Giáo dục nghề nghiệp: Rèn luyện kỹ năng cho người lao động
Những năm qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã chủ động triển khai nhiều chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn, góp phần rèn luyện kỹ năng cho người lao động địa phương.
Trường Cao đẳng Gia Lai hiện đào tạo đa ngành nghề, đa trình độ từ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp đến dạy nghề cho lao động nông thôn, đào tạo thường xuyên và dạy nghề phổ thông. Chương trình, nội dung đào tạo nghề được nhà trường đổi mới, điều chỉnh theo hướng thiết thực, phù hợp với đối tượng và tình hình thực tế; chú trọng phát triển năng lực người học, rèn luyện kỹ năng khởi nghiệp-thực hành, kỹ năng mềm và nhân cách, đạo đức nghề nghiệp. Bên cạnh đó, nhà trường cũng ký kết hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên đến thực tập cũng như tìm kiếm cơ hội việc làm sau khi ra trường.
Theo Hiệu trưởng Phạm Văn Điều, hàng năm, toàn trường có khoảng 600-700 học sinh, sinh viên hệ trung cấp và cao đẳng tốt nghiệp với tỷ lệ có việc làm đạt trên 80%; hệ sơ cấp có 1.000 học sinh tốt nghiệp, trong đó, hơn 50% học sinh có việc làm sau khi ra trường. Đặc biệt, thời gian qua, nhà trường đã đồng hành, phối hợp hiệu quả với hầu hết các địa phương trong tỉnh để vận động, tuyên truyền, kết nối với người dân nhằm đưa mô hình đào tạo nghề sát với thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội ở cơ sở và phù hợp với năng lực người dân. Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, đào tạo thường xuyên và dạy nghề phổ thông có nhiều chuyển biến, cơ bản đáp ứng nhu cầu lao động tại chỗ với bình quân gần 4.000 người/năm. “Thông qua giáo dục nghề nghiệp, học sinh, sinh viên nói riêng và người lao động nói chung đã dần thay đổi nhận thức, kỹ năng nghề nghiệp, cơ hội tìm kiếm việc làm cũng tăng lên”-thầy Điều nhìn nhận.
Em Đinh Lơn-sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí-chia sẻ: “Gia đình em thuộc diện hộ nghèo ở làng Vẽh, xã Chư Krêy, huyện Kông Chro. Sau khi tốt nghiệp THPT, em quyết định đăng ký vào Trường Cao đẳng Gia Lai để có điều kiện tiếp cận với nghề nghiệp mình yêu thích. Em tin rằng, với vốn kiến thức và kỹ năng tích lũy được trong 3 năm học sẽ giúp mình có được một việc làm ổn định trong tương lai”.
Tương tự, em Siu Dũng (làng Đut, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) cho hay: “Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau khi học xong lớp 10, em phải nghỉ học ở nhà phụ giúp bố mẹ. Năm 2022, em đã đăng ký học nghề kỹ thuật xây dựng, hệ trung cấp tại Trường Cao đẳng Gia Lai. Em nghĩ nghề này dễ tìm việc làm và thậm chí, bản thân có thể tự tạo ra cơ hội việc làm cho chính mình thông qua hình thức nhận thầu xây dựng”.
Cùng với những cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh, thời gian qua, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên cấp huyện cũng làm tốt công tác đào tạo nghề, góp phần nâng cao kiến thức và kỹ năng cho người lao động, nhất là lao động người dân tộc thiểu số tại địa phương.
Toàn tỉnh hiện có 20 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 2 trường cao đẳng, 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên cấp huyện, 4 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 2 doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Nghe tin Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Đak Đoa phối hợp mở lớp “Nuôi và phòng bệnh cho heo”, chị Mlon (làng Tuơh Klah, xã Glar) cùng nhiều người dân trong xã đã đăng ký tham gia. “Đi học rồi mới thấy bản thân còn rất nhiều điều chưa hiểu biết lắm. Sau gần 1 tháng học tập, tôi đã biết cách chăm sóc đàn heo như thế nào cho tốt; có thể nhận diện được một số biểu hiện bệnh thường gặp ở heo để chủ động phòng ngừa, chữa trị hiệu quả”-chị Mlon nói.
Bà Nguyễn Đinh Thị Mỹ Lai-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Đak Đoa-thông tin: Từ đầu năm đến nay, Trung tâm phối hợp tổ chức 5 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn là người dân tộc thiểu số với quy mô 30-35 học viên/lớp và 1 lớp dành riêng cho công nhân Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang với 49 học viên. Các nghề đào tạo chủ yếu đáp ứng nhu cầu của người học như: chăn nuôi, thợ nề, kỹ thuật cắt may, cạo mủ cao su… Thông qua hoạt động giáo dục nghề nghiệp, người lao động đã bước đầu có sự thay đổi nhận thức, cải thiện kỹ năng nghề nghiệp; đồng thời, biết vận dụng và phát huy tương đối hiệu quả những kiến thức đã học vào thực tiễn để cải thiện kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.