Giao dịch đằng sau trang phục thảm đỏ

Phía sau loạt khoảnh khắc nghệ sĩ tỏa sáng trên thảm đỏ là những giao dịch của họ với thương hiệu. Nhiều nhà mốt phải trả tiền để diễn viên mặc trang phục.

Lễ trao giải là sự kiện được quan tâm khi tôn vinh những tài năng lớn trong ngành công nghiệp điện ảnh. Trong khi đó, với giới thời trang, những bộ đồ trên thảm đỏ mới là yếu tố hấp dẫn thực sự.

Khoảnh khắc người nổi tiếng tạo dáng trên thảm đỏ có thể ngắn ngủi nhưng đằng sau hậu trường là những giao dịch bí mật của nghệ sĩ và thương hiệu.

Theo stylist Emily Sanchez, trang phục thảm đỏ phụ thuộc nhiều vào danh tiếng của nghệ sĩ và mối quan hệ với nhà mốt.

Thương hiệu trả tiền để nghệ sĩ mặc đồ

"Một nghệ sĩ trẻ chọn trang phục của thương hiệu thân thiết cho sự kiện lớn là điều hợp lý. Điều này được thực hiện dựa trên yếu tố tình cảm, là một cách để tôn vinh mối quan hệ giữa người nổi tiếng và nhà mốt", cô nói.

Tuy nhiên, chủ đề của lễ trao giải và các đề cử có thể khiến việc chọn trang phục trở nên phức tạp hơn. Nhiều thương hiệu ưu tiên giao trang phục cho các diễn viên được đề cử.

 Việc các thương hiệu trả tiền để nghệ sĩ mặc đồ của họ lên thảm đỏ được coi là chuẩn mực. Ảnh: Getty.

Việc các thương hiệu trả tiền để nghệ sĩ mặc đồ của họ lên thảm đỏ được coi là chuẩn mực. Ảnh: Getty.

"Người trao giải thường công bố một tuần trước khi diễn ra sự kiện. Điều này ảnh hưởng đến việc chọn trang phục. Các thương hiệu sẽ đầu tư hơn vào trang phục cho những người được đề cử và trao giải. Yếu tố này giúp họ có cơ hội được xuất hiện trên báo chí nhiều hơn", Sanchez nói.

Theo The Independent, việc làm trang phục cho các diễn viên tham dự lễ trao giải là một giao dịch kinh doanh. Stylist Sanchez vẫn kín tiếng về các chi phí liên quan.

Tuy nhiên, một số sự kiện trước đây đã tiết lộ đôi điều về những cuộc giao dịch này. Vào năm 2017, Meryl Streep đã từ chối mặc thiết kế cao cấp của Chanel đến lễ trao giải Oscar do nhà mốt không trả tiền cho cô.

Theo báo cáo của WWD, giám đốc sáng tạo Chanel, Karl Lagerfeld, chỉ trích nữ diễn viên. Ông cho biết: "Chúng tôi đã thực hiện bản phác thảo và bắt đầu những công đoạn đầu tiên".

Theo stylist Jessica Paster, việc nhà thiết kế trả tiền cho người nổi tiếng để họ mặc trang phục được coi là chuẩn mực.

Chia sẻ với Business Insider, cô cho biết: "Điều này phổ biến trên toàn thế giới. Các thương hiệu trang sức, giày đều trả tiền. Mọi nhãn hàng đang chi tiền cho nghệ sĩ". Đồng thời, cô nhấn mạnh, khi trang phục nhìn kinh khủng, mức giá 250.000 USD hoặc ít hơn không đáng để nghệ sĩ mặc nó.

Lợi nhuận là yếu tố chính mà các nghệ sĩ quan tâm. Tuy nhiên, với một số người, việc được mặc và thậm chí có thể sở hữu trang phục cũng đủ thuyết phục họ hợp tác cùng nhà mốt. Điều này còn phụ thuộc vào người thiết kế là ai.

Vào năm 2014, Lupita Nyong'o đã giữ chiếc váy Prada màu xanh nhạt thanh tao mà cô ấy mặc tới lễ trao giải Oscar. Glenn Close vẫn giữ mẫu áo choàng Carolina Herrera lung linh từ lễ trao giải năm 2019 trong tủ đồ.

Tuy nhiên, stylist Sanchez nhấn mạnh việc được sở hữu trang phục không phải điều dễ dàng. Ngay cả khi nghệ sĩ đã giành giải trong sự kiện.

Sau sự kiện, trang phục phải được trả lại cho thương hiệu dưới trạng thái nguyên vẹn. Ảnh: Vogue.

Sau sự kiện, trang phục phải được trả lại cho thương hiệu dưới trạng thái nguyên vẹn. Ảnh: Vogue.

"Trừ khi mẫu váy đó được đặt may riêng, nếu không, mọi người sẽ tự hiểu rằng thiết kế phải được trả lại sau sự kiện", Sanchez nói.

Trước khi bắt đầu sự kiện, nữ stylist thường chuẩn bị từ sớm, thu thập trang phục, phụ kiện và các mẫu trang sức. Sau khi kết thúc lễ trao giải, mọi thứ phải được trả lại dưới trạng thái nguyên vẹn.

Stylist Micaela Erlanger đồng tình với chia sẻ của Sanchez. Cô cho biết: "Một số thương hiệu muốn giữ thiết kế trong kho lưu trữ riêng". Trong khi đó, nhiều nhãn hàng sẵn sàng tặng trang phục cho nghệ sĩ giành giải trong lễ trao giải.

Các yếu tố khác ảnh hưởng đến trang phục thảm đỏ

Bên cạnh những giao dịch, các cuộc biểu tình cũng ảnh hưởng đến trang phục thảm đỏ. Gần đây nhất, thảm đỏ bao phủ bởi các thiết kế ủng hộ phong trào #MeToo. Emma Watson và Tracee Ellis Ross đưa ra tuyên bố chống nạn quấy rối tình dục trong ngành của họ bằng cách chọn các thiết kế tông đen.

Vào năm 2020, nhiều người nổi tiếng thể hiện sự ủng hộ với phong trào thời trang bền vững. Họ lên án tác động của ngành thời trang đối với biến đổi khí hậu.

 Bên cạnh giao dịch với thương hiệu, nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến việc chọn trang phục thảm đỏ. Ảnh: Elle.

Bên cạnh giao dịch với thương hiệu, nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến việc chọn trang phục thảm đỏ. Ảnh: Elle.

Tại lễ trao giải SAG 2020, Jennifer Aniston diện chiếc váy satin trắng của Dior từ năm 1999. Joaquin Phoenix chọn trang phục của Stella McCartney để làm nổi bật vấn đề lãng phí trên thảm đỏ.

Tại BAFTAs 2020, các khách mời được yêu cầu chọn trang phục theo chủ đề thời trang bền vững. Đa số nghệ sĩ đều chọn những thiết kế cổ điển. Họ lăng xê xu hướng diện lại đồ cũ. Bên cạnh đó, một số ngôi sao khác chọn trang phục làm từ chất liệu tái chế.

Stylist Sanchez nói: "Người nổi tiếng cho rằng việc mặc lại trang phục cổ điển là tôn vinh thời trang bền vững. Họ mượn trang phục, mặc trên thảm đỏ rồi trả lại. Chiếc váy tiếp tục được sử dụng cho các buổi chụp hình hoặc nhiều mục đích khác".

Giai Kỳ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/giao-dich-dang-sau-trang-phuc-tham-do-post1304683.html