Giáo dục huyện Hoài Đức trước thềm năm học mới
Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa năm học 2023 -2024 sẽ khai giảng, dù vẫn còn một vài khó khăn, nhưng ngành Giáo dục huyện Hoài Đức đã có phương án chuẩn bị đầy đủ để thầy và trò yên tâm bước vào năm học mới...
Thực trạng hệ thống trường lớp
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hoài Đức Vương Văn Lâm cho biết: Ở bậc học Mầm non, trên địa bàn có 43 trường (công lập 32 trường; ngoài công lập: 11 trường); 96 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập. Cấp Tiểu học có 28 trường (trong đó công lập 26 trường, ngoài công lập 2 trường), trong 28 trường công lập hình thành 669 lớp với 25210 học sinh; trung bình 38,4 em/lớp (so với năm học trước giảm 16 lớp và 1104 học sinh). Khối ngoài công lập có 69 lớp với 1564 học sinh; trung bình 23,1 em/lớp (so với năm học trước tăng 16 lớp, 326 học sinh).
Ở cấp THCS, có tổng số 27 trường (trong đó 22 trường công lập, 1 trường ngoài công lập và 4 trường liên cấp trung học và trung học cơ sở ngoài công lập (Vinschool Thăng Long, Newton, Edison, Unigo). Trong 22 trường công lập của bậc THCS được chia thành 491 lớp với 19860 học sinh; trung bình 40,4 học sinh/lớp (so với năm học trước tăng 45 lớp với 2.231 học sinh). Hệ thống ngoài công lập có 35 lớp với 790 học sinh; trung bình 22,6 học sinh /lớp.
Cấp THPT và trung tâm GDNN-GDTX, có 6 trường; trong đó công lập 4 trường; ngoài công lập 2 trường (trường Bình Minh và trường Quốc tế Sant Paut). Tổng số lớp 176, số học sinh 7.706. Trung tâm GDNN-GDTX: có 30 lớp với 1.315 học sinh (tăng 1 lớp và 60 học sinh so với năm học trước)...
Chủ động giải quyết khó khăn
Thiếu giáo viên (một số môn như Tin học, tiếng Anh...), đang là thực trạng của nhiều địa phương, huyện Hoài Đức cũng không ngoại lệ. Theo báo cáo của UBND huyện Hoài Đức, đến nay các trường công lập đã ký hợp đồng với 336 giáo viên để chuẩn bị cho năm học 2023-2024. Trong đó bậc Mần non 16 người, Tiểu học 90 người; THCS 230 người. Điều này cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu về giáo viên cho năm học mới. Tuy nhiên ở bậc Mầm non hiện rất khó trong việc hợp đồng nhân viên nuôi dưỡng do dặc thù công việc và mức chi trả theo quy định chưa đảm bảo cuộc sống.
Cấp Tiểu học thực hiện chương trình lớp 3, lớp 4 (theo chương trình năm 2018); theo đó, môn Tiếng Anh được quy định 4 tiết/tuần, tuy nhiên hiện tại giáo viên dạy tiếng Anh ở các trường Tiểu học (có số lớp dưới 18 lớp) chỉ đủ dạy cho lớp 3 và 1 phần nhỏ lớp 4, 5. Các trường có số lớp trên 18 lớp đều không đủ giáo viên tiếng Anh biên chế để dạy các lớp 3, 4 theo chương trình mới và lớp 5 theo chương trình GDPT 2006. Để giải quyết vấn đề này, các trường cũng đã chủ động để mời giáo viên thỉnh giảng, dạy thêm giờ, hợp đồng... để đảm bảo chương trình giảng dạy môn tiếng Anh. Cấp THCS theo chương trình 2018, Tin học là môn bắt buộc nhưng thực tế hiện nay các trường đều chưa được biên chế giáo viên cho bộ môn này. Vì vậy các trường đều phải hợp đồng giáo viên tin học hoặc mời thỉnh giảng. Tuy nhiên việc hợp đồng giáo viên dạy tin học cũng rất khó khăn do mức lương chi trả theo quy định thấp....
Hiệu trưởng trường THCS An Khánh Nguyễn Thị Huyền cho biết, năm học 2023 -2024 nhà trường phải dạy 2 buổi sáng chiều, do học sinh đông (2154 em, 48 lớp), nên không đủ phòng học. Một số môn như Tin học, Ngoại ngữ, Công nghệ, Thể chất...) nhà trường vẫn thiếu giáo viên. Để giải quyết vấn đề này, trước khai giảng, chúng tôi đã chủ động mời giáo viên thỉnh giảng và nhà trường chủ động ký hợp đồng, bổ sung giáo viên cho những môn còn thiếu... “Dù thế nào đi chăng nữa, vào năm học mới, chúng tôi vẫn bảo đảm việc dạy và học diễn ra bình thường” – bà Huyền nói tiếp.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giao-duc-huyen-hoai-duc-truoc-them-nam-hoc-moi.html