Giáo dục lối sống giản dị cho học sinh

Xã hội càng phát triển, nhu cầu về đời sống vật chất lẫn tinh thần càng cao. Vì thế, giáo dục lối sống giản dị, không phô trương hình thức cho học sinh là vô cùng cần thiết.

 Thực tế cho thấy, nhiều bạn trẻ ngày nay sống theo xu thế sang và chảnh (ảnh minh họa). Ảnh: MC

Thực tế cho thấy, nhiều bạn trẻ ngày nay sống theo xu thế sang và chảnh (ảnh minh họa). Ảnh: MC

Nhiều học sinh sống đua đòi, phung phí

Sống giản dị là sống phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của bản thân, gia đình và xã hội, không xa hoa, lãng phí, không cầu kỳ, kiểu cách. Thực tế, đi vào các trường học hiện nay dễ nhận ra học sinh từ tiểu học đến trung học phổ thông chưa có ý thức tiết kiệm. Nhiều em tiêu tiền phung phí, sớm có thái độ phân biệt người giàu, người nghèo. Tình trạng kết bạn "có cùng đẳng cấp" trong từng lớp học diễn ra phổ biến. Mỹ Na, học sinh học lớp 4 ở một trường tiểu học TP. Huế kể với bố mẹ rằng, ở lớp con, những bạn nào con nhà giàu thường chơi với nhau, không chơi với các bạn nhà nghèo.

Trong một tập thể lớp học, em này sử dụng đồng hồ thông minh, điện thoại, giày dép đắt tiền, em khác không có vô hình trung đã tạo ra sự đối lập, phân biệt. Chính điều này dẫn đến thực trạng mâu thuẫn, xung khắc. Đó là một trong những lý do dẫn đến bạo lực học đường ngày càng nhức nhối. Ỷ lại vào sự giàu có của gia đình, được bố mẹ cưng chiều, nhiều học sinh quen cách chỉ biết đòi hỏi cho cá nhân dẫn đến lối sống ích kỷ, vô cảm, không chịu lắng nghe, thiếu quan tâm, chia sẻ.

Các quán ăn vặt, buffet, quán ăn Hàn Quốc, mỳ cay các cấp độ hay những quán cà phê cao cấp… lúc nào cũng nườm nượp người vào ra, mà đối tượng chủ yếu là giới trẻ, học sinh, sinh viên. Ăn mặc sang chảnh, thưởng thức các món thời thượng, đi xe phân khối lớn… là những hình ảnh dễ bắt gặp của các cô cậu học trò sau giờ tan học. Cô giáo Phương Mai ở Phú Lộc chia sẻ: “Ở nông thôn hiện nay, dù gia đình không phải khấm khá, nhưng phụ huynh cũng cố gắng lo cho các con bằng bạn bằng bè. Thấy con họ có chiếc xe máy dưới 50 phân khối, hay chiếc xe máy điện, xe đạp điện… con mình cũng phải có”. Chính điều này khiến cho không ít em ảo tưởng về hoàn cảnh; được bố mẹ lo cho đầy đủ nên không cố gắng học tập, phấn đấu vươn lên. Tình trạng học sinh nông thôn nghiện game, điện thoại; bỏ bê học hành ngày càng phổ biến. Nhiều em đi học cho có, hổng kiến thức dẫn đến nản chí.

Giáo dục bằng nhiều hình thức

Hơn ai hết, nhà trường, các thầy cô giáo cần chú ý giáo dục lối sống giản dị cho học sinh của mình theo phương châm mưa dầm thấm đất. Lồng vào từng bài giảng, trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa, trong giờ chào cờ đầu tuần kể cho các em nghe những câu chuyện về đức tính, phong cách giản dị của Bác Hồ kính yêu. Tâm sự, sẻ chia với học sinh về giá trị sức lao động; nâng cao ý thức tiết kiệm, sống hài hòa, nhẹ nhàng, phù hợp với hoàn cảnh, môi trường. Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên phát động các phong trào nói không với thuốc lá, ăn quà vặt trong lớp học, trên sân trường; biết tắt quạt, điện khi mình là người ra khỏi phòng học sau cùng. Bằng nhiều hình thức giáo dục khác nhau, nhà trường phải giúp học sinh nâng cao nhận thức về giá trị của lối sống giản dị, phù hợp lứa tuổi, hoàn cảnh. Khi biết sống giản dị thì chắc chắn các em sẽ biết trân trọng hơn thời gian, tiền bạc.

Sống giản dị giúp tâm hồn bạn trẻ biết rộng mở, để giàu lòng trắc ẩn, không có thái độ coi thường bạn bè có hoàn cảnh khó khăn, biết sống hài hòa xung quanh. Cô giáo Mai Thị Lệ Chinh, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Dương (TP. Huế) cho biết: “Trong các buổi sinh hoạt tập thể, chúng tôi luôn chú ý rèn luyện, xây dựng phong cách sống giản dị, văn minh, lịch sự cho học sinh, như: Biết đóng vòi nước sau khi sử dụng; tắt quạt, bóng điện khi rời phòng; không đòi hỏi những thứ không phù hợp hoàn cảnh; biết sống hài hòa, yêu thương với thiên nhiên và mọi người xung quanh…”.

Thông qua các tiết sinh hoạt, các buổi thảo luận, tranh biện, thầy cô giáo và tổ chức Đoàn, Đội giúp học sinh biết trân trọng những điều nhỏ bé, bình thường trong cuộc sống…

TS. Trần Nguyên Hào, người sáng lập và điều hành Trung tâm Kỹ năng khai sáng chia sẻ: “Giản dị là một trong 12 giá trị sống đã được UNESCO khẳng định và định hướng cho nhân loại trong hiện tại và tương lai. Giản dị rất thân thuộc với giá trị văn hóa truyền thống dân tộc ta, bởi nó được xem là một đức tính tốt đẹp vốn có của con người Việt Nam. Nói đến giản dị là nói đến một lối sống tích cực không phô trương hình thức, biết vừa đủ và trân trọng những giá trị vật chất dù là nhỏ nhất trong đời sống. Tôi nghĩ, các trường học hiện nay cần chú trọng giáo dục đức tính, phong cách, lối sống giản dị cho thế hệ trẻ”.

Văn Toản

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/giao-duc/giao-duc-loi-song-gian-di-cho-hoc-sinh-143769.html