Giáo dục Lào Cai sau hơn 3 năm đổi mới
Thực hiện Đề án số 6 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về 'Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2016 - 2020', giáo dục Lào Cai ngày càng phát triển toàn diện, nền nếp, kỷ cương trường học được giữ vững và nâng cao.
Nhiều chuyển biến
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Đề án số 6, “bức tranh” giáo dục Lào Cai có nhiều khởi sắc. Mạng lưới trường, lớp, quy mô giáo dục phù hợp, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. 2 huyện vùng cao Bắc Hà và Si Ma Cai đã đưa được hầu hết học sinh lớp 4, lớp 5 ở các điểm trường về học ở trường chính. Toàn tỉnh huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 99,9%, duy trì phổ cập giáo dục 164/164 xã, phường, thị trấn; có 146 xã đạt chuẩn xóa mù chữ cấp độ 2. Hiện nay, tỉnh có 9 trường phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú, 127 trường PTDT bán trú. Hệ thống các trường PTDT nội trú và bán trú đã trở thành nòng cốt để phát triển giáo dục vùng cao. Công tác giáo dục học sinh dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là công tác quản lý nội trú, bán trú theo mô hình “bán trú tự quản” và hoạt động “1 ngày bán trú”.
Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng, phát hiện học sinh giỏi, học sinh năng khiếu, nghiên cứu khoa học được chú trọng. Năm 2018, toàn tỉnh có 39 giải học sinh giỏi quốc gia; 5 đề tài đạt giải thi nghiên cứu khoa học cấp quốc gia. Trong năm 2019, Lào Cai có 1 học sinh đoạt giải Ba cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế tại Hoa Kỳ; 7 học sinh Trường THPT Chuyên Lào Cai giành học bổng tại các trường đại học của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc… Tỷ lệ tốt nghiệp THPT quốc gia 2019 đạt 97,12%, cao hơn 3,06% so với trung bình cả nước.
Ông Nguyễn Anh Ninh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Để đạt được kết quả trên, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đã tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên. Toàn tỉnh hiện có 17.986 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cấp học; 100% người có trình độ đạt chuẩn trở lên; 100% cán bộ quản lý đã tham gia các chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về giáo dục; hơn 22.000 lượt người hoàn thành chương trình bồi dưỡng thường xuyên và tham gia các chương trình hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng hằng năm. Ngoài ra, các chế độ, chính sách của Nhà nước, của tỉnh đối với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Tỉnh đã triển khai xây nhà công vụ cho giáo viên vùng cao; thực hiện chế độ đãi ngộ, thu hút đối với nhân lực chất lượng cao…
Ngành giáo dục và đào tạo đã được đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy học tin học và ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức dạy học; triển khai thí điểm giáo dục thông minh, lớp học thông minh, mô hình học trải nghiệm sáng tạo STEM ở một số trường trọng điểm. Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng chủ động thí điểm, triển khai các mô hình trường học mới, phương pháp dạy học tiên tiến. Nhiều mô hình đạt hiệu quả cao, như trường học gắn với thực tiễn nhằm hiện thực hóa phương châm “học đi đôi với hành”; tăng cường các hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống. Các mô hình: “Trường học nông trường, nông trại”, “Trường học du lịch, sinh thái”, “Trường học đa văn hóa”… đã phát huy ưu thế, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đổi mới công tác quản lý, phương pháp giáo dục theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Nỗ lực vượt khó
Mặc dù đạt được nhiều kết quả nhưng ngành giáo dục và đào tạo Lào Cai cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Quy mô giáo dục tiếp tục tăng cùng với yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, kéo theo tình trạng thiếu giáo viên tiểu học, THCS ở các môn học: Tiếng Anh, Âm nhạc, Tin học... Tỷ lệ học sinh phổ thông được học môn Tin học, Ngoại ngữ còn thấp. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học, nhất là ở vùng cao còn khó khăn; 36% phòng học chưa được kiên cố, riêng phòng học môn Ngoại ngữ, Tin học đạt chuẩn mới đáp ứng được hơn 20%. Tỷ lệ trường PTDT nội trú, PTDT bán trú đạt chuẩn quốc gia còn thấp. Công trình thể thao, giáo dục thể chất ở các trường cũng thiếu. Một số xã vùng cao có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên THPT và GDTX thấp, tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần ở một số trường có thời điểm còn thấp. Những vấn đề như tảo hôn, người lớn đi khỏi địa phương, sinh viên ra trường không có việc làm, đời sống người dân vùng cao còn nhiều khó khăn… đang ảnh hưởng đến công tác giáo dục và đào tạo.
Ông Nguyễn Anh Ninh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai cũng khẳng định: Ngành luôn xác định, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu của cả hệ thống chính trị, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Để làm tốt nhiệm vụ này, đồng thời thực hiện hiệu quả mục tiêu của Đề án số 6, phấn đấu đến năm 2020, đưa Lào Cai trở thành tỉnh dẫn đầu về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, ngành giáo dục và đào tạo Lào Cai tiếp tục thực hiện một số giải pháp trọng tâm: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội đối với giáo dục; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và người dân về giáo dục và đào tạo. Đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, quản trị trong các nhà trường; sắp xếp và nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới. Bên cạnh đó, quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh xã hội hóa và tăng cường tự chủ trong các cơ sở giáo dục và đào tạo; tiếp tục đẩy mạnh công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học.
Thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục tuy còn nhiều khó khăn, bất cập nhưng những kết quả đạt được là động lực quan trọng để ngành giáo dục và đào tạo Lào Cai tiếp tục nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian tới.