Giáo dục Lâm Đồng hành động thực hiện các nghị quyết

Những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu của ngành Giáo dục Lâm Đồng trong 5 năm (2021-2025) là hiện thực hóa Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ, Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 24/5/2021 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 205/NQ-HĐND ngày 10/12/2020 của HĐND tỉnh vào cuộc sống.

Lãnh đạo tỉnh tặng hoa chúc mừng năm học 2021-2022 cho ngành Giáo dục tỉnh

Lãnh đạo tỉnh tặng hoa chúc mừng năm học 2021-2022 cho ngành Giáo dục tỉnh

TỪ NHỮNG MỤC TIÊU QUAN TRỌNG

Để đề ra những nhiệm vụ, giải pháp, ngành Giáo dục tỉnh xác định mục tiêu tổng quát là: Huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện; trong đó, trọng tâm là tạo sự chuyển biến về chất lượng, khắc phục cơ bản những hạn chế để giáo dục và đào (GDĐT) thật sự trở thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững. Theo đó, đảm bảo đúng tinh thần của Nghị quyết số 29 của Trung ương 8 khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, ngày 4/11/2013, như: đảm bảo các điều kiện để nâng cao nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; tạo cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng làm việc và giáo dục thể chất. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học theo hướng đồng bộ, hiện đại; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo chuẩn. Phấn đấu trình độ phát triển GDĐT của tỉnh đạt mức khá so với cả nước sau năm 2025.

Trên cơ sở đúc kết những kết quả và bài học từ thực tiễn, ngành Giáo dục Lâm Đồng đã lượng hóa mục tiêu cụ thể đến năm 2025 như sau: Từ 85% trở lên trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia; 82% về tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi hoàn thành chương trình THPT và tương đương. Đồng thời, phấn đấu có ít nhất 30% trẻ em độ tuổi nhà trẻ, 90% trẻ em độ tuổi mẫu giáo, 100% trẻ mẫu giáo 5 tuổi được đến trường, lớp mầm non. Tỷ lệ trẻ em hoàn thành cấp tiểu học đạt 97%. Lâm Đồng sẽ đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; đạt phổ cập giáo dục THCS mức độ 2. Cùng đó, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 35 là 99,3%; người biết chữ trong độ tuổi từ 36 đến 60 là 97%.

ĐẾN NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

Trước hết, đó là tăng cường công tác tuyên truyền về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT; Nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền, công tác phối hợp của các tổ chức chính trị, đoàn thể, Nhân dân trong việc phát triển sự nghiệp GDĐT theo hướng bền vững. Đồng thời, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới GDĐT. Từ năm học 2020-2021, cùng cả nước, tỉnh Lâm Đồng triển khai áp dụng dạy học chương trình giáo dục phổ thông 2018, do đó, yêu cầu đặt ra, triển khai thực hiện có chất lượng về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS. Song song với đó, tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị đảm bảo chất lượng các hoạt động GDĐT và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục; Tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển GDĐT; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục.

VÀ NHIỀU NHIỆM VỤ CỤ THỂ

Với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nêu trên, ngành Giáo dục Lâm Đồng nhận thức, quán triệt bằng từng nội dung trọng tâm để chỉ đạo toàn ngành triển khai thực hiện. Đó là thấm nhuần và hành động hiệu quả nội dung các nghị quyết; đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý giáo dục, khắc phục những hạn chế của ngành; phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục; đồng thời tăng cường công tác phối hợp để phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị, đoàn thể, Nhân dân trong việc thống nhất chức năng quản lý nhà nước về giáo dục. Đó là, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; tạo chuyển biến cơ bản về đạo đức, lối sống, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục nhân cách yêu gia đình, đạo đức trong sáng, có lối sống văn hóa; có ý thức tuân thủ pháp luật; có sức khỏe, tri thức và kỹ năng lao động. Đẩy mạnh công tác giáo dục kỹ năng sống, tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên, xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện.

Mặt khác, rà soát, sắp xếp, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên đáp ứng đủ về số lượng và nâng cao chất lượng; triển khai thực hiện kế hoạch nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên... Và tăng cường huy động các nguồn lực tài chính, các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đảm bảo cho việc tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục trong nhà trường theo hướng thực học, lý thuyết gắn với thực hành và thực tiễn, đảm bảo giáo dục cơ bản ở cấp THCS, phục vụ cho giáo dục hướng nghiệp và phân luồng đạt hiệu quả. Về nội lực, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong khảo thí, bảo đảm công bằng, khách quan, chính xác, tin cậy, minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho người dạy và người học. Đẩy mạnh kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục và đào tạo; tăng cường công tác tự đánh giá, đánh giá ngoài, cải tiến nâng cao chất lượng giáo dục đối với các cơ sở giáo dục, đào tạo; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn công tác kiểm tra trước, trong và sau các kỳ thi của từng năm học... Và đó còn là, từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, đảm bảo đủ nguồn lực tài chính cho các cơ sở GDĐT; tăng cường đầu tư xây dựng phòng học, phòng phục vụ học tập đáp ứng dạy học 2 buổi/ngày; lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất gắn với việc xây dựng trường chuẩn quốc gia. Để đạt được những mục tiêu đề ra, ngành giáo dục còn cần phối hợp với UBND các huyện, thành phố; đẩy mạnh phân cấp và thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục; thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư cho GDĐT...

MINH ĐẠO

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202111/giao-duc-lam-dong-hanh-dong-thuc-hien-cac-nghi-quyet-3087060/