Giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học

Xu hướng giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học ngày càng phổ biến trên toàn thế giới. Để đáp ứng được xu hướng thay đổi của thế giới cũng như thực tiễn ở Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện giáo dục kỹ năng công dân số theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp tiểu học; trước mắt sẽ tập huấn triển khai thí điểm tại 10 tỉnh, thành phố đại diện vùng miền.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong hầu hết các môn học thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đều hàm chứa những nội dung, cơ hội hình thành và phát triển năng lực tin học nói riêng và thực hiện giáo dục kỹ năng công dân số nói chung.

Vì vậy, việc tích hợp nội dung giáo dục kỹ năng công dân số vào quá trình dạy học các môn, hoạt động giáo dục là một giải pháp khả thi và hiệu quả.

Vụ trưởng Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Thái Văn Tài cho biết: Học sinh tiểu học là độ tuổi đang bắt đầu khám phá, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông.

Việc giúp các em có các kỹ năng cơ bản về sử dụng công nghệ và truyền thông một cách an toàn, đúng cách sẽ góp phần tránh được các rủi ro và nguy hiểm trực tuyến. Có kỹ năng cũng giúp các em phát triển một tư duy đa chiều và phát triển các kỹ năng sáng tạo cần thiết trong kỷ nguyên số.

Các trường học và tổ chức giáo dục trên thế giới đang triển khai các chương trình giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học, bao gồm cả các hoạt động ngoài giờ học và trong lớp học.

Việc giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học cũng được chú trọng hơn trong các chính sách giáo dục của nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và truyền thông.

Nhiều quốc gia đã đưa giáo dục kỹ năng công dân số vào các chương trình giáo dục chính thức và đầu tư để đào tạo giáo viên và cung cấp tài nguyên giáo dục để triển khai chương trình này.

Ở Việt Nam, trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Tin học đã trở thành bắt buộc ở cấp tiểu học, từ lớp 3, với thời lượng 1 tiết/tuần trong 35 tuần học/năm.

Các nội dung kỹ năng công dân số cũng được thể hiện phong phú, đa dạng hơn với ba mạch kiến thức chủ đạo là khoa học máy tính; công nghệ thông tin và truyền thông; học vấn số hóa phổ thông.

Theo TS Kiều Phương Thùy (Khoa Công nghệ thông tin, Trường đại học Sư phạm Hà Nội), trong những năm gần đây, nhận thấy sự cần thiết của giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh, các hoạt động giáo dục kỹ năng công dân số đã được triển khai ngày càng sôi nổi, dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng như học về robot và STEM trong nhà trường, học lập trình tại các trung tâm, tổ chức và tham gia các cuộc thi sáng tạo về công nghệ...

Thạc sĩ Cao Hồng Huệ (Viện Công nghệ thông tin, Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2) cho rằng: Việc giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học tại Việt Nam đã được nhà trường và phụ huynh quan tâm, chú trọng và đầu tư nhưng hầu hết các hoạt động giáo dục bổ trợ hiện nay chỉ diễn ra tại các trường ngoài công lập và trong các gia đình có điều kiện đầu tư cho con học ngoại khóa.

Để bảo đảm mọi học sinh đều có cơ hội được tham gia giáo dục kỹ năng công dân số, cần thiết phải có một chương trình quốc gia được triển khai tại tất cả các trường học.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, việc thực hiện thí điểm giáo dục kỹ năng công dân số tại các địa phương là cấp thiết và hết sức quan trọng, nhất là ở khâu chuẩn bị.

Đối với các địa phương được lựa chọn làm thí điểm, cần phải nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong quá trình triển khai. Bởi thí điểm không chỉ là được thực hiện ở một trường, một phòng giáo dục và đào tạo, một địa phương mà còn là điều kiện, nền tảng để Bộ Giáo dục và Đào tạo làm mẫu, có thể nhân rộng đến các địa phương khác và có những quyết định về lộ trình mới tiếp theo.

Cũng theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, trong quá trình triển khai chương trình các địa phương cần linh hoạt, sáng tạo, không cứng nhắc, triển khai phù hợp với điều kiện địa phương và mục tiêu chung của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đề ra.

Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên phải được tập huấn kỹ, nhất là những giáo viên trực tiếp giảng dạy cần có nhận thức đúng đắn, rõ ràng đối với việc giáo dục kỹ năng công dân số. Đây là việc quyết định thành công hay không của chương trình thí điểm lần này.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương có chỉ đạo về giám sát, kiểm tra nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn và đồng hành với giáo viên trong quá trình thực hiện.

Các sở giáo dục và đào tạo tham mưu UBND tỉnh, thành phố có phương án bố trí nguồn kinh phí, trang bị cơ sở vật chất để bảo đảm thực hiện giáo dục kỹ năng công dân số phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận, huy động nguồn lực của cộng đồng triển khai thực hiện hiệu quả giáo dục kỹ năng công dân số trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc thẩm quyền quản lý.

Trong năm học 2023-2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thí điểm giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học giai đoạn 1 tại 10 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Bến Tre, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh.

Với lộ trình dự kiến, năm học 2024-2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai thí điểm 10 tỉnh tiếp theo. Năm học 2025-2026 triển khai diện rộng ở 63 tỉnh, thành phố.

Theo nhandan.vn

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/giao-duc/giao-duc-ky-nang-cong-dan-so-cho-hoc-sinh-tieu-hoc/207869.htm