Giáo dục an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên: Cần có sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi khẳng định, để công tác giáo dục an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên được triển khai hiệu quả, cần có sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội. Đặc biệt là mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội cần phải được xây dựng vững chắc và các chế tài xử lý phải có tính răn đe, quyết liệt, đầy đủ.

Phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả

Ngày 18.10, tại tỉnh Thái Nguyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm triển khai, thực hiện Chương trình phối hợp số 415/CTPH/UBATGTQG-BGDĐT giữa Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia với Bộ GD-ĐT về tăng cường công tác giáo dục an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên giai đoạn 2019-2024.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Chi cho biết: Trong giai đoạn 5 năm vừa qua, Chương trình phối hợp số 415 đã đạt được nhiều kết quả và những chuyển biến tích cực trong công tác đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên.

Chương trình phối hợp đã ban hành nhiều quy định về tuyên truyền pháp luật, các thông tư của các bộ, ban, ngành, các chế tài xử lý kỷ luật và quan trọng hơn hết là thay đổi nhận thức, ý thức về an toàn giao thông ở lứa tuổi học sinh, sinh viên. Kết quả là hạn chế dần về số vụ tai nạn giao thông và giảm thiểu dần mức độ thiệt hại của các vụ tai nạn an toan giao thông xảy ra.

Tuy nhiên theo Thứ trưởng, trong thực tế, vi phạm an toàn giao thông vẫn là một vấn đề nhức nhối. Đặc biệt, đối với học sinh, sinh viên những nguy hiểm về tai nạn giao thông vẫn rình rập hàng ngày, hàng giờ và vẫn còn phải chứng kiến những đau xót về tai nạn giao thông gây ra. Hậu quả, di chứng và sự tổn hại không chỉ về vật chất, mà còn là tinh thần đối với mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường là vĩnh viễn.

 Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Kim Anh

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Kim Anh

Thông tin thêm, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên Trần Văn Đạt cho biết: Trong 5 năm triển khai thực hiện Chương trình phối hợp, Bộ GD-ĐT đã ban hành các văn bản chỉ đạo và triển khai các hoạt động về giáo dục an toàn giao thông trong trường học. Trong đó, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp của ngành Giáo dục được giao Bộ GD-ĐT đã ban hành các Kế hoạch, hướng dẫn triển khai thực hiện công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học tới các cơ sở giáo dục.

Nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, chỉ đạo sát sao của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về chuyên môn, kính phí hoạt động và các định hướng cụ thể để ngành Giáo dục triển khai thuận lợi công tác giáo dục an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên trong trường học, Bộ GD-ĐT đã đưa công tác giáo dục an toàn giao thông là một trong những tiêu chí bình xét, đánh giá thi đua hàng năm của Ngành.

Các cơ sở giáo dục đã chủ động tăng cường công tác giáo dục pháp luật ngoại khóa về an toàn giao thông bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động, đa dạng, phù hợp từng lứa tuổi từ mầm non đến giáo dục phổ thông, đảm bảo tối thiểu ít nhất 5 tiết/1 học kỳ đối với học sinh lớp đầu cấp và 3 tiết/1 học kỳ đối với các lớp khác. Bộ GD-ĐT đã triển khai rà soát, đánh giá nội dung, thời lượng giáo dục an toàn giao thông trong chương trình chính khóa của tất cả các cấp học để tiến hành sửa đổi, bổ sung trong quá trình hoàn thiện chương trình, sách giáo khoa mới. Hiện nay, chương trình, tài liệu và thời lượng giảng dạy chính khóa, ngoại khóa đang sử dụng trong các cơ sở giáo dục.

Để triển khai hiệu quả tăng cường công tác giáo dục an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên Bộ GD-ĐT đã phối hợp Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an, các tổ chức và các địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên, nhằm nâng cao kiến thức, ý thức, thái độ và ứng xử có văn hóa của học sinh, sinh viên khi tham gia giao thông.

Sau 5 năm thực hiện Chương trình phối hợp, công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học đã có chuyển biến rõ rệt trong nhận thức pháp luật về an toàn giao thông của các cơ sở giáo dục, hàng năm chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên.

Sự tham gia hỗ trợ của các tổ chức Quỹ phòng chống thương vong Châu Á (AIP), Công ty Honda Việt Nam, Quỹ bảo hiểm xe cơ giới - Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam với sự hỗ trợ kỹ thuật và những giải pháp cụ thể khác nhau đã góp phần kiềm chế tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông ở một số địa phương và nhà trường.

Tuy đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng công tác giáo dục toàn giao thông cho học sinh, sinh viên vẫn còn gặp một số hạn chế như ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông của học sinh, sinh viên có chuyển biến nhưng tính tự giác chưa cao, thời lượng giảng dạy về an toàn giao thông trong chương trình chính khóa còn hạn hẹp, phương pháp giảng dạy còn cứng nhắc chưa tạo ra hứng thú cho học sinh, sinh viên, giáo viên dạy an toàn giao thông đều là giáo viên kiêm nhiệm…

 Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

Thay đổi nhận thức về an toàn giao thông

Là cơ sở giáo dục đại học mang đặc thù tính chất của môi trường sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên luôn xác định vai trò quan trọng của việc giáo dục an toàn giao thông cho sinh viên. Theo PGS.TS Hà Trần Phương, Chủ tịch Hội đồng trường cho biết: Nhà trường đã thực hiện giảng dạy trực tiếp tại các khoa giáo dục chuyên ngành có liên quan cũng như tích hợp giảng dạy đối với các khoa giáo dục khác về nội dung công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học. Điều này vừa nâng cao ý thức của bản thân sinh viên thuần túy cũng như là nội dung đào tạo quan trọng để thông qua đó nội dung này được tuyên truyền, lan tỏa theo đúng chuyên môn sư phạm đến xã hội.

Là địa phương có số lượng học sinh lớn, địa bàn rộng, theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng - Giáo dục thường xuyên, Sở GD-ĐT Nghệ An cho biết: Những năm qua, để thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, Sở GD-ĐT đã căn cứ vào đặc điểm từng vùng, miền để tuyên truyền phù hợp với các nội dụng cụ thể như học sinh thường xuyên tham gia các phương tiện giao thông đường thủy, nhà trường tăng cường giáo dục học sinh đi phà, đò phải mặc áo phao, sử dụng dụng cụ cứu sinh, chấp hành quy định an toàn giao thông đường thủy nội địa. Đối với các trường trên địa bàn có đường sắt chạy qua, tổ chức tuyên truyền các nội dung bảo vệ đường sắt, các quy tắc đi qua đường sắt an toàn…

Trưởng phòng Phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh Trần Thanh Thưởng chia sẻ: Nhà trường tổ chức triển khai mô hình xây dựng đội tuyên truyền Luật giao thông trong trường. Theo đó, thành lập các nhóm tuyên truyền theo tổ chức đoàn/hội khoa, xây dựng nội dung tuyên truyền, tổ chức tuyên truyền trên website cũng như các trang mạng xã hội của sinh viên. Duy trì mô hình cổng trường an toàn giao thông, tích cực giải tỏa ách tắc giao thông trong giờ cao điểm.

 Tại hội nghị, Bộ GD-ĐT đã trao tặng Bằng khen Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho 15 cá nhân và 18 tập thể nhằm ghi nhận những thành tích trong 5 năm triển khai Chương trình phối hợp số 415.

Tại hội nghị, Bộ GD-ĐT đã trao tặng Bằng khen Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho 15 cá nhân và 18 tập thể nhằm ghi nhận những thành tích trong 5 năm triển khai Chương trình phối hợp số 415.

Nhấn mạnh an toàn giao thông luôn là vấn đề quan trọng, mang tính thời sự, theo ông Nguyễn Thanh Bằng, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Cà Mau thông tin trong giai đoạn 2019 - 2024, tỉnh Cà Mau đã tổ chức cho 1.650.000 lượt học sinh, sinh viên, 1.169.055 lượt phụ huynh ký cam kết nội dung giáo dục an toàn giao thông với các nhà trường.

Lưu ý việc đổi mới đồng bộ hình thức giảng dạy trong các nhà trường.Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi khẳng định, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành khung chương trình và tiêu chí yêu cầu đầu ra, các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế vùng miền, địa phương của mình để xây dựng kế hoạch triển khai. Thứ trưởng nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu trong công tác triển khai. “Nơi nào lãnh đạo quan tâm thì nơi đó làm tốt. Do đó phải phát huy hiệu quả sự chỉ đạo, lãnh đạo, nhận thức của người đứng đầu các đơn vị trong công tác này” Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng cũng cho rằng, đối với cách làm, mô hình phối hợp hay tại các địa phương thì cần được báo cáo, chia sẻ và lựa chọn để nhân rộng thành mô hình phổ biến. Trong khi làm, khi triển khai việc phân công trách nhiệm, công việc cần phải rõ ràng, cụ thể.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng khẳng định, để công tác này được triển khai hiệu quả, cần có sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội. Đặc biệt là mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội cần phải được xây dựng vững chắc và các chế tài xử lý phải có tính răn đe, quyết liệt, đầy đủ. “Đối với giáo dục việc truyền thụ các kiến thức văn hóa rất quan trọng, nhưng bồi dưỡng những kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên quan trọng hơn rất nhiều. Sự nghiệp học chữ có thể cả đời nhưng việc bảo đảm được an toàn giao thông là việc hàng ngày, hàng giờ, là việc làm cần thiết và phải làm”. Thứ trưởng nhấn mạnh.

Minh Vân

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc-an-toan-giao-thong-cho-hoc-sinh-sinh-vien-can-co-su-vao-cuoc-quyet-liet-cua-toan-xa-hoi-post393651.html