Giao dịch chứng khoán xuyên biên giới sẽ hiệu quả và an toàn hơn với blockchain
Các giao dịch chứng khoán xuyên biên giới trong khu vực ASEAN và Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc sẽ hiệu quả và an toàn hơn thông qua việc sử dụng công nghệ blockchain.
Ngày 26-1, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã khởi động một dự án nhằm thực hiện các giao dịch chứng khoán xuyên biên giới ở Châu Á và Thái Bình Dương hiệu quả và an toàn hơn thông qua việc sử dụng công nghệ blockchain.
Làm việc với các công ty blockchain hàng đầu, ADB sẽ tìm cách phát triển những cách thức để kết nối trực tiếp các ngân hàng trung ương và cơ quan lưu ký chứng khoán trong khu vực ASEAN+3 trong một mạng lưới blockchain. Khu vực này bao gồm Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Việc kết nối trực tiếp các tổ chức trong một mạng lưới blockchain có thể làm giảm cả chi phí giao dịch và rủi ro thanh toán - là khả năng chứng khoán không được giao dịch trong một khung thời gian đã thỏa thuận. Các giao dịch chứng khoán xuyên biên giới trong khu vực ASEAN+3 hiện được xử lý thông qua mạng lưới toàn cầu gồm các ngân hàng giám sát và ngân hàng đại lý, thông qua các trung tâm toàn cầu tại Mỹ hoặc Châu Âu. Do đó, việc xử lý giao dịch nội vùng trong ASEAN+3 mất ít nhất 2 ngày, do sự khác biệt về thời gian cũng như giờ làm việc khác nhau của các thị trường trong cùng múi giờ.
Dự án sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn: Giai đoạn thiết kế, hoàn thành vào cuối tháng 3-2022 và giai đoạn xây dựng nguyên mẫu, dự kiến hoàn thành trong Quý 2 năm 2022. Kết quả sẽ được thảo luận với các quan chức chính phủ ASEAN+3 và các thành viên của Diễn đàn Cơ sở hạ tầng Thanh toán xuyên biên giới của Sáng kiến Thị trường Trái phiếu Châu Á, bao gồm các ngân hàng trung ương và các cơ quan lưu ký chứng khoán trong khắp khu vực.
ADB đang hợp tác cùng ConsenSys, Fujitsu, R3 và Soramitsu trong dự án này; dự án cũng sẽ đánh giá khả năng tương tác của các hệ thống và tính khả thi của các đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương trong khu vực.
Dự án được hỗ trợ bởi chương trình Hộp cát (Thử nghiệm) Đổi mới kỹ thuật số (Digital Innovation Sandbox) của ADB, một nền tảng dành cho các đối tác thuộc khu vực công và tư để hợp tác về các giải pháp kỹ thuật số.
ADB cam kết đạt tới một khu vực Châu Á và Thái Bình Dương thịnh vượng, đồng đều, thích ứng và bền vững, trong khi duy trì nỗ lực xóa nghèo cùng cực. Được thành lập năm 1966, ADB thuộc sở hữu của 68 thành viên, trong đó có 49 thành viên trong khu vực.