Giáo dục học sinh sử dụng internet và mạng xã hội an toàn

Việc sử dụng internet và mạng xã hội (MXH) tại Việt Nam gần như không “kén” độ tuổi nào, kể cả trẻ em (người dưới 16 tuổi). Đây thực sự là nỗi lo của phụ huynh lẫn nhà trường trong việc bảo vệ trẻ em trước những tác động trái chiều từ internet và MXH.

Học sinh cần có nhiều hoạt động học tập bổ ích, tránh xa các ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội. Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo (xã Bảo Bình, H.Cẩm Mỹ) duy trì văn hóa đọc tại trường. Ảnh: Trần Lập

Học sinh cần có nhiều hoạt động học tập bổ ích, tránh xa các ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội. Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo (xã Bảo Bình, H.Cẩm Mỹ) duy trì văn hóa đọc tại trường. Ảnh: Trần Lập

Trưởng phòng GD-ĐT H.Định Quán Ngô Đăng Thành cho biết: “Trên địa bàn huyện từng có một số lần học sinh quay clip học sinh cùng trường đánh nhau, thậm chí thầy cô có hành động, thái độ thiếu kiềm chế với học sinh trên lớp cũng bị quay rồi tung lên mạng gây bức xúc dư luận. Không chỉ dừng lại ở học sinh hay giáo viên bị kiểm điểm mà hậu quả của nó còn lâu dài hơn thế nếu không quan tâm đến giáo dục học sinh ý thức trong quá trình tiếp cận internet và MXH”.

* Lo MXH “biến đổi học sinh”

Sau những sự việc đáng tiếc liên quan đến học sinh đăng tải clip thiếu chuẩn mực lên MXH xảy ra, Phòng GD-ĐT H.Định Quán đã dành sự quan tâm nhiều hơn đến việc tuyên truyền nâng cao ý thức cho học sinh khi sử dụng MXH. Trong các buổi giao ban với hiệu trưởng các trường phổ thông, nội dung hướng dẫn học sinh sử dụng MXH an toàn và có văn hóa đều được Phòng đề cập.

Ông Ngô Đăng Thành cho biết thêm: “Với hàng ngàn học sinh ở các bậc học thì rủi ro trên MXH là không tránh khỏi, vì thế việc tuyên truyền thường xuyên ít nhiều sẽ mang lại tác dụng tốt, hạn chế tối thiểu các rủi ro”.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT ĐỖ HUY KHÁNH:Dành thời gian chính khóa để hướng dẫn học sinh sử dụng MXH an toàn

Trong môi trường giáo dục hiện đại không thể thiếu internet, lại càng không thể cấm cản học sinh sử dụng MXH. Tuy nhiên, phụ huynh và nhà trường cần chung tay xây dựng một “bức tường lửa” an toàn cho học sinh khi sử dụng MXH. Mỗi phụ huynh cần tự trang bị kỹ năng sử dụng MXH an toàn, văn minh, từ đó hướng dẫn cho con em mình. Giáo viên và nhà trường, trong đó có tổ chức Đoàn, Đội phải coi nội dung giáo dục học sinh sử dụng MXH an toàn như những buổi học chính khóa để giúp các em phải biết hành động đúng mỗi khi sống trong thế giới ảo.

Hiệu trưởng một trường phổ thông nhiều cấp học tại P.Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) thừa nhận, việc cấm học sinh sử dụng MXH dường như không thể, nên có những việc không như mong muốn vẫn xảy ra. Nguyên nhân chính là các em chưa nhận thức được hết hành vi của mình trên MXH. Chẳng hạn cách đây không lâu, một số học sinh đã lập nhóm mang tên trường trên MXH Facebook. Để thu hút đông học sinh cùng trường tham gia, nhóm đã bịa đặt ra những câu chuyện “giật gân”, sử dụng những hình ảnh và từ ngữ không phù hợp.

Để tránh những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho học sinh, lo lắng cho phụ huynh và ảnh hưởng đến nhà trường, bằng nhiều biện pháp, nhà trường đã “truy’ được nhóm học sinh lập ra nhóm trên. Vì độ tuổi các em còn nhỏ, nhận thức chưa tới nên nhà trường không kiểm điểm mà chỉ nhắc nhở, định hướng lại các em làm sao sử dụng MXH cho chuẩn mực, không gây hoang mang cho xã hội và ảnh hưởng đến uy tín của trường. Nhóm này sau đó đã đổi tên và hoạt động lành mạnh hơn.

Chị Nguyễn Thị Thu Hòa (ngụ P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) chia sẻ, sau nhiều năm không cho con sử dụng MXH, mới đây chị phát hiện con đã lập tài khoản riêng trên Facebook với hình đại diện mặc đồ thiếu kín đáo. Chị được phen choáng váng khi phát hiện trang Facebook cá nhân của con có khá đông người theo dõi, không ít lời bình luận cổ xúy cho con chị đăng thêm hình mặc hở táo bạo hơn.

Anh Giang Tiến Lộc (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho hay, chẳng biết từ khi nào mà MXH Facebook và TikTok lại biến con gái anh từ một đứa trẻ hiền lành, ít nói thành một “cú đêm”, thích “sống ảo”. Thậm chí, con anh còn không ngại khi comment (bình luận) không đẹp để đáp trả lại những comment của bạn bè cùng sử dụng MXH mà con không thích.

Anh Lộc thừa nhận: “Cha mẹ khó lòng mà kiểm soát được con cái khi chúng sử dụng MXH, vì con sẵn sàng “chặn” lịch sử kiểm duyệt của cha mẹ nên chỉ còn biết khuyên bảo để hạn chế phần nào”.

* Nhiều rủi ro nhưng khó kiểm soát

Hiện pháp luật Việt Nam vẫn chưa có quy định nào về độ tuổi học sinh được sử dụng MXH. Trường hợp nếu muốn, học sinh vẫn có thể “lách” để đăng ký lập tài khoản MXH riêng chỉ với một chiếc điện thoại di động thông minh. Nguy cơ học sinh sử dụng MXH và nhận “hậu quả” đáng tiếc là vô cùng lớn. Mặt trái của MXH không chỉ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển về tâm sinh lý, nhân cách mà còn là những mối đe dọa về khả năng đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo và tội phạm.

Luật An ninh mạng ban hành năm 2017 quy định, trẻ em (dưới 16 tuổi) được bảo vệ khi sử dụng không gian mạng. Luật Trẻ em năm 2016 cũng quy định việc bảo vệ thông tin riêng tư của trẻ em trên MXH. Cụ thể là trẻ em phải được bảo vệ, tránh thu thập thông tin cá nhân khi sử dụng các nền tảng trực tuyến. Thế nhưng, các MXH phổ biến hiện nay như: Facebook, TikTok, YouTube hay Google vẫn là môi trường thuận lợi khiến trẻ em bị lộ thông tin cá nhân.

Không ít website, trong đó có những website mà mọi lứa tuổi (có trẻ em dưới 16 tuổi) đều có thể truy cập một cách dễ dàng do không bắt buộc người dùng phải đăng ký tài khoản, khai báo độ tuổi. Điều đáng lo ngại là những thông tin trên các website này thường không lành mạnh, trong khi người dùng là trẻ em lại tò mò và thiếu khả năng bảo vệ bản thân.

Công Nghĩa

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202302/giao-duc-hoc-sinh-su-dung-internet-va-mang-xa-hoi-an-toan-3158096/