Giao dịch thua lỗ vẫn ngậm ngùi nộp thuế

Dòng tiền đầu tư liên tục chảy vào thị trường chứng khoán khiến số thu thuế từ kênh đầu tư này tăng mạnh, nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng có lãi, trong khi phí giao dịch cao, thuế chồng thuế…

Nỗi buồn chưa được giải tỏa

Câu chuyện nhà đầu tư chứng khoán phàn nàn về các khoản phí, thuế đã được phản ánh từ lâu nhưng vẫn chưa có gì thay đổi. Mới đây, Tổng cục Thuế công bố thông tin: nguồn thu thuế thu nhập cá nhân từ chứng khoán tháng 5/2021 tăng 320% so với cùng kỳ năm 2020.

Chia sẻ tại hội nghị giao ban trực truyến về tình hình thực hiện nhiệm vụ tháng 5 và triển khai công tác tháng 6/2021 do Bộ Tài chính tổ chức mới đây, ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, thu ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý đạt mức cao, trong đó, thuế thu nhập cá nhân đạt 60,2% dự toán và tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, số thu thuế từ chứng khoán, đầu tư vốn của cá nhân và chuyển nhượng bất động sản lần lượt tăng 320%, 169% và 183%.

Thực tế, dòng tiền đầu tư liên tục chảy vào thị trường chứng khoán trong thời gian qua giúp số thu thuế từ kênh đầu tư này tăng mạnh.

Theo ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong tháng 5/2021, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán Việt Nam đạt 26.178 tỷ đồng/phiên, tăng 16% so với tháng 4; lũy kế 5 tháng đầu năm 2021 là 21.214 tỷ đồng/phiên, tăng 185,9% so với mức bình quân cả năm 2020.

Trong bối cảnh đó, vai trò của nhà đầu tư cá nhân trong nước được nhấn mạnh khi nhìn vào con số kỷ lục 113.674 tài khoản chứng khoán cá nhân được mở mới trong tháng 5/2021, nâng tổng số lượng tài khoản đạt 3,25 triệu, tương đương 3,2% dân số.

Tuy vậy, trong niềm vui chung vì thị trường chứng khoán phát triển, thu ngân sách tốt, nhiều nhà đầu tư vẫn bức xúc vì vấn đề phí và thuế.

Chị Nguyễn Minh Anh (Hà Nội), nhà đầu tư mở tài khoản tại Công ty Chứng khoán Kỹ thương cho biết, ngày 4/6/2021 mua 600 cổ phiếu KBS ở mức giá 34.900 đồng/cổ phiếu, giá trị giao dịch 20,94 triệu đồng, phí giao dịch 0,1% là 20.940 đồng.

Cùng ngày, chị bán 500 cổ phiếu FPT với giá 85.000 đồng/cổ phiếu, thu về 42,5 triệu đồng, sau khi bị trừ phí giao dịch 0,1% là 42.500 đồng còn phải chịu tiếp 0,1% thuế thu nhập cá nhân 42.500 đồng.

“Đó là các giao dịch nhỏ nên thuế, phí không nhiều, chứ có hôm mua bán số lượng lớn, nhất là lại bán cắt lỗ, đã bị lỗ mà nhìn thuế, phí thì càng xót, chưa kể phí lưu ký, phí ứng tiền trước…”, chị Minh Anh chia sẻ.

Nhà đầu tư Đoàn Thế Hùng (Bắc Ninh) thấm thía hơn sau khi tài khoản bị “bào mòn” vì các loại thuế, phí. Mức phí giao dịch mà anh phải trả cho Công ty Chứng khoán TP.HCM là 0,15% giá trị giao dịch.

“Cuối năm 2020, tôi đầu tư 60 triệu đồng mua một cổ phiếu thị giá thấp, nhưng sau đó giá có diễn biến giảm, cuối cùng đành phải bán cắt lỗ, nhận về 50 triệu đồng. Đã lỗ lớn lại bị trừ 0,1% thuế thu nhập cá nhân và phí giao dịch tăng lên 0,2%”, anh Hùng ngán ngẩm nói.

“Ngoài ra, tôi được doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu, khi bán ra, dù lãi hay lỗ cũng phải nộp thuế thu nhập cá nhân thêm 5%. Như thế là thuế, phí chồng chéo”, anh Hùng nhấn mạnh.

Tổ chức khác, nhỏ lẻ khác

Nói về thuế trong hoạt động đầu tư chứng khoán, một chuyên gia tài chính nêu thực trạng: Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân, người bán cổ phiếu phải nộp thuế này theo lợi nhuận thực tế (tỷ lệ 20% của giá bán trừ giá mua, cộng chi phí hợp lý) và chỉ phải nộp khi có lãi (với các nhà đầu tư tổ chức).

Nhưng các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ lại khác, do không có hệ thống sổ sách theo dõi nên phải chịu phương án bị “đánh đồng” thu 0,1% doanh số bán, không cần biết lãi, lỗ.

Từ ngày 5/12/2020, nhà đầu tư nhận cổ tức bằng cổ phiếu hay nhận thưởng bằng cổ phiếu còn phải nộp 5% thuế thu nhập cá nhân theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, như vậy là thuế chồng thuế.

Chưa kể, để làm ra lợi nhuận dùng chia cổ tức, doanh nghiệp đã phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Có thể thấy, 1 lần giao dịch phải đóng tới 3 lần thuế.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phòng Phân tích khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho hay, việc trả cổ tức bằng cổ phiếu thường diễn ra ở những doanh nghiệp thiếu vốn (nên không có hoặc không muốn dùng tiền mặt để trả cổ tức) và làm pha loãng cổ phiếu: số lượng lưu hành tăng lên, nhưng giá trị không thay đổi.

“Ngành thuế thì cứ thấy phát sinh lượng cổ phiếu tăng thêm là đánh thuế. Điều này ảnh hưởng đến nhà đầu tư, tạo ra gánh nặng chi phí vốn. Nhà đầu tư sẽ thận trọng hơn khi chọn mua cổ phiếu”, ông Minh nhận xét.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam nêu quan điểm, việc thu thuế và phí trong hoạt động chứng khoán cần áp dụng theo luật, trong đó, thuế chỉ nên thu trên lợi nhuận chênh lệch giữa giao dịch mua và bán.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Đầu tư tài chính Việt Nam cho rằng, với quy định đánh thuế 5% trên cổ tức bằng cổ phiếu, nhà đầu tư chịu thiệt, nên họ thích lấy tiền mặt hơn và bác bỏ giải pháp chia cổ tức bằng cổ phiếu, khi đó doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn về nguồn vốn.

Minh Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/giao-dich-thua-lo-van-ngam-ngui-nop-thue-post271743.html