Giáo dục không trừng phạt
Việc nữ sinh lớp 10 tại An Giang nghi tự tử do cách xử sự của nhà trường gây ức chế đối với em đã dấy lên luồng dư luận lo ngại về môi trường giáo dục hiện nay.
Dẫu nguyên nhân tự tử của nữ sinh này còn là nghi vấn thì cũng phải làm rõ động cơ nào khiến em phải làm thế và thái độ ứng xử của nhà trường, tức là của các thầy cô giáo, trước, trong và sau khi xảy ra sự cố này.
Đương nhiên, không thể đồng tình với cách trừng phạt học sinh theo kiểu “bêu tên” trước toàn trường và với một lý do hết sức phản cảm là “không đi học thêm làm ảnh hưởng đến nhà trường”.
Học thêm - vốn là sự nhức nhối của dư luận xã hội từ lâu nay, cần bỏ ngay, nếu duy trì nó như một hình thức thu nhập thêm của giáo viên thì không chỉ là phản cảm mà còn là phản giáo dục. Vì chuyện đó mà bêu riếu học sinh thì việc dẫn tới hành vi tự tử để phản đối thì cũng không khó để lý giải nguyên nhân.
Khi có sự cố tự tử của học sinh (dẫu nghi) thì nhà trường, thầy cô giáo phải có ngay những động thái quan tâm, chia sẻ trách nhiệm chứ không thể thờ ơ đến độ lên mạng xã hội để bàn về “cái chết vinh quang” của con cò “lộn cổ xuống ao” do tai nạn mà vẫn yêu cầu được “xáo nước trong” (!).
Lại một sự phản cảm nữa của cô giáo chủ nhiệm khiến dư luận phẫn nộ và những ý kiến ít ỏi coi đây là “tai nạn nghề nghiệp” cất lên yếu ớt đã bị phản ứng lại rất quyết liệt trên các diễn đàn truyền thông công khai. Không nên và không thể đùa bỡn trước sinh mạng con người khi phải đem ra để đánh đổi một cái gì đó cho công bằng và lẽ phải!
Trong giáo dục có những biện pháp trừng phạt nhưng không thể áp dụng một cách tùy tiện và cảm tính mà phải xuất phát từ sự thương yêu và bao dung với mục đích tiến bộ của người bị phạt. Sư phạm là ở chỗ đó!
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/giao-duc/giao-duc-khong-trung-phat-560844.html