Giáo dục liêm chính và cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam

Hội thảo 'Giáo dục liêm chính với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay - Lý luận và thực tiễn' là hội thảo đầu tiên có chủ đề rất có ý nghĩa trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Ngày 27/3, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Học viện Cảnh sát nhân dân và Học viện An ninh nhân dân tổ chức hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Giáo dục liêm chính với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay - Lý luận và thực tiễn”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: Hội thảo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm khơi dậy nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm, gợi mở giải pháp để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục liêm chính, coi đây là giải pháp “phòng ngừa từ gốc” trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - một cuộc đấu tranh không khoan nhượng mà Đảng ta đang quyết liệt triển khai thời gian qua.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Phạm Minh Sơn phát biểu khai mạc hội thảo.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Phạm Minh Sơn phát biểu khai mạc hội thảo.

Đây cũng là diễn đàn để các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia trao đổi, làm sâu sắc hơn cơ sở lý luận và thực tiễn, vai trò và ý nghĩa của giáo dục liêm chính trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay.

Tại hội thảo, Giáo sư-Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhận định: Tình trạng tham nhũng, tiêu cực hiện nay vẫn diễn biến phức tạp, với tính chất ngày càng nghiêm trọng và tinh vi hơn cho thấy: “sức đề kháng” trước cám dỗ quyền lực và lợi ích vật chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn còn yếu.

Theo Giáo sư-Tiến sĩ Lê Văn Lợi, nhiều vụ việc tham nhũng có sự cấu kết giữa cán bộ trong khu vực công và tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực tư; có những sai phạm liên quan đến những cán bộ lãnh đạo, quản lý đã trải qua đào tạo cơ bản.

Điều này phản ánh một thực tế giáo dục liêm chính tuy được nhận thức và triển khai rộng rãi, nhưng ở một số nơi vẫn còn mang tính hình thức, chưa thật sự đi vào chiều sâu, chưa tác động mạnh mẽ đến tư tưởng và hành vi của người học. Chưa hình thành được một cơ chế giám sát, đánh giá chặt chẽ hiệu quả giáo dục liêm chính cũng như bộ tiêu chí để đo lường “liêm chính” ở các cơ quan, đơn vị trong bộ máy nhà nước.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Vũ Trọng Lâm, Giám đốc-Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cũng cho rằng, liêm chính không tự nhiên có, mà phải trải qua quá trình rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của mỗi người, nhất là đối với cán bộ, đảng viên. Đây là phẩm chất cao đẹp của cá nhân, là chuẩn mực, yếu tố cốt lõi của nền văn hóa chính trị, văn hóa công vụ và là nền tảng của đạo đức xã hội.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Vũ Trọng Lâm cũng khẳng định công tác giáo dục và xây dựng chương trình giáo dục đạo đức, là một trong những giải pháp quan trọng. Chúng ta cần phải thẳng thắn, trung thực, nhìn nhận rõ ràng thực trạng để có những điều chỉnh kịp thời từ trong hệ thống nhà trường.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Tại hội thảo, các ý kiến tham luận và thảo luận đã phân tích, làm rõ thực trạng giáo dục liêm chính ở Việt Nam hiện nay. Về thành tựu, trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, công tác giáo dục liêm chính gắn với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được nhiều kết quả tích cực, bước đầu tạo được những chuyển biến quan trọng cả về nhận thức lẫn hành động trong xã hội nói chung và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nói riêng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhiều ý kiến cũng làm rõ những hạn chế, khó khăn, thách thức đặt ra đối với công tác giáo dục liêm chính ở Việt Nam hiện nay. Đó là: Tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong một số lĩnh vực vẫn còn diễn biến phức tạp, với tính chất ngày càng nghiêm trọng và tinh vi hơn, có sự cấu kết giữa cán bộ trong khu vực công và tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực tư.

Phát biểu tổng kết hội thảo, Giáo sư-Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cảm ơn những ý kiến tâm huyết của các nhà quản lý, nhà khoa học đã phân tích toàn diện bối cảnh, tình hình thế giới và trong nước, các yêu cầu mới và vấn đề đặt ra đối với công tác giáo dục liêm chính gắn với đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Từ đó, các nhà quản lý, nhà khoa học đề xuất các giải pháp, kiến nghị thiết thực nhằm tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục liêm chính, nhất là cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở nước ta trong gian tới.

Đó là: tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan trong hệ thống chính trị, của đội ngũ cán bộ, đảng viên và toàn xã hội về liêm chính và vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục liêm chính.

Hoàn thiện thể chế, cơ chế và hệ thống chính sách về giáo dục liêm chính. Triển khai đồng bộ việc đưa nội dung giáo dục liêm chính vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức định kỳ hằng năm;

Bổ sung tiêu chí liêm chính như một yêu cầu bắt buộc trong đánh giá đạo đức, kỷ luật công vụ.

THANH HÀ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/giao-duc-liem-chinh-va-cuoc-dau-tranh-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-o-viet-nam-post868074.html