Giáo dục bằng âm nhạc

16 năm gắn bó với nghề giáo viên, cô Đỗ Ánh Tuyết (SN1982), Trường tiểu học Chính Nghĩa (quận 5, TP. Hồ Chí Minh) nhận ra rằng, vấn đề mấu chốt của giáo dục chính là sự sáng tạo trong phương pháp truyền đạt của người thầy để khơi gợi sự ham học hỏi của trò. Tiếng lành đồn xa, cô Tuyết đã trở thành khách mời trong chương trình Vườn hoa âm nhạc tuổi thơ của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước.

Với mong muốn thay đổi phương pháp dạy học, cô giáo Tuyết (ca sĩ Đỗ Tuyết Nhi) đã tạo ra những tiết học vô cùng thú vị cho học trò. Cô Tuyết kể: “Nhiều khi lớp học bắt đầu bằng một trận cười nghiêng ngả khi tôi nhìn em học sinh lên giải bài tập rồi nói bằng chất giọng… cổ tích: “Công chúa hôm nay có chiếc áo đầm đẹp quá!”. Hay trong giờ đọc truyện cổ tích, có khi tôi xưng “trẫm” để các em được làm “quan lại”, “dân chúng”. Lớp có một vài em chậm phát triển, việc nhớ quy tắc “mọi chữ số cộng, trừ với số 0 thì bằng chính nó” lại rất khó khăn với các em. Vậy nên, tôi thống nhất từ đầu bằng một phép tưởng tượng, rằng số 0 giống như chiếc gương, “nếu con soi vào chiếc gương thì con thấy chính con, vậy thì mọi con số “soi” qua chiếc gương số 0 cũng sẽ vẫn là chính nó”.

Cô Đỗ Ánh Tuyết là khách mời trong chương trình Vườn hoa âm nhạc tuổi thơ của BPTV

Cô Đỗ Ánh Tuyết là khách mời trong chương trình Vườn hoa âm nhạc tuổi thơ của BPTV

Đặc biệt, cô đã sáng tác nhiều bài hát được yêu mến như: Yêu sao nghề giáo viên, Bé vui đón tết, Hè đến… Mới đây nhất là bài hát A Ă Â từ 29 chữ cái tiếng Việt, nhằm đánh thức tình yêu và sự gắn bó với tiếng Việt ở những em nhỏ tiểu học và những người đang học tiếng Việt. Theo cô Tuyết, là giáo viên dạy tiểu học, ở lớp cô chủ nhiệm, các em được gia đình đầu tư môn tiếng Anh khá kỹ, thành ra các em có xu hướng giỏi tiếng Anh hơn cả tiếng Việt. Các em lẫn lộn Anh - Việt, lúng túng khi phải diễn tả bằng tiếng mẹ đẻ, rồi phát âm tiếng Anh khi đọc chữ cái trong giờ học tiếng Việt... Vì vậy, cô quyết tâm thực hiện ca khúc này một cách bài bản để mong lan tỏa cách nhớ 29 chữ cái. “Tôi muốn tiếng Việt xuất hiện lần đầu trong tâm trí các em sinh động, gần gũi. Bảng chữ cái là một bài học, nếu được nghêu ngao mỗi ngày với giai điệu dễ thương, bài học đó sẽ dần gắn bó với các em một cách tự nhiên” - cô Tuyết nói.

Trước nay, trẻ em nước ngoài hay ở Việt Nam được đi học tiếng Anh đều biết và thuộc làu bài hát “A B C Song”. Phụ huynh và trẻ thơ bao thế hệ cứ hát nghêu ngao “A B C D E F G...”, nên vô tình “ABC Song” trở thành “hit” được truyền từ đời này sang đời khác... Chính vì vậy, ca khúc A Ă Â ra đời là một món quà mới, được cô giáo Ánh Tuyết sáng tạo nên từ những chất liệu quen thuộc của quê hương, mang ý nghĩa tự hào dân tộc dành tặng trẻ em Việt Nam.

Đam mê ca hát nên từ chính trải nghiệm nghề nghiệp của mình, cô Tuyết đã kết hợp giữa giáo dục và âm nhạc để các em có phương pháp học tập tốt hơn. Giáo án sinh động cho giờ học bảng chữ cái trong chương trình lớp 1 giờ đây đã được thay bằng một bài hát. Các em có thể xem MV để học chữ, phần nhạc chạy đến đâu, hình ảnh chữ cái hiện ra đến đó. Âm nhạc còn tạo ra sự kết nối giữa cô và trò. Từ đó, giúp các em tương tác tốt hơn trong giờ học chữ.

Với cô Tuyết, các MV cô sáng tạo ra như sản phẩm giáo dục. Cô và cả ê-kíp thực hiện tỉ mỉ, nghiêm túc như soạn một bài giáo án, thú vị và dễ tiếp nhận nhất. Cô đã sáng tác và dạy các em những bài hát khác về bảng chữ cái, bộ vần, về phụ âm đôi... Mọi công việc đó, cô đều miệt mài làm để mơ ước về sự kết nối và tương tác ngày càng sâu sắc hơn trong giáo dục. Cô mong rằng, tương lai sẽ có một sự kết nối và tương tác từ những cấp quản lý giáo dục, để tiếp sức cho những sản phẩm âm nhạc lan tỏa rộng hơn phạm vi lớp học, để mọi đứa trẻ đang vỡ lòng học chữ đều được tiếp cận một “phép nhớ” gần gũi như thế.

Minh Huệ - Phương Dung

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/253/122981/giao-duc-bang-am-nhac