Giáo dục hòa nhập: Giúp trẻ khuyết tật phát triển

Giáo dục hòa nhập nhằm mục tiêu giúp người khuyết tật được phát triển khả năng của bản thân. Trẻ khuyết tật cùng học với trẻ bình thường theo chương trình chung được điều chỉnh đảm bảo điều kiện cần thiết để phát triển tốt nhất các khả năng.

Giáo dục hòa nhập (GDHN) nhằm mục tiêu giúp người khuyết tật được phát triển khả năng của bản thân. Trẻ khuyết tật cùng học với trẻ bình thường theo chương trình chung được điều chỉnh đảm bảo điều kiện cần thiết để phát triển tốt nhất các khả năng. Qua đó tạo điều kiện cho các em được hưởng các chế độ, chính sách, được chăm sóc y tế, được vui chơi, học tập hòa nhập cộng đồng, vươn lên trở thành người có ích cho xã hội.

Lớp có học sinh khuyết tật học hòa nhập, các giáo viên phải nỗ lực rất nhiều. Trong ảnh: Lớp 3A, Trường Tiểu học Đông Bo, xã Tràng Xá (Võ Nhai), có 1 học sinh khuyết tật học hòa nhập.

Lớp có học sinh khuyết tật học hòa nhập, các giáo viên phải nỗ lực rất nhiều. Trong ảnh: Lớp 3A, Trường Tiểu học Đông Bo, xã Tràng Xá (Võ Nhai), có 1 học sinh khuyết tật học hòa nhập.

Những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tạo mọi điều kiện và cơ hội để trẻ khuyết tật được phát triển như mọi trẻ em bình thường khác.

Theo thống kê, năm học 2022-2023, riêng cấp tiểu học toàn tỉnh có 1.281 trẻ khuyết tật được học hòa nhập, đạt 99,8% trong tổng số trẻ khuyết tật từ 6-14 tuổi. Trong số này, số học sinh hoàn thành chương trình lớp học chiếm tỷ lệ 92%, số chưa hoàn thành chương trình chỉ chiếm 8%.

Để các trường thực hiện tốt nhiệm vụ GDHN, theo đồng chí Nguyễn Hà Sơn, Trưởng Phòng Mầm non và Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo: Hằng năm, vào đầu năm học, Ngành có văn bản chỉ đạo tiếp nhận trẻ khuyết tật vào học tại các nhà trường. Đồng thời, các phòng giáo dục phải báo cáo UBND cấp huyện để có sự chỉ đạo đối với cơ quan y tế địa phương giúp đỡ các nhà trường trong việc khám, phân loại tật cho trẻ, cũng như huy động nguồn lực hỗ trợ cho các nhà trường thực hiện nhiệm vụ GDHN trẻ khuyết tật.

Đối với trẻ khuyết tật nặng, giáo viên chỉ cần lựa chọn một số môn học phù hợp với năng lực của các em để dạy. Các môn còn lại tổ chức cho các em tham gia và chỉ xem xét sự tiến bộ của học sinh. Tuyệt đối không được xem là ngồi “nhầm lớp” đối với đối tượng học sinh khuyết tật.

Bên cạnh đó, trong những năm qua, ngành Giáo dục cũng phối hợp với Trung tâm Giáo dục khuyết tật thuộc Viện Khoa học Việt Nam tổ chức tập huấn những kiến thức sơ đẳng về đào tạo học sinh khuyết tật cho giáo viên cốt cán các nhà trường.

Đồng thời, với vai trò là cơ sở giáo dục chuyên biệt trên địa bàn, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh cũng đã bồi dưỡng cho giáo viên các nhà trường theo sự chỉ đạo của ngành Giáo dục, tư vấn cho nhiều phụ huynh học sinh về cách chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Kim Nhung, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh: Tập thể cán bộ, giáo viên của Trung tâm đã tích cực đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đặc biệt là phương pháp dạy học đặc thù đối với học sinh khiếm thị dạy bằng chữ nổi Braille, sử dụng ngôn ngữ ký hiệu trong dạy học và giao tiếp với học sinh khiếm thính. Các em học sinh khuyết tật trí tuệ, tự kỷ được chú trọng rèn kỹ năng sống, kỹ năng tự phục vụ bản thân. Ngoài học văn hóa, các em được học nghề may, thêu, tin học. Các thầy, cô định hướng một số công việc phù hợp sau khi ra trường đi làm có thu nhập nuôi sống bản thân…

Hàng năm, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh tiếp nhận từ 260 đến 280 em học sinh khuyết tật đến học tập. Năm học 2022-2023, Trung tâm có 272 học sinh, trong đó có 33 học sinh mầm non can thiệp sớm.

Việc duy trì các lớp can thiệp sớm từ 30 đến 40 trẻ trong độ tuổi mầm non học tại Trung tâm đã giúp nhiều trẻ có khả năng tiến bộ học hòa nhập ở các trường học bình thường trong tỉnh ở bậc học cao hơn.

Ngoài những em khuyết tật nặng học tại cơ sở giáo dục chuyên biệt, toàn tỉnh hiện còn gần 3 nghìn em đang theo học hòa nhập tại các cấp học học, bậc học.

Lớp 1D, Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (TP. Thái Nguyên), có 1 học sinh khuyết tật học hòa nhập.

Lớp 1D, Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (TP. Thái Nguyên), có 1 học sinh khuyết tật học hòa nhập.

Tại Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (TP. Thái Nguyên), năm học 2022-2023 có 7 học sinh học hòa nhập. Theo cô giáo Hà Phong Lan, Hiệu trưởng Nhà trường: Trẻ khuyết tật trong độ tuổi trên địa bàn được Nhà trường nắm chắc và huy động ra lớp học hòa nhập, được tạo điều kiện để học tập bình đẳng. Chúng tôi đã chủ động điều chỉnh linh hoạt về chương trình, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, cách đánh giá. Với học sinh khuyết tật nặng, giáo viên đã lựa chọn một số môn học phù hợp với năng lực của các em để dạy. Các môn còn lại tổ chức cho các em tham gia và chỉ xem xét sự tiến bộ của học sinh.

Theo chỉ tiêu phát triển giáo dục và đào tạo năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 1.025 học sinh khuyết tật học hòa nhập cấp tiểu học, 786 học sinh học hòa nhập cấp THCS và 89 học sinh khuyết tật được tuyển thẳng vào lớp 10.

Có thể khẳng định, chủ trương GDHN mang tính nhân văn sâu sắc, nhằm tạo sự công bằng và bình đẳng để mọi trẻ em đều được đến trường, được học hành, quan tâm, chăm sóc, vui chơi, phát triển như những trẻ bình thường khác.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-duc/202308/giao-duc-hoa-nhap-giup-tre-khuyet-tat-phat-trien-ffd0593/