Giáo dục miền Trung tiếp tục gồng mình chống thiên tai

Bão lũ liên tiếp tàn phá miền Trung, ngành GD các địa phương Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam yêu cầu các trường học khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống bão.

Lực lượng chức năng hỗ trợ thực hiện công tác phòng chống bão tại các cơ sở giáo dục ở Thừa Thiên Huế . Ảnh do địa phương cung cấp.

Lực lượng chức năng hỗ trợ thực hiện công tác phòng chống bão tại các cơ sở giáo dục ở Thừa Thiên Huế . Ảnh do địa phương cung cấp.

Chằng chống hệ thống mái, chặt tỉa cành cây

Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế Nguyễn Tân cho biết: Ngày 27/10, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu sở GD&ĐT, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế chủ động ứng phó với bão số 9, mưa lớn trên diện rộng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, sở GD&ĐT và UBND cấp huyện theo phân cấp quản lý chỉ đạo, hỗ trợ lực lượng cho các trường học trên địa bàn thực hiện các biện pháp cụ thể để bảo đảm an toàn cơ sở vật chất nhà trường, chằng chống hệ thống mái, chặt tỉa cành cây; di chuyển thiết bị, sách vở, đồ dùng dạy học đến nơi an toàn. Đồng thời, bố trí lực lượng trực tại các trường học để phòng bão, mưa lớn, hoàn thành trong ngày 27/10.

Hiệu trưởng các trường học được yêu cầu chủ động kế hoạch ứng phó khi mưa bão xảy ra, tuyệt đối không để thiệt hại về người. Đồng thời, nhắc nhở học sinh không được đến những nơi có vùng nước sâu, dễ gây sạt lở, không tụ tập bạn bè ra ngoài trong thời điểm mưa bão; không đến các khu vực sông, suối, hồ, nơi có vùng nước nguy hiểm, phòng tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra.

“Từ chiều ngày 26 - 27/10, các cơ sở giáo dục toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế tích cực triển khai cắt tỉa cây xanh, kiên cố các công trình xây dựng, nhất là chằng chống mái lợp; khẩn trương di chuyển tài liệu, sách vở, máy móc, thiết bị dạy học... đến vị trí cao ráo. Các trường cũng duy trì lực lượng, phương tiện, phân công lịch trực và tổ chức trực 24/24 giờ; đồng thời thông tin đến toàn thể đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và yêu cầu trong khi bão vào, toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh không ra khỏi nhà (trừ lực lượng làm nhiệm vụ trực ban tại cơ quan, đơn vị)” – ông Nguyễn Tân chia sẻ.

Di chuyển tài liệu, sách vở, thiết bị đến nơi an toàn

Theo thông tin của Sở GD&ĐT Quảng Nam, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Quảng Nam, Trường Đại học Quảng Nam (Quảng Nam) là nơi di dời tập trung của các hộ dân ở xã Tam Thanh về tránh bão. Trường THPT Duy Tân (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) cũng được sử dụng làm nơi ở tập trung cho các hộ dân ở 2 xã Tam Thăng, Tam Phú sơ tán trú bão.

Sở GD&ĐT Quảng Nam cũng yêu cầu các đơn vị, trường học chủ động triển khai thực hiện chằng chống trường lớp, nhà làm việc, nhà kho, hệ thống cây xanh và các công trình xây dựng khác để phòng tránh gió bão làm tốc mái, ngã đổ; di chuyển tài liệu, sách vở, thiết bị và các phương tiện kỹ thuật khác của đơn vị đến nơi an toàn để tránh ướt, hư hỏng; tắt hết các thiết bị điện khi phòng không có người làm việc để đề phòng chập mạch điện nhằm bảo đảm an toàn trường học trong mưa bão.

Sở GD&ĐT Quảng Nam lưu ý các thủ trưởng các đơn vị, trường học ở những vùng trũng thấp, những nơi có thể chịu ảnh hưởng của lũ chỉ đạo, quán triệt cho học sinh và phụ huynh, cán bộ, giáo viên đề phòng lũ quét, lũ ống, sạt lở đất... , lưu ý an toàn trong việc đi lại để tránh thiệt hại về người và tài sản có thể xảy ra.

Tại Đà Nẵng, từ trưa 27/10, HS toàn thành phố nghỉ học để phòng tránh bão số 9. Các trường học khẩn trương tiến hành gia cố hệ thống cửa, di chuyển thiết bị, máy móc đến nơi an toàn.

Ông Võ Trung Minh – Trưởng phòng GD&ĐT quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng cho biết: “Qua công tác phòng, chống của những cơn bão trước đây, nhất là cơn bão số 5 - 6 vừa qua, các trường học đã tỉa cành, cắt ngọn, gia cố hệ thống cửa, chằng chống mái tôn… với phương châm hạn chế thiệt hại do bão gây ra. Sơn Trà có nhiều trường học ở gần biển nên các trường tập trung chèn chống mái tôn. Tuy nhiên, có một số trường học như Trường Tiểu học Ngô Mây, Tiểu học Ngô Gia Tự vẫn có những dãy phòng học lợp mái ngói. Chúng tôi lo nếu mưa to, gió lớn nước sẽ thấm vào các phòng học hoặc bị tốc ngói”.

Các trường học ở quận Liên Chiểu từ sáng ngày 27/10 cũng triển khai các phương án phòng chống bão, chèn chống trường lớp, rà soát lại hệ thống điện, dây cáp viễn thông, che chắn các thiết bị, đồ dùng dạy học… để bảo đảm an toàn tài sản.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/giao-duc-mien-trung-tiep-tuc-gong-minh-chong-thien-tai-Bnd8OQpMR.html