Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh: Không thể 'trăm dâu' đổ đầu thầy cô
Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà còn có vai trò đặc biệt quan trọng của gia đình. Tuy nhiên, có một thực tế, không ít gia đình đang giao khoán nhiệm vụ này cho nhà trường. Sự xao nhãng của gia đình với chính con em mình có thể để lại những hậu quả khó lường.
Vào giữa tháng 5 vừa qua, trên đường Phạm Văn Thuận thuộc P.Tân Mai (TP.Biên Hòa) đã xảy ra vụ ẩu đả bằng bom xăng và súng gây rúng động dư luận giữa 30 đối tượng, trong số này có 6 học sinh. Khi hay tin học sinh của mình góp mặt trong vụ việc nói trên, nhiều thầy cô đã bị sốc.
* Nỗi khổ tâm của thầy cô
Trong số này, có 2 học sinh tên H. và A. của một trường THPT có tiếng về chất lượng dạy tốt, học tốt. Hiệu trưởng trường này cho biết, nhà trường luôn sâu sát trong việc giáo dục toàn diện cho học sinh cả về đạo đức, lối sống lẫn kiến thức. Do đó, khi biết vụ việc trên, không riêng Ban giám hiệu mà cả thầy cô đều rất buồn. Tuy nhiên, nhà trường luôn xác định lấy chữ tâm, tình thương và trách nhiệm để giáo dục các em.
Hiệu trưởng một trường phổ thông tư thục có nhiều cấp học tại TP.Biên Hòa có một học sinh tham gia vào vụ ẩu đả nói trên cho biết, nhà trường có số lượng học sinh khá đông và công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh luôn được duy trì thường xuyên. Với những học sinh chưa ngoan, thông qua giáo viên chủ nhiệm, nhà trường đều nắm được danh sách và có sự quan tâm giáo dục riêng. Tuy nhiên, vẫn có một số em chỉ cần bước ra khỏi cổng trường là gây chuyện...
Giáo viên chủ nhiệm lớp 9 của một trường THCS cho biết, khi theo dõi báo chí và biết được học sinh của mình tham gia vụ ẩu đả trên đường Phạm Văn Thuận vào đêm 15-5, cô đã bị sốc. Cô chia sẻ: “Trong suốt thời gian chủ nhiệm, nhiều lần tôi đã căn dặn và động viên em V. ráng chăm chỉ học hành, nghe lời cha mẹ, thầy cô. Nếu không thể học lên lớp 10 cũng phải học hết lớp 9 để học nghề, đặc biệt là phải tránh xa sự lôi kéo của bạn bè xấu, nhưng rồi em vẫn bị lôi kéo…”.
* Dạy trò ngày càng khó
Vì thiếu kiên nhẫn và có phần nôn nóng muốn học sinh chăm ngoan hơn nên thời gian vừa qua đã có không ít giáo viên có hành vi chưa chuẩn mực và phải nhận kỷ luật trong quá trình công tác.
Giám đốc Sở GĐ-ĐT TRƯƠNG THỊ KIM HUỆ cho biết, giáo dục tư tưởng, đạo đức cho học sinh là việc rất quan trọng và chưa bao giờ là dễ dàng. Trong môi trường giáo dục, mỗi thầy cô càng phải nỗ lực nhiều hơn nữa để không học sinh nào bị bỏ lại phía sau nhưng cũng phải rất bình tĩnh, kiên nhẫn và kiên trì. Với những học sinh chậm tiến, phải luôn lấy tình thương yêu dành cho các em. Ngoài nỗ lực từ nhà trường, gia đình phải đóng vai trò quan trọng, là nơi cùng với nhà trường hình thành nên nhân cách tốt cho học sinh.
Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Thời Nhiệm (TT.Định Quán, H.Định Quán) Lê Thị Thanh Tâm cho biết, mới đây nhà trường đã phải xử lý kỷ luật với 2 giáo viên có hành vi không đúng mực với học sinh trên lớp và bị học sinh quay clip đưa lên mạng xã hội. Hành vi của 2 giáo viên này là chưa đúng mực và đã phải chịu trách nhiệm theo quy định, nhưng cũng không thể không trách học sinh khi các em chưa ngoan, chưa chăm chỉ học hành.
Cô Lê Thị Thanh Tâm chia sẻ thêm, khi 2 giáo viên của trường bị kỷ luật, phụ huynh đều nhận ra trong đó có một phần trách nhiệm của mình trong việc dạy bảo con. Phụ huynh trăn trở khi vì con em mình, các giáo viên bị kỷ luật và hình thức kỷ luật đó có thể theo suốt cả sự nghiệp của thầy cô. Thậm chí, phụ huynh đã làm đơn kiến nghị nhà trường không xử lý kỷ luật thầy cô, đồng thời mong thầy cô tiếp tục nghiêm khắc với con em mình, nhưng nhà trường vẫn phải thực hiện kỷ luật theo quy định và chỉ đạo của UBND huyện.
Nhiều giáo viên cho rằng, khi những sự việc bị đưa lên mạng xã hội, dư luận thường đổ dồn về phía giáo viên mà thiếu đi sự thấu hiểu và chia sẻ với những áp lực hằng ngày giáo viên đang phải đối diện với những học sinh chưa ngoan. Từ đó đã xuất hiện tâm lý giáo viên “giữ mình” trước những trường hợp học sinh cá biệt, dẫn đến việc các em càng thêm mất phương hướng và có thể trượt dài hơn trong học tập và trước những thói hư tật xấu.
Một giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp tại Trường THCS Long Bình Tân (P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) chia sẻ, trong một lớp không phải em nào cũng ngoan và nghe lời thầy cô, nhất là những em đang tuổi mới lớn. Nếu không may gặp phải học sinh chưa ngoan, giáo viên chủ nhiệm khá mệt mỏi, vì phải nghe giáo viên bộ môn khác “mắng vốn”, Ban giám hiệu nhắc nhở, cuối năm còn bị ảnh hưởng tới phong trào thi đua của lớp. Vì vậy, trong giờ dạy với những học sinh chưa ngoan này, giáo viên phải rất bình tĩnh, tuyệt đối không vì quá nóng nảy mà có hành vi thiếu chuẩn mực.