Giáo dục học sinh ý thức bảo vệ môi trường

Thời gian qua, công tác giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường đã được các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm với nhiều mô hình, hoạt động thiết thực, hiệu quả.

Nâng cao ý thức

Ghi nhận tại Trường Tiểu học Thạch Xá (huyện Thạch Thất), nhà trường thường xuyên tu bổ, chăm sóc các bồn hoa, trồng thêm các loại hoa trong sân trường, trồng thêm cây xanh có bóng mát; cho học sinh tham gia vệ sinh trường lớp, tham gia bảo vệ cảnh quan, môi trường, giữ gìn vệ sinh công cộng nhằm giáo dục học sinh về ý thức bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi, giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân. Sân trường, lớp học và khu vực xung quanh trường được vệ sinh sạch sẽ; đảm bảo các phòng học, phòng chức năng, hành lang, tường rào… được trang trí đẹp, có tính giáo dục. Hiện nay, hoạt động đang dần tạo nên những chuyển dịch tích cực ở trong nhà trường; trở thành động lực, có tác dụng khích lệ đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh tích cực tham gia.

Gần 150 giáo viên, học sinh các trường học trên địa bàn quận Ba Đình được trang bị kiến thức, kỹ năng phân loại rác tại nguồn.

Gần 150 giáo viên, học sinh các trường học trên địa bàn quận Ba Đình được trang bị kiến thức, kỹ năng phân loại rác tại nguồn.

Hay như tại Trường Tiểu học Kiến Hưng (quận Hà Đông), công tác giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh được nhà trường lồng ghép vào nhiều tiết học, môn học và hoạt động ngoại khóa của học sinh bằng những hình thức trực quan sinh động… Mỗi hoạt động đều cung cấp kiến thức mới mẻ, thú vị và tạo điều kiện cho chính học sinh có những hành động thiết thực để hiểu giá trị của điều mình đang học và cần phát huy hơn mỗi ngày về bảo vệ môi trường.

Còn tại Trường Mầm non Họa Mi (quận Ba Đình), nhà trường giáo dục tình yêu thiên nhiên, biết bảo vệ môi trường sống ngay từ bậc mầm non. Ngoài giới thiệu, hướng dẫn những kiến thức cơ bản, dễ hiểu, dạy cho trẻ không vứt rác bừa bãi, biết yêu cây xanh, tái chế đồ vật nhà trường còn phát động phong trào thu gom pin đã qua sử dụng. Ở một góc cố định, trường đặt thùng thu pin để trẻ gom pin từ nhà đến thả vào thay vì vứt ra môi trường. Nhà trường liên hệ với đơn vị xử lí đến thu gom hàng tháng.

Tương tự, tại Trường Trung học cơ sở Giảng Võ (quận Ba Đình), nhà trường cũng đặc biệt quan tâm đến việc tuyên truyền, giáo dục học sinh có ý thức tự giác giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Giáo viên có trách nhiệm lồng ghép nội dung giáo dục môi trường vào các môn học và hoạt động giáo dục... Các phòng học thoáng mát. Khu vực hành lang được vệ sinh sạch sẽ. Thùng đựng rác được đặt ở vị trí phù hợp, đảm bảo mỹ quan và thuận tiện trong quá trình sử dụng…

“Ở trường, các thầy cô giáo đã dạy chúng em phải có ý thức giữ gìn môi trường sạch, đẹp, không vứt rác bừa bãi; đồng thời khi đi ra nơi công cộng, thấy rác cũng có thể nhặt vứt vào đúng nơi quy định. Hành động đó không chỉ làm sạch môi trường sống mà còn có thể lan tỏa tới những người xung quanh. Thực tế, môi trường sống chúng ta hiện nay vẫn còn nhiều rác. Em hi vọng hành động học sinh nhặt rác, làm sạch môi trường sống sẽ lan tỏa tới cộng đồng”, Bùi Duy Hải (học sinh lớp 7 Trường Trung học cơ sở Giảng Võ) chia sẻ.

Lan tỏa những hành động đẹp

Ông Nguyễn Như Tùng (Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Ba Đình) cho biết, những năm qua, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình luôn quan tâm tới công tác giáo dục bảo vệ môi trường cho toàn thể giáo viên, học sinh trên địa bàn. Theo đó, Phòng thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn cho giáo viên, nhân viên nhà trường về chủ đề bảo vệ môi trường; tích cực phối hợp với các trường đưa nội dung giáo dục môi trường vào chương trình giảng dạy, bao gồm các bài học, dự án và hoạt động ngoại khóa liên quan.

Nhiều chiến dịch, cuộc thi về bảo vệ môi trường đã được các nhà trường tổ chức như: Thi đua phân loại rác, thiết kế tranh ảnh tuyên truyền hoặc viết bài luận về môi trường. Một số nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa như: Dọn dẹp môi trường, trồng cây, tham quan các cơ sở xử lý rác thải… Những hoạt động này thu hút đông đảo học sinh tham gia, không chỉ nâng cao nhận thức mà còn khiến các giờ học, hoạt động ngoài giờ trở nên hấp dẫn, lý thú.

Đặc biệt, nhiều nhóm học sinh tại các nhà trường đã sáng chế ra những sản phẩm sáng tạo có tính ứng dụng thực tế rất tuyệt vời như: Mô hình phân loại rác thải bằng công nghệ AI của Trường Tiểu học Kim Đồng, Hệ thống thu gom Pin và rác thải điện tử thông minh sử dụng công nghệ IoT của Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực, Hệ thống tưới cây tự động đa cảm ứng kết hợp Iot của Trường Trung học cơ sở Giảng Võ…

Ngoài ra, liên quan đến việc phân loại rác tại nguồn, Phòng GD&ĐT quận đã phối hợp với các tổ chức và doanh nghiệp cung cấp thùng rác phân loại và công cụ hỗ trợ khác cho các trường học. Việc phân loại rác đã được thực hiện thí điểm trước khi nhân rộng ra nhiều trường học trên địa bàn. Phòng GD&ĐT quận cũng đề nghị các nhà trường tăng cường truyền thông bảo vệ môi trường thông qua các kênh truyền thông như website trường, bảng tin, các phương tiện truyền thông xã hội.

“Trong năm học 2023 - 2024, Phòng GD&ĐT quận đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn thực hiện nhiều nội dung về bảo vệ môi trường. Các hoạt động trên đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên của các thầy cô giáo cùng học sinh, hình thành nên những thói quen tốt, hành động đẹp, góp phần xây dựng lối sống xanh, thân thiện với môi trường”, ông Nguyễn Như Tùng nhấn mạnh.

Học sinh là thế hệ tương lai của đất nước, là những chủ nhân quyết định đối với sự phát triển của cả xã hội; đồng thời cũng là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất của vấn đề tài nguyên và môi trường đối với sự phát triển sau này. Do đó, những hành động thiết thực để các em nhận thấy trách nhiệm và thách thức của vấn đề này đối với tương lai của chính mình là rất quan trọng.

Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 2.913 trường mầm non, phổ thông với gần 2,3 triệu học sinh và gần 130 nghìn giáo viên. Nếu ngay từ những ngày đầu cắp sách đến trường các em có ý thức về bảo vệ môi trường, chắc rằng các em sẽ tự giác tuyên truyền cho người thân và cộng đồng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, trong thời gian tới, ngành GD&ĐT cần nỗ lực hơn nữa để tiếp tục nâng cao hiệu quả giáo dục bảo vệ môi trường cho mọi đối tượng học sinh.

Phạm Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/giao-duc-hoc-sinh-y-thuc-bao-ve-moi-truong-175723.html