Giao dịch không dùng tiền mặt đang tăng trưởng rất mạnh
Theo số liệu do Ngân hàng Thế giới công bố năm 2018, Việt Nam có lượng giao dịch phi tiền mặt thấp nhất trong khu vực với mức 4,9%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam về giao dịch không tiền mặt lại đang như 'phi mã'.
Theo số liệu do Ngân hàng Thế giới công bố năm 2018, Việt Nam có lượng giao dịch phi tiền mặt thấp nhất trong khu vực với mức 4,9%, thấp hơn các nước Trung Quốc (26,1%), Thái Lan (59,7%) và Malaysia (89%). Với tình hình này, Chính phủ đang ngày càng, khuyến khích, thúc đẩy mạnh mẽ thanh toán không tiền mặt.
Thống kê của Hiệp hội ngân hàng Việt Nam về thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động quý I/2018 tăng rất mạnh. Cụ thể, giao dịch tài chính qua kênh Internet tăng 68,8% về số lượng và 13,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động 97,7% về số lượng và 232,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán NHNN cho biết, hiện nay, hơn 40 triệu người Việt Nam trưởng thành trên 15 tuổi đã có tài khoản ngân hàng, 78 tổ chức đã triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet, 44 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán điện thoại di động. Giá trị giao dịch quý II/2019 qua Internet Banking là 9.500 nghìn tỷ đồng và Mobile Banking là 1.760 nghìn tỷ đồng.
Thanh toán di động đang trở thành xu hướng mới với việc ứng dụng các công nghệ mới như QR Code, Giao tiếp trường gần (NFC), số hóa thông tin thẻ (Tokenizatinon), xác thực sinh trắc học… Với Moblie Banking ngân hàng đã triển khai được nhiều dịch vụ hơn. Khách hàng có thể trả tiền điện online, mua vé máy bay, gần như tất cả các dịch vụ trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ công đã được quan tâm. Hệ sinh thái của ngân hàng đã được kết nối với hầu hết các ngành quan trọng…
Mặc dù vậy, NHNN cũng phải thừa nhận, hành lang pháp lý về thanh toán không dùng tiền mặt vẫn chưa hoàn thiện, cần tiếp tục bổ sung nhằm ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động thanh toán, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; Hạ tầng thanh toán chủ yếu ở khu vực đô thị, chưa vươn tới được nông thôn, vùng núi, vùng sâu vùng xa, hải đảo; Cần tăng cường sự kết nối, tích hợp giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ với hệ thống thanh toán để có cơ sở triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới.
Thời gian tới, NHNN sẽ ban hành đầy đủ các quy định pháp lý, các tiêu chuẩn kĩ thuật tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo. Triển khai hạ tầng công nghệ tập trung để tích hợp với các ngành, lĩnh vực, xây dựng hệ sinh thái phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Đẩy mạnh thanh tra, giám sát, đảm bảo an ninh an toàn hoạt động thanh toán.
Cùng với xu thế chung của các ngân hàng trên thế giới, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi từ mô hình hoạt động truyền thống sang mô hình ngân hàng số. Quá trình này đòi hỏi xây dựng khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách phù hợp, thiết lập hạ tầng kỹ thuật mới, các giải pháp ứng dụng của công nghệ kỹ thuật số. Do đó, cần có sự phối hợp của các bên liên quan tạo hệ sinh thái đồng bộ tạo nên sự phát triển của hoạt động ngân hàng số.