2%, cùng HBS +3,9% lên 10.700 đồng, với CEO phiên này là mã khớp lệnh cao nhất sàn khi có hơn 2,7 triệu đơn vị.

Mặt khác, SHS, TNG, PVS, LAS, TIG, TVZ, TVC giảm nhẹ, cùng IDJ đứng giá tham chiếu, khớp từ 0,37 triệu đến 2,2 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, chỉ số UPCoM-Index cũng đảo chiều về dưới tham chiếu sau nửa đầu phiên níu giữ sắc xanh.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,32 điểm (-0,35%), xuống 92,68 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 25,4 triệu đơn vị, giá trị 419,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,62 triệu đơn vị, giá trị 10 tỷ đồng.

Cổ phiếu DFF nổi bật khi tăng kịch trần +13,8% lên 3.300 đồng, khớp 0,49 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu khác như BCR, BSR, DDV, DGT tăng nhẹ, cùng VGI +5,2% lên 66.600 đồng.

Trong đó, BSR vẫn là cái tên nhận dòng tiền tốt nhất khi khớp lệnh được hơn 9,5 triệu đơn vị.

Lạc Nhạn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/giao-dich-chung-khoan-phien-sang-138-thanh-khoan-thap-vn-index-dao-chieu-giam-post351503.html