Giáo dục lòng nhân ái cho học sinh qua các hoạt động thiện nguyện
Sau bão số 3, giáo viên và học sinh nhiều trường trên cả nước đã chung tay quyên góp tiền, sách vở... cùng các nhu yếu phẩm để ủng hộ đồng bào bị bão lũ. Thông qua việc ủng hộ dù ít hay nhiều, học sinh sẽ học được bài học về tình tương thân tương ái, về trách nhiệm đối với cộng đồng.
Trường học quyên góp, ủng hộ với nhiều cách khác nhau
Với mong muốn chia sẻ khó khăn với người dân các vùng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt sau bão số 3, nhiều trường học đã tổ chức kêu gọi quyên góp, ủng hộ người dân và được đông đảo giáo viên, phụ huynh và học sinh tham gia.
Tại Hà Nội, Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa) đã phát động quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Với sự hưởng ứng của các thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên nhà trường cùng phụ huynh và toàn thể học sinh, nhà trường đã chuyển số tiền ủng hộ đợt 1 là 200 triệu đồng và tiếp tục tập hợp cho các đợt tiếp theo; Tại Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh, giáo viên, học sinh và phụ huynh đã ủng hộ hơn 1,5 tỉ đồng hỗ trợ đồng bào miền Bắc chịu thiệt hại do mưa lũ...
Ngoài ra, nhiều trường học ở Hà Nội và trên cả nước đã quyết định dừng tổ chức các hoạt động vui Trung thu, dành kinh phí để hỗ trợ người dân tại các tỉnh/thành chịu ảnh hưởng bởi bão lũ. Nhiều trường cũng kêu gọi toàn thể cán bộ, giáo viên và phụ huynh, học sinh quyên góp quần áo cũ, chăn màn, thuốc men, sách vở cùng các nhu yếu phẩm để trực tiếp gửi đến các trường học và gia đình học sinh cần hỗ trợ.
Với Trường THCS và THPT M.V. Lô-mô-nô-xốp, nhà trường phát động phong trào ủng hộ quyên góp cho đồng bào vùng lũ sau cơn bão Yagi và được tổ chức vào buổi sinh hoạt chủ đề "Chia sẻ yêu thương". Nhà trường đưa ra quy định số tiền ủng hộ không quá 30.000 đồng/học sinh. Các em học sinh khó khăn không nhất thiết tham gia.
Để chia sẻ khó khăn, tổn thất sau cơn bão số 3 với đồng bào vùng lũ, nhiều trường đại học cũng đã kêu gọi mỗi cán bộ, giảng viên quyên góp ít nhất một ngày lương vào quỹ cứu trợ các tỉnh miền Bắc bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi mưa lũ.
"Hoạt động thiện nguyện giúp học sinh có được bài học về trách nhiệm với cộng đồng"
Việc kêu gọi học sinh, sinh viên quyên góp, ủng hộ mỗi khi có học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn hay vùng quê nào đó bị thiên tai, bão lũ đã trở thành phong trào từ thiện ở nhiều trường học hiện nay. Hoạt động này đã giúp nhiều mảnh đời bất hạnh bớt đi phần nào sự khốn khổ và cũng giúp các em có được bài học về tình tương thân tương ái, về trách nhiệm đối với cộng đồng.
Chia sẻ với về lý do nhà trường đưa ra quy định số tiền ủng hộ không quá 30.000 đồng/học sinh, thầy Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V. Lô-mô-nô-xốp cho biết: "Nhà trường tổ chức ủng hộ vùng bão lụt với số tiền không quá 30.000 đồng là phù hợp với đối tượng học sinh và những năm trước trường cũng có mức ủng hộ như vậy. Học sinh sử dụng tiền tiết kiệm, tiền thưởng hoặc tiền mà các em làm các dự án nhỏ có được tiền để trích nộp.
Khi đặt ra giới hạn 30.000 đồng, những em học sinh chỉ có 20.000 đồng, 10.000 đồng hay thậm chí 5.000 đồng để quyên góp cũng cảm thấy vui vẻ, không thấy mình thua kém so với các bạn. Bởi đó là tất cả số tiền mà các em có. Trường không muốn các em xin tiền bố mẹ vì bố mẹ cũng đã ủng hộ nhiều nơi, đầu năm học cũng đã đóng nhiều tiền. Số tiền không vượt quá 30.000 đồng sẽ phù hợp".
Theo PGS.TS Trần Thành Nam - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội): "Việc các trường tổ chức quyên góp sự ủng hộ từ học sinh cần phải cân bằng giữa các mục tiêu giáo dục giá trị cho các em như giá trị yêu thương, chia sẻ, hợp tác và những nguy cơ tiêu cực khác có thể xảy ra có thể ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh, phụ huynh cũng như gây ra những phiền nhiễu cho nhà trường.
Với học sinh, việc quan trọng không phải là số tiền mà là những giá trị gửi gắm trong món quà hỗ trợ để giúp các em quan tâm đến cộng đồng và tự thân mình muốn, thực hiện hành vi giúp đỡ người khác. Nó giúp khơi gợi lên lòng trắc ẩn và tinh thần trách nhiệm xã hội của các em từ sớm. Nếu để cho các học sinh về xin bố mẹ số tiền đó thì không có nhiều ý nghĩa. Vì thế, bên cạnh quyên góp tiền (và nên là tiền chính các em tiết kiệm được) thì nên đa dạng các hình thức hỗ trợ tinh thần khác, các hoạt động tình nguyện vừa sức.
Chúng ta cũng cần bảo đảm việc tham gia hoạt động ý nghĩa này vừa minh bạch các nguồn đóng góp nhưng lại phải tránh việc phân biệt ứng xử hay thái độ với những bạn đóng góp số tiền khác nhau. Vì dẫu có giới hạn số tiền rồi thì cũng sẽ có những học sinh đóng nhiều hơn mức đó hoặc đóng góp ít hơn.
Bên cạnh đó, nếu mục tiêu của những hoạt động này là giáo dục lòng nhân ái, tinh thần sẻ chia và trách nhiệm xã hội, trường cần lưu ý rằng không chỉ nên dừng ở những sự vụ đột xuất. Học sinh cần được lên kế hoạch và tham gia các hoạt động thường xuyên để gây quỹ và có thể sử dụng quỹ đó cho những sự kiện khẩn cấp như thiên tai, bão lụt".
Cô Nguyễn Thu Hà - giảng viên một trường đại học tại Hà Nội cho rằng, trước những hoàn cảnh tang thương của nhiều người dân miền Bắc đã và đang trải qua sau bão lũ, việc kêu gọi học sinh chung tay ủng hộ trên tinh thần của ít lòng nhiều là vô cùng cần thiết. "Qua các hoạt động thiện nguyện này sẽ giúp học sinh, sinh viên có được bài học về tình tương thân tương ái, về trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng. Hơn nữa, việc làm này còn nuôi dưỡng các em tinh thần biết sống vì người khác".