Giáo dục nếp sống kỷ luật cho trẻ em

Sáng ngày nghỉ cuối tuần, tôi đến nhà người bạn chơi. Nghe tiếng gõ cửa, bạn hồ hởi ra đón tiếp. Mới bước vào nhà nhìn quanh thấy đồ chơi trẻ em để ngổn ngang dưới sàn.

Bạn nhìn tôi vừa nói vừa cười như thanh minh: “Ông thông cảm nhé, nhà có trẻ con khổ thế đấy, chơi xong cứ bày bừa ra, bố mẹ lại phải đi dọn”. Đứng loay hoay mãi chưa tìm được chỗ ngồi, bạn gạt tạm đống đồ chơi sang một bên mời tôi ngồi xuống ghế rồi gọi vợ đang ở trên tầng: “Em ơi! Xuống dọn hộ anh đồ chơi của con với, nhà có khách đến chơi”.

Nghe có khách, vợ bạn lập cập chạy xuống vừa dọn vừa phân trần: “Các cháu nhà em nghịch lắm bác ạ, cả ngày chỉ đi dọn đồ cho bọn chúng cũng đủ mệt. Chẳng như cháu nhà bác lúc nào cũng ngăn nắp, gọn gàng. Hôm vợ chồng em sang bên nhà bác chơi trông mà thích. Không biết bác có bí quyết gì không ạ?”. Vốn là chỗ thân tình hai gia đình vẫn thường qua lại thăm hỏi nhau nên tôi cởi mở chia sẻ: “Có bí quyết gì đâu cô, do cách dạy dỗ của phụ huynh cả thôi. Người ta bảo “Dạy con từ thủa còn thơ” mà. Ngay từ bé cái gì cũng phải dạy bảo thì các con mới biết chứ”. Vợ bạn ầm ừ: “Vâng ạ! Ai cũng muốn con mình ngoan ngoãn, biết vâng lời, nhưng để làm được em thấy khó lắm ạ!”.

Tôi giải thích thêm: “Các con như mầm cây non, cần dày công vun đắp, chăm bón. Muốn con nghe lời, sống có nền nếp thì việc giáo dục ý thức chấp hành kỷ luật là rất quan trọng. Kỷ luật ở đây không phải là hành động xử phạt, trừng trị con trẻ mà đó là việc tự giác thực hiện có nền nếp, trật tự. Nhiều người cứ nghĩ rằng con còn quá nhỏ để nói đến chuyện kỷ luật, đợi trẻ trưởng thành khi đó mới bảo ban hoặc tự chúng sẽ biết. Nhưng thực ra ngay từ nhỏ trẻ đã làm theo những hành động của người lớn. Nếu không uốn nắn trẻ sẽ hình thành lối sống tự do tùy tiện”.

Thực tế trong gia đình, để hình thành cho trẻ nếp sống kỷ luật, trước tiên bố mẹ phải nói cho con hiểu, phân tích thế nào là đúng, là sai để con thực hiện. Nếu con làm đúng những quy định đã đề ra thì được động viên khích lệ, ngược lại không thực hiện thì bố mẹ phải phân tích việc làm đó sai ở chỗ nào, tác hại ra sao. Khi con hiểu ra thì sẽ tự giác điều chỉnh hành vi của mình phù hợp. Giáo dục nếp sống kỷ luật không có nghĩa là áp đặt suy nghĩ chủ quan của bố mẹ đối với con trẻ, buộc chúng phải thực hiện theo ý của mình. Để trẻ tự giác thực hiện thì bản thân bố mẹ cũng phải luôn quan tâm ở bên động viên khích lệ, đặc biệt phải tôn trọng con cái. Nếu trẻ thực hiện không đúng những quy định đã thống nhất, bố mẹ cũng không nên vội vã áp dụng các hình phạt, dễ tạo ra phản ứng tiêu cực, thậm chí là hành vi ngược lại những điều phụ huynh khuyên bảo. Khi bố mẹ nhẹ nhàng phân tích chỉ ra cái đúng, cái sai sẽ giúp trẻ hiểu ra vấn đề và tự giác thực hiện.

Muốn giáo dục nếp sống kỷ luật cho con thì bố mẹ phải làm gương trong từng công việc cụ thể. Không nên yêu cầu con giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, để đồ đúng nơi quy định nhưng bản thân bố mẹ lại bừa bãi, cẩu thả. Hay đơn giản như làm việc không đúng giờ giấc, sinh hoạt thất thường của bố mẹ. Những điều nhỏ như vậy nhưng khi trẻ quan sát được sẽ học và làm theo, dần hình thành thói quen dễ dãi, không có nền nếp, ý thức tổ chức kỷ luật kém. Thực hiện nếp sống kỷ luật được biểu hiện qua những việc cụ thể hằng ngày. Khi giáo dục về kỷ luật, phụ huynh phải kiên trì cẩn trọng giúp trẻ nhận thức ra, từ đó hình thành nên những thói quen tốt trong cuộc sống.

THƯ NGỌC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/giao-duc-nep-song-ky-luat-cho-tre-em-592326