Giáo dục Lâm Đồng trước yêu cầu và vận hội mới
Năm học 2021 - 2022, ngành Giáo dục và đào tạo (GDĐT) tỉnh Lâm Đồng đồng hành cùng các ngành thực hiện nhiều nhiệm vụ mới của một giai đoạn đến năm 2025 theo nghị quyết, chương trình hành động của Chính phủ cũng như của tỉnh. Theo đó, mục tiêu hướng đến là huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện; trọng tâm là tạo sự chuyển biến về chất lượng để GDĐT trở thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
• TRÌNH ĐỘ PHÁT TRIỂN GDĐT ĐẠT MỨC KHÁ
Triển khai các nghị quyết, chương trình hành động của ngành GDĐT Lâm Đồng phải là căn cứ để các cơ sở giáo dục, trường học xây dựng lộ trình cụ thể, xây dựng các đề án, dự án, chuyên đề. Mục tiêu hướng đến là huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện; trọng tâm là tạo sự chuyển biến về chất lượng, khắc phục cơ bản những hạn chế để GDĐT trở thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội (KTXH) của tỉnh phát triển nhanh, bền vững. Đảm bảo các điều kiện để nâng cao nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; tạo cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng làm việc và giáo dục thể chất. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất (CSVC) trường, lớp học theo hướng đồng bộ, hiện đại; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục theo chuẩn. Phấn đấu trình độ phát triển GDĐT của tỉnh đạt mức khá so với cả nước sau năm 2025.
Theo đó, đến năm 2025, trường mầm non (MN) và phổ thông (PT) công lập đạt chuẩn quốc gia từ 82% trở lên; tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi hoàn thành chương trình THPT và tương đương đạt 82%. Phấn đấu có ít nhất 30% trẻ em độ tuổi nhà trẻ, 90% trẻ em độ tuổi mẫu giáo, 100% trẻ mẫu giáo 5 tuổi được đến trường, lớp MN. Tỷ lệ trẻ em hoàn thành cấp tiểu học (TH) đạt 97%. Cùng đó, tỉnh Lâm Đồng đạt phổ cập giáo dục (PCGD) TH mức độ 3; PCGD THCS mức độ 2; tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 35 đạt 99,3% và tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 36 đến 60 là 97%.
• BẢY NHÓM NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
Trước hết, tăng cường công tác tuyên truyền về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT; nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền, công tác phối hợp của các tổ chức chính trị, đoàn thể, Nhân dân trong việc phát triển sự nghiệp GDĐT theo hướng bền vững. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh (HS), sinh viên. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBQL, giáo viên (GV) đáp ứng yêu cầu đổi mới GDĐT. Triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT) mới; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng HS sau THCS. Tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục. Tăng cường CSVC, thiết bị đảm bảo chất lượng các hoạt động GDĐT và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục; Tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển GDĐT; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục.
• PHÁT TRIỂN THEO LỘ TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI
Năm học 2021 - 2022, toàn ngành GDĐT tỉnh Lâm Đồng có 685 đơn vị trường học (MN 231 trường; TH 226 trường; THCS 157 trường; THPT 59 trường; 1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) tỉnh; 11 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) và một trường cao đẳng sư phạm). So với năm học 2020 - 2021, toàn tỉnh giảm 17 trường. Năm học mới có tổng số HS là 334.375 HS (MN 61.809 HS; TH 135.153 HS; THCS 90.923 HS; THPT 44.450 HS; GDTX, GDNN-GDTX 1.365 HS và CĐSP 560 sinh viên). Đội ngũ toàn ngành có 22.118 người (1.628 CBQL, 17.652 GV và 2.785 nhân viên). Số trường ngoài công lập có 64 trường (MN 59 trường/15.342 HS, TH 2 trường/293 HS và THPT 3 trường/1.458 HS).
Năm 2021, ngành GDĐT đã thực hiện đầu tư CSVC 602,2 tỷ đồng (vốn đầu tư công 425,2 tỷ đồng, vốn sự nghiệp GDĐT ước 177 tỷ đồng). Dự kiến năm học 2021 - 2022 đưa vào sử dụng 246 phòng học, 78 phòng học bộ môn, 3 nhà đa chức năng, 17 phòng thư viện, 14 khối văn phòng, 7 bếp ăn bán trú, 35 công trình vệ sinh và các công trình hạ tầng như sân, hàng rào, nhà xe, nhà bảo vệ...
Về thiết bị dạy học, mua sắm bổ sung cho các trường khoảng 170 tỷ đồng. Mua sắm trang thiết bị dạy học đáp ứng Chương trình GDPT mới 187,781 tỷ đồng (lớp 1 là 61,95 tỷ đồng; lớp 2 và lớp 6 là 125,831 tỷ đồng). Cả giai đoạn 2022 - 2025, CSVC ước vốn đầu tư công khoảng 1.800 tỷ đồng, vốn sự nghiệp ước 700 tỷ đồng (riêng năm học 2021 - 2022, đưa vào sử dụng 275 phòng học, 132 phòng học bộ môn, 4 nhà đa chức năng, 24 phòng thư viện, 18 khối văn phòng, 15 bếp ăn bán trú, công trình vệ sinh và các công trình hạ tầng). Trong 4 năm (2022 - 2025), kinh phí mua sắm bổ sung thiết bị dạy học cho các cấp học khoảng 680 tỷ đồng. Mua sắm trang thiết bị dạy học đáp ứng Chương trình GDPT mới từ lớp 3 đến lớp 12 (không tính lớp 6) 780 tỷ đồng. Cùng đó, tích cực tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ theo Chương trình GDPT 2018.
Phó Giám đốc Sở GDĐT Huỳnh Quang Long cho chúng tôi biết thêm: “Đột phá của ngành Giáo dục Lâm Đồng trong nhiệm kỳ này là hướng tới nền giáo dục hội nhập quốc tế. Theo đó, nhiệm vụ là đào tạo đội ngũ để đáp ứng kỹ năng công nghệ thông tin đạt chuẩn MOS: ngoại ngữ, kỹ năng về kỹ thuật số. Và Lâm Đồng cần nhiều trung tâm để đào tạo kỹ năng kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo cho HS…”.
• LINH HOẠT, THÍCH ỨNG THỰC HIỆN NHIỆM VỤ MỚI
Năm 2021, toàn tỉnh xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia ước đạt 494/607 trường, chiếm tỷ lệ 81,38%. Tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi hoàn thành chương trình THPT và tương đương đạt 81,56%.
Năm học 2021 - 2022, tuy tổ chức dạy học phải đan xen giữa các hình thức đảm bảo biện pháp phòng dịch COVID-19, nhưng toàn ngành vẫn ổn định, các nhiệm vụ công tác trọng tâm thực hiện đảm bảo đúng kế hoạch, tiến độ và đạt kết quả tốt; nền nếp, kỷ cương dạy và học được duy trì.
Tuy nhiên, theo Sở GDĐT, tỷ lệ huy động trẻ dưới 5 tuổi đến trường của tỉnh còn thấp, chưa đạt so với chỉ tiêu. Nguyên nhân là CSVC của trường MN công lập chỉ đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ độ tuổi 5 - 6 tuổi, không đủ phòng học đáp ứng các độ tuổi khác, đặc biệt độ tuổi dưới 3 tuổi; số lượng GV, nhân viên giảm đã ảnh hưởng lớn đến công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ cũng như mở thêm các nhóm, lớp. Nhìn chung, CSVC trường học còn thiếu và chưa đồng bộ, vẫn còn một tỷ lệ lớn phòng học xuống cấp cần thay thế; tỷ lệ trường học 2 buổi/ngày còn thấp. Vấn đề giải quyết quỹ đất để phát triển trường học vẫn là bài toán khó. Trong học kỳ I năm học 2021 - 2022, tác động của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy học tại một số trường vùng sâu, vùng xa và vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Một số GV lớn tuổi kỹ năng sư phạm chưa đáp ứng đổi mới phương pháp dạy học và yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018. Số lượng GV chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 còn nhiều, đặc biệt ở cấp TH và THCS.
Những tồn tại trên cần sớm khắc phục để ngành Giáo dục Lâm Đồng bước sang năm 2022 đạt những chỉ tiêu đặt ra. Đó là, xây dựng trường công lập chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 81,6%; số thanh niên trong độ tuổi hoàn thành chương trình THPT và tương đương đạt 82%. Tiếp tục nâng chất lượng, hiệu quả giáo dục đối với HS. Hoàn thiện dần đội ngũ đáp ứng nhiệm vụ yêu cầu giáo dục đổi mới căn bản và toàn diện…