Giao dịch chứng khoán sáng 5/7: Giao dịch ảm đạm, VN-Index đảo chiều giảm
Mặc dù bộ 3 gồm VCB, BID và FPT vẫn nỗ lực kéo thị trường, nhưng áp lực bán gia tăng trên diện rộng đã khiến VN-Index đảo chiều giảm sau 4 phiên tăng liên tiếp.
Thị trường đã trải qua phiên hồi phục thứ 4 liên tiếp sau tuần giảm mạnh, giúp chỉ số VN-Index tiến sát mốc 1.280 điểm. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn đang là điểm tựa giữ nhịp chính cho thị trường và lực cầu tạm thời vẫn chưa cho sự lan tỏa rộng, được minh chứng bởi mức thanh khoản duy trì khá thấp đều xoay quanh mức 15.000 tỷ đồng, thậm chí phiên 1/7 tăng hơn 9 điểm với thanh khoản thấp nhất trong nửa đầu năm, chỉ đạt hơn 13.000 tỷ đồng.
Xét về yếu tố kỹ thuật, theo lý thuyết Wyckoff, VN-Index hiện vẫn đang nằm trong sóng hiệu chỉnh phẳng với biên độ 1.250-1.290 điểm và nhịp giảm điểm trước đó có thể đánh giá là nhịp bán rũ bỏ (Spring).
Thêm vào đó, các chỉ báo như MACD, RSI, CMF đang hướng lên và chưa có dấu hiệu suy yếu, chỉ số VN-Index cũng đã vượt lên trên mây flat và kiểm tra thành công đường hỗ trợ Senkouspan B, cho thấy thị trường vẫn sẽ có những phiên tăng giảm đan xen, tích lũy quanh khu vực 1.280 điểm trước khi hướng lên vùng 1.300 điểm.
Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng 5/7, giao dịch vẫn khá ảm đạm và trạng thái phân hóa chung khiến chỉ số VN-Index vừa thử thách mốc 1.280 điểm đã nhanh chóng lùi về dưới mốc tham chiếu.
Tuy nhiên, VN-Index vừa chớm đỏ đã nhanh chóng bật hồi và sau khoảng 85 phút mở cửa đang ghi nhận mức tăng gần 5 điểm nhờ lực đỡ chính của cặp đôi lớn nhà bank là VCB và BID, cùng cổ phiếu FPT tiếp tục chinh phục đỉnh lịch sử mới khi leo lên gần mức giá 140.000 đồng/CP.
Trong khi nhóm cổ phiếu ngân hàng đang có những tín hiệu tích cực bởi sự dẫn dắt của các mã đầu ngành, thì nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn khá ảm đảm và chủ yếu giảm nhẹ. Hiện cổ phiếu ngân hàng EIB là tâm điểm giao dịch của thị trường khi dẫn đầu thanh khoản với hơn 16,5 triệu đơn vị đã chuyển nhượng thành công và giá cổ phiếu tăng nhẹ 1,3%.
Nhóm cổ phiếu vận tải biển đang là tâm điểm đáng chú ý của thị trường. Bên cạnh VOS có thời điểm tăng kịch trần và hiện đang tăng hơn 6,2% với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 7 triệu đơn vị; các mã khác như VSC, HAH đang tăng trên dưới 2% và thanh khoản đều thuộc top 10 mã dẫn đầu thị trường; VIP tăng hơn 4,5%, VTO tăng hơn 2%, VTP, GMD… cũng đều khởi sắc.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu ITA mở cửa nằm sàn sau thông tin HOSE công bố về việc cổ phiếu sẽ bị hạn chế giao dịch. Tuy nhiên, lực cầu hấp thụ tích cực đã “giải cứu” ITA thoát sắc xanh mắt mèo, nhưng vẫn giảm mạnh hơn 5,7%, hiện tạm đứng tại mức giá 4.940 đồng/CP và khớp lệnh chỉ thua EIB, đạt gần 11,8 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trong khi dòng tiền vẫn tham gia thận trọng, áp lực bán gia tăng trên diện rộng trong nửa cuối phiên đã khiến VN-Index dần thoái lui và đảo chiều điều chỉnh nhẹ khi sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng điện tử.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 123 mã tăng và 261 mã giảm, VN-Index giảm 1,76 điểm (-0,14%) xuống 1.278,13 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 282,5 triệu đơn vị, giá trị 7.219,23 tỷ đồng, tăng 17,22% về lượng và 12,53% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 13,36 triệu đơn vị, giá trị 307,7 tỷ đồng.
Nhóm VN30 cũng diễn biến kém tích cực khi có 21 mã giảm và chỉ còn 6 mã tăng, tạm dừng phiên sáng chỉ số này cũng giảm 1,7 điểm. Trong đó, bộ 3 cổ phiếu lớn gồm FPT, BID và VCB vẫn tăng tốt nhất dù biên độ thu hẹp chỉ còn trên dưới 1%, tổng cộng đã đóng góp khoảng 2,5 điểm cho chỉ số chung; trái lại VRE giảm mạnh nhất là 1,65%.
Ở top vừa và nhỏ, cổ phiếu ITA vẫn giảm mạnh 6,11%, chốt phiên đứng tại mức giá 4.920 đồng/CP, với thanh khoản vẫn đứng thứ 2 với hơn 12,8 triệu đơn vị khớp lệnh.
Xét về nhóm ngành, với diễn biến tích cực của “anh cả” FPT, nhóm cổ phiếu công nghệ và thông tin vẫn giữ vị trí tăng tốt nhất thị trường đạt hơn 1,5%; tiếp theo là sản xuất hàng gia dụng tăng hơn 1,1%, còn lại chỉ nhích nhẹ quanh mức 0,1%.
Nhóm Ngân hàng cũng chỉ tăng 0,13%, trong đó EIB và VPB vẫn là tâm điểm giao dịch của thị trường, đều thuộc top 3 mã có thanh khoản cao nhất, tương ứng đạt 17,43 triệu đơn vị và hơn 10 triệu đơn vị, chốt phiên lần lượt tăng 0,52% và 0,26%.
Nhóm vận tải biển trở nên phân hóa, trong đó các mã ở top sau vẫn có diễn biến tích cực hơn, điển hình là VOS tăng 5,21% và khớp lệnh đạt 7,77 triệu đơn vị, trong khi VSC, GMD và HAH chỉ nhích nhẹ hơn 0,5%; còn SKG, SCS, QNP, PVT giảm nhẹ.
Nhóm chứng khoán nới nhẹ biên độ giảm với sắc đỏ chiếm áp đảo và giao dịch ảm đạm, trong đó VIX chốt phiên giảm 1,18% với thanh khoản dẫn đầu ngành, chỉ đạt hơn 2,8 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, sau hơn nửa đầu phiên lình xình trên mốc tham chiếu, áp lực bán gia tăng cũng khiến HNX-Index đảo chiều giảm.
Chốt phiên, sàn HNX có 51 mã tăng và 108 mã giảm, HNX-Index giảm 1,16 điểm (-0,48%) xuống 240,72 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 27 triệu đơn vị, giá trị xấp xỉ 513 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,6 triệu đơn vị, giá trị hơn 52 tỷ đồng.
Cặp đôi TNG và TIG là tâm điểm thị trường, chốt phiên TNG tăng 1,46% với thanh khoản đạt 3,57 triệu đơn vị và TIG tăng gần 2% với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 2,4 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, cổ phiếu chứng khoán giao dịch kém khả quan, với SHS giảm 1,13% và khớp 1,83 triệu đơn vị, MBS giảm gần 1%, VFS giảm 0,61%, BVS giảm 1,9%...
Trên UPCoM, thị trường phân hóa và chỉ số chung vẫn giữ đà tăng nhẹ.
Chốt phiên sáng, UPCoM-Index tăng 0,04 điểm (+0,04%), lên 98,3 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 35 triệu đơn vị, giá trị 491,26 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,92 triệu đơn vị, giá trị 64,77 tỷ đồng.
Cổ phiếu dệt may VGT là điểm sáng khi chốt phiên tăng gần 7,5% lên mức 17.300 đồng/CP với thanh khoản vượt trội, đạt gần 8,9 triệu đơn vị.
Trong khi đó, BSR đứng thứ 2 về thanh khoản chỉ đạt 1,84 triệu đơn vị, chốt phiên giảm nhẹ 0,88% xuống mức 22.500 đồng/CP.