Giáo dục khởi nghiệp ngay từ phổ thông
Trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2020, Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã phối hợp với Tổ chức Tuổi trẻ Thành đạt tổ chức hội thảo 'Phát triển câu lạc bộ khởi nghiệp và nội dung đào tạo khởi nghiệp trong các trường Trung học phổ thông, Trung học cơ sở, kinh nghiệm và giải pháp'.
Theo Ban Tổ chức hội thảo, khởi nghiệp không còn là khái niệm mới mẻ ở Việt Nam trong những năm gần đây. Khởi nghiệp không chỉ tạo ra những giá trị cho nền kinh tế mà còn có hiệu quả trong việc xử lý các vấn đề xã hội. Với bối cảnh nền kinh tế hội nhập, mọi người nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng đều có điều kiện tiếp cận với các cơ hội kinh doanh đa dạng, liên tục.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn còn rất nhiều khó khăn khi triển khai giáo dục khởi nghiệp tại các nhà trường bởi một số lý do. Chẳng hạn như: Vấn đề nhận thức, vấn đề nội dung chương trình vẫn còn nặng về lý thuyết, nhẹ thực hành; đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động; phương pháp giáo dục, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả còn thiếu thực chất.
Trước thực trạng này, hội thảo “Phát triển câu lạc bộ khởi nghiệp và nội dung đào tạo khởi nghiệp trong các trường Trung học phổ thông, Trung học cơ sở, kinh nghiệm và giải pháp” được tổ chức nhằm mục đích chia sẻ, thảo luận về vai trò của phát triển tinh thần khởi nghiệp từ giáo dục phổ thông; hiểu được thực trạng giáo dục hướng nghiệp và khởi nghiệp tại các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông tại Việt Nam; đồng thời chia sẻ mong muốn và hỗ trợ phát triển mô hình câu lạc bộ hướng nghiệp, khởi nghiệp và xây dựng nội dung giáo dục khởi nghiệp trong các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông của Sở Giáo dục và Đào tạo...
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho rằng, nói đến khởi nghiệp đối với các trường phổ thông cần 3 yếu tố: Thứ nhất là cần phải có nội dung, chương trình đào tạo về tinh thần khởi nghiệp; thứ hai là học sinh cần phải được đào tạo các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, lập nghiệp và thứ ba là tạo môi trường để học sinh có điều kiện khởi nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các đại biểu tham dự hội thảo cùng chia sẻ, tập trung thảo luận, tìm giải pháp để thúc đẩy các câu lạc bộ khởi nghiệp trong nhà trường ngày càng phát triển mạnh hơn; lựa chọn nội dung cần bổ trợ cho học sinh và phương pháp làm để sớm hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp ngay từ các trường phổ thông, từ đó thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và khởi tạo những ý tưởng sáng tạo tại các nhà trường...
Tại hội thảo, các đại biểu đã lần lượt được nghe Tiến sĩ Tưởng Duy Hải (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) trình bày tham luận với chủ đề "Giải pháp giáo dục STEM định hướng nghề nghiệp theo cuộc cách mạng khoa học 4.0 cho học sinh phổ thông", "Định hướng nghề nghiệp trong chương trình hoạt động trải nghiệp, hướng nghiệp 2018"; đồng thời thảo luận về vấn đề phát triển câu lạc bộ hướng nghiệp, khởi nghiệp và nội dung giáo dục khởi nghiệp trong các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông...
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/giao-duc-khoi-nghiep-ngay-tu-pho-thong-116876.html