Giao dịch chứng khoán sáng 8/3: Thị trường chìm trong sắc đỏ
Áp lực bán gia tăng đã khiến thị trường chìm trong sắc đỏ, nhưng lực cầu sôi động được kích hoạt khi VN-Index lùi về sát đường MA10, đã giúp chỉ số này bật hồi đôi chút.
Thị trường liên tục biến động rung lắc với những phiên tăng giảm xen kẽ là điều hết sức bình thường khi chỉ số VN-Index đang giao dịch ở vùng đỉnh ngắn hạn. Điểm tích cực là dòng tiền tham gia sôi động và luân chuyển qua các nhóm ngành, các mã lớn khác nhau, đã giúp thị trường biến động trong phạm vi khá an toàn.
Trong phiên hôm qua 7/3, sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu chứng khoán và đặc biệt là điểm tựa từ mã lớn MSN đã giúp thị trường đảo chiều khởi sắc và đóng cửa gần mức giá cao nhất trong ngày.
Xét về yếu tố kỹ thuật, chỉ số chung đang ở ngưỡng 1,618 của thang đo Fibonacci mở rộng và có diễn biến rung lắc tích lũy trên đường MA10, tương đương vùng giá 1.252 điểm; đồng thời, dải Bollinger band có xu hướng bó hẹp, đường DI+ và ADX đang hướng xuống ở mốc 27, do đó xác suất cao thị trường sẽ tiếp tục xuất hiện những phiên tích lũy chặt với biên độ thấp trước khi tiến tới khu vực 1.300 điểm.
Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng cuối tuần ngày 8/3, quán tính tăng điểm từ cuối phiên trước tiếp tục giúp chỉ số VN-Index duy trì đà tăng nhẹ khi mở cửa.
Tuy nhiên, thị trường chỉ nỗ lực cầm cự trong thời gian ngắn đã nhanh chóng đảo chiều giảm trước áp lực bán dâng cao. Sau khoảng hơn 1 giờ mở cửa, bảng điện tử chìm trong sắc đỏ, đặc biệt là nhóm VN30 chỉ còn duy nhất BCM cầm cự sắc xanh với mức tăng chưa tới 0,5%, đã đẩy chỉ số VN-Index về sát vùng giá 1.252 điểm.
Điểm tích cực chính là lực cầu tham gia khá mạnh trong khi áp lực bán bán tháo chưa xảy ra khi toàn thị trường chỉ chứng kiến hơn 10 mã giảm sàn, trong đó riêng sàn HOSE chỉ có 2 mã.
Tại thời điểm này, tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE đã vượt mức 11.000 tỷ đồng, điều này cho thấy xu hướng mua vào của nhà đầu tư vẫn khá mạnh mỗi nhịp giảm của thị trường.
Hiện tất cả các nhóm ngành đều chìm trong sắc đỏ, tuy nhiên đà giảm chỉ trên dưới 1%. Trong đó, mã lớn ngân hàng là VCB vẫn nhích nhẹ, chính là má phanh cho thị trường.
Phiên hôm nay, cổ phiếu ngân hàng NAB đã chính thức giao dịch trên sàn HOSE và hiện đang giữ mức tăng trên dưới 6%, là mã tăng tốt nhất dòng bank, cùng thanh khoản sôi động đạt hơn 3,5 triệu đơn vị.
Mặc dù dòng tiền tham gia tích cực nhưng áp lực bán trên diện rộng khiến VN-Index khó tránh khỏi phiên giảm khá sâu.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có tới 380 mã giảm và chỉ còn 88 mã tăng, VN-Index giảm 11,23 điểm (-0,89%), xuống 1.257,23 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 696,3 triệu đơn vị, giá trị 16.823,5 tỷ đồng, tăng 31,83% về khối lượng và 33,24% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 9 triệu đơn vị, giá trị 256,67 tỷ đồng.
Nhóm VN30 chỉ có 2 mã giữ được sắc xanh là BCM tăng 2% và GVR tăng 0,5%, cùng BVH và POW đứng giá tham chiếu, còn lại có tới 26 mã mất điểm. Trong đó, CTG, MWG, TCB, VPB và MBB giảm hơn 2%, các mã khác chỉ giảm trên dưới 1%.
Các cổ phiếu tác động mạnh nhất tới chỉ số chung là CTG lấy đi 1,23 điểm, tiếp theo là BID, TCB và VPB lấy đi từ 0,7-1 điểm của chỉ số chung.
Xét về nhóm ngành, dòng bank là gánh nặng chính khi sắc đỏ đã bao phủ gần hết ngành, ngoại trừ duy nhất tân binh NAB chốt phiên tăng 5,35%.
Mặc dù nhóm chứng khoán cũng đảo chiều điều chỉnh, nhưng điểm sáng VND vẫn ngược dòng thành công, chốt phiên tăng 1,7% lên mức 23.3900 đồng/CP và thanh khoản dẫn đầu thị trường với gần 42,8 triệu đơn vị khớp lệnh. Ngoài ra, CTS và AGR cũng giữ được sắc xanh với mức tăng hơn 1,7%,
Toàn thị trường chỉ còn 4 nhóm ngành thoát sự điều chỉnh, trong đó nhóm sản phẩm cao su và dịch vụ tư vấn, hỗ trợ có mức tăng hơn 1%, còn sản xuất nhựa – hóa chất và sản xuất gia dụng tăng nhẹ.
Điểm sáng trong phiên hôm nay chính là nhóm bất động sản khu công nghiệp. Ngoài bộ đôi trong rổ VN30 khởi sắc, nhiều mã khác trong ngành cũng ngược dòng thị trường chung như SZC tăng 2,8%, KBC tăng 2,7% với khối lượng khớp lệnh đạt 12,36 triệu đơn vị, ITA, LHG… cũng chốt phiên trong sắc xanh.
Trên sàn HNX, áp lực bán trên diện rộng cũng khiến thị trường mất điểm
Chốt phiên, sàn HNX có 43 mã tăng và 98 mã giảm, HNX-Index giảm 0,39 điểm (-0,16%) xuống 236,98 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 75 triệu đơn vị, giá trị gần 1.396 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2,1 triệu đơn vị, giá trị 38,58 tỷ đồng.
Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp IDC có chút hạ độ cao do áp lực bán chung trên thị trường gia tăng, chốt phiên tăng gần 1% lên mức 57.900 đồng/Cp và khớp hơn 2 triệu đơn vị.
Cổ phiếu chứng khoán SHS chốt phiên đứng giá tham chiếu sau phiên tăng tốc hôm qua, nhưng thanh khoản vẫn dẫn đầu thị trường với 25,16 triệu đơn vị khớp lệnh. Điểm sáng của nhóm cổ phiếu này là cặp đôi APS và VFS cùng chốt phiên tăng hơn 5%, thậm chí APS có thời điểm tăng kịch trần, với khối lượng khớp lệnh đều đạt hơn 1 triệu đơn vị.
Các mã khác trong rổ HNX30 như CEO, MBS, PVS, HUT đều giảm trên dưới 1% với thanh khoản đạt một vài triệu đơn vị.
Trên UPCoM, sau tín hiệu tăng nhẹ đầu phiên, thị trường cũng đã đảo chiều giảm.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,3 điểm (-0,33%) xuống 91,3 điểm với 114 mã tăng và 118 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 31,43 triệu đơn vị, giá trị 312,75 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể chỉ hơn 1 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR không nằm ngoài xu hướng chung, chốt phiên giảm nhẹ 0,5% xuống mức 19.500 đồng/Cp, khối lượng giao dịch vẫn lớn nhất thị trường, đạt 3,81 triệu đơn vị.
Trong khi đó, DDV tiếp tục có thêm phiên giao dịch ấn tượng, có thời điểm kéo tăng 4,8% và chốt phiên hạ độ cao với mức tăng 1,6% với khối lượng giao dịch chỉ thua BSR, đạt 2,52 triệu đơn vị.