Giao dịch dân sự, cần xác lập đầy đủ chứng cứ
Một chị đi mượn nợ, chủ nợ yêu cầu ghi giấy mượn nợ, đến khi trả thì chủ nợ nói giấy mượn nợ đã mất. Chị nghĩ đã trả nợ xong sẽ không có vấn đề gì. Bỗng một ngày chị nhận giấy báo án của tòa, người cho mượn nợ đã dùng giấy mượn nợ của chị đi kiện đòi nợ lần nữa.
Ra tòa, chị khai rằng chị đã trả rồi nhưng chị không có bằng chứng chứng minh việc trả nợ và chủ nợ cũng không thừa nhận chị đã trả, nên chị bị tòa tuyên phải trả nợ - xem như chị phải trả nợ 2 lần.
Người khác, thỏa thuận với chủ đất chia lại vài mét ngang đất để mở lối đi, đã thanh toán đủ tiền nên anh này đã được chủ đất cho mở lối đi trên đất. Vài tháng sau chủ đất kiện nói anh lấn chiếm lối đi và đòi lại đất. Ra tòa, anh khai đã thỏa thuận với chủ đất, đã trả tiền đủ và đã được chủ đất cho mở lối đi. Nhưng chủ đất không thừa nhận và trong sổ đỏ thể hiện đất này là của họ. Thế là tòa tuyên buộc anh phải trả lại đất, muốn có lối đi phải thỏa thuận thanh toán lại.
Gần đây một chị kế toán bị khởi tố về tội “lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, nguyên nhân là do chị này làm kế toán cho một doanh nghiệp nhỏ, chủ kêu chi gì hay đưa tiền cho ai chị làm theo mà không lưu lại chứng từ kế toán đúng quy định. Cuối cùng, khi chị nghỉ việc, bàn giao số tiền còn lại thì chủ doanh nghiệp yêu cầu cung cấp chứng từ chi, nhưng chị không lập, do vậy dẫn đến tranh chấp. Người chủ doanh nghiệp tố cáo ra công an. Kết quả chị bị khởi tố.
Các vụ án trên là “tình ngay lý gian”. Người dân vẫn lầm tưởng quy trình tố tụng hình sự và dân sự giống nhau, vẫn nghĩ rằng tòa án có trách nhiệm điều tra những lời khai của họ là có thật hay không. Trong khi đó, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định cơ quan tố tụng có trách nhiệm chứng minh một người là có tội hay không có tội, còn trong dân sự thì người nào khai cái gì phải chứng minh lời mình khai là đúng sự thật bằng cách phải tự cung cấp chứng cứ. Tòa chỉ dựa vào chứng cứ các bên cung cấp để xử lý.
Như vậy, với các giao dịch dân sự, để an toàn cho mình, người dân cần xác lập chứng cứ đầy đủ. Khi cho mượn tiền phải làm giấy mượn nợ, khi trả tiền phải làm biên bản đã trả nợ yêu cầu chủ nợ ký tên đã nhận đủ tiền. Các giao dịch thỏa thuận khác khi đã thanh toán cần lập biên bản ghi rõ nội dung đã thực hiện, yêu cầu các bên ký tên vào.
Đặc biệt, đối với những nhân viên, kế toán làm ở những công ty nhỏ, hộ kinh doanh, quy trình hoạt động chưa chuẩn nên thường thực hiện theo yêu cầu miệng của chủ thì nên nhớ mọi giao dịch đều phải có chứng từ, có chữ ký rõ ràng.
Hiểu luật, tuân thủ đúng quy trình pháp luật là cách tốt nhất để người dân tự bảo vệ mình.