Giao dịch dùng tiền mặt vẫn là vua ở Việt Nam

90% giao dịch tại Việt Nam sử dụng tiền mặt. Muốn thay đổi thói quen người dân, các chuyên gia cho rằng cần tăng tính trải nghiệm cho người dùng và bắt kịp xu hướng thế giới.

Thúc đẩy thanh toán điện tử hướng tới xã hội không tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa hỗ trợ phổ cập dịch vụ ngân hàng - tài chính. Thực tế, vấn đề phát triển thanh toán điện tử hiện nay vẫn còn khá nhiều rào cản.

Chiều 16/10, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm với chủ đề “Thúc đẩy thanh toán điện tử trên toàn quốc”.

Nhận xét về hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), khẳng định TMĐT đang là điểm sáng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với tốc độ phát triển từ 20-30% mỗi năm. Số lượng người tham gia mua sắm trực tuyến cũng tăng trưởng mạnh hàng năm.

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương. Ảnh: Hải Minh/VGP.

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương. Ảnh: Hải Minh/VGP.

Giao dịch dùng tiền mặt đang là vua

Tuy nhiên, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước 6 tháng đầu năm chỉ ra số lượng giao dịch không dùng tiền mặt là 30%, giá trị giao dịch không dùng tiền mặt dừng lại ở mức 18%.

“Các mảng không đồng đều trong giao dịch không dùng tiền mặt, chẳng hạn TMĐT hiện nay phổ biến vẫn sử dụng tiền mặt, tức khi hàng giao đến thì trả tiền mặt cho người giao hàng. Đó cũng là rào cản đáng kể cho chúng ta”, ông Hải nói.

Đồng quan điểm, ông Phạm Trung Kiên, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ số Viettel, nhận định tiền mặt đang được gọi là “vua” ở Việt Nam, 90% các giao dịch là tiền mặt.

Thêm nữa, hầu hết giá trị giao dịch và số lượng giao dịch tập trung vào một số loại hình đơn giản, cơ bản như dịch vụ chuyển tiền, thanh toán tiền điện thoại, thanh toán tiền điện, nước, tiền truyền hình.

Ông Phạm Trung Kiên, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ số Viettel. Ảnh: Hải Minh/VGP.

Ông Phạm Trung Kiên, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ số Viettel. Ảnh: Hải Minh/VGP.

Ông Kiên đánh giá việc phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam là có tiềm năng khi trên thị trường đang phát triển hàng trăm công ty fintech là hàng chục công ty thanh toán. Tuy nhiên, cần tập trung phát triển tính năng, ứng dụng dành cho người sử dụng.

Trước đó, trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 diễn ra mới đây, ông Lê Xuân Thành, Vụ trưởng Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng giao dịch tiền mặt còn nhiều hạn chế, không phù hợp trong sự phát triển TMĐT trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tăng trải nghiệm người dùng để thay đổi thói quen dùng tiền mặt

Trước câu hỏi làm thế nào để thay đổi thói quen tiêu dùng tiền mặt của người dân, ông Đặng Hoàng Hải cho rằng cần tạo ra trải nghiệm cho người dân thấy được việc thanh toán không tiền mặt bảo vệ lợi ích, đặc biệt là bảo đảm sự an toàn cho người dân.

Bên cạnh đó, kết hợp với tuyên truyền để có thể chuyển đổi tỷ lệ giữa thanh toán khi giao hàng sang thanh toán điện tử.

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Phùng Anh Tuấn, Phó chủ tịch, Tổng Thư kí Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), nhìn nhận Việt Nam cần bắt kịp xu hướng của toàn cầu.

Ông Tuấn chia sẻ không chỉ ở Việt Nam mà quốc tế cũng chịu ảnh hưởng bởi những công nghệ mới, những thay đổi mới. Xu hướng trên thế giới là có rất nhiều dạng ngân hàng: ngân hàng điện tử, các đơn vị trung gian thanh toán, có những đơn vị không phải ngân hàng cũng đứng ra thực hiện nhiệm vụ ngân hàng.

“Điều đó làm cho độ phổ biến của thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng hoặc qua các phương tiện khác trở nên cực kỳ dồi dào và phát triển. Đây không chỉ là quyết định của một cá nhân, một công ty mà là xu hướng toàn cầu. Vì vậy chúng ta phải xem xét làm thế nào để bắt kịp xu hướng đó, bởi cuộc chơi thanh toán không chỉ dừng ở trong biên giới quốc gia mà là quốc tế”, ông Tuấn nói.

Ông Phùng Anh Tuấn, Phó chủ tịch, Tổng Thư kí Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI). Ảnh: Hải Minh/VGP.

Ông Phùng Anh Tuấn, Phó chủ tịch, Tổng Thư kí Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI). Ảnh: Hải Minh/VGP.

Tổng Thư kí VAFI cũng nhấn mạnh nếu Việt Nam muốn phát triển, đủ khả năng cạnh tranh thì phải chơi cuộc chơi theo quy luật quốc tế.

Về xu hướng đẩy mạnh các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt nào trong thời gian tới, ông Tuấn khẳng định chưa thể xác định đâu là lĩnh vực phát triển nhất, lĩnh vực nào nhiều doanh thu nhất.

Theo một báo cáo mới đây, hiện tại có 154 công ty hoạt động về fintech ở Việt Nam, chủ yếu là mảng thanh toán điện tử, sau đó là lĩnh vực cho vay và có 22 công ty trong lĩnh vực tiền mã hóa và các khoản nợ thanh toán.

“Số lượng chưa phải là quá nhiều nhưng dư địa còn lại là rất lớn và nhiều tiềm năng như cho vay ngang hàng P2P, huy động vốn từ các cộng đồng lớn qua mạng Internet, qua các kênh khác nhau là ngân hàng điện tử, ngân hàng mã hóa…”, ông Phùng Anh Tuấn nhận định.

Văn Hưng

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/giao-dich-dung-tien-mat-van-la-vua-o-viet-nam-post1002681.html