Giáo dục ở vùng khó nỗ lực bắt kịp xu thế phát triển
Trải qua nửa thế kỷ kể từ ngày đất nước thống nhất, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk đã không ngừng phát triển, từng bước khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng dạy và học. Từ một nền giáo dục thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đến nay, hệ thống trường lớp đã được mở rộng, đầu tư đồng bộ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Những gian khó ban đầu
Sau ngày miền Nam giải phóng, giáo dục Đắk Lắk đứng trước muôn vàn khó khăn. Hệ thống trường lớp thiếu thốn, số lượng giáo viên hạn chế, phương tiện giảng dạy nghèo nàn. Ở vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ học sinh đến trường rất thấp, nhiều em chưa có điều kiện tiếp cận con chữ. Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục trong sự phát triển bền vững, Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp tại Đắk Lắk đã có nhiều chính sách ưu tiên, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho giáo dục.

Tiết học công nghệ thông tin của học sinh vùng sâu, vùng xa.
Những năm gần đây, tỉnh đẩy mạnh kiên cố hóa trường lớp, nâng cấp trang thiết bị dạy học, đặc biệt chú trọng khu vực khó khăn.
Tại huyện Krông Bông, nơi khó khăn của Đắk Lắk, những năm qua đã nhận được sự đầu tư đáng kể về cơ sở vật chất. Điển hình, Trường Trung học cơ sở Hùng Vương (xã Yang Reh, huyện Krông Bông), trước đây việc dạy và học chủ yếu dựa vào mô phỏng trên giấy, giáo viên sử dụng hình ảnh minh họa thay vì trực tiếp thực hành. Nay, nhà trường đã được trang bị tivi, phòng thực hành, các mô hình trực quan sinh động, giúp học sinh tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn.
Tiết thực hành môn Khoa học tự nhiên, phân môn Sinh học của học sinh lớp 6A rộn ràng tiếng trao đổi giữa học sinh và giáo viên. Tiết học hôm nay trở nên sinh động, hấp dẫn hơn khi các em được nhìn, trực tiếp thực hành lắp ghép mô phỏng cấu tạo chức năng bộ phận cơ thể người, từ đó, giúp các em hiểu và nắm sâu kiến thức.
Em Đoàn Trần Khánh Ly, học sinh lớp 6A cho biết, tiết học được trực tiếp thực hành làm em rất hứng thú, qua đó em hiểu rõ mô hình người và có phương pháp chăm sóc bản thân tốt hơn.
Cô Dương Thị Thanh Huyền, giáo viên môn Khoa học tự nhiên chia sẻ, trước đây, giáo viên gặp khó khăn khi giảng dạy các bài học mang tính thực nghiệm. Giờ đây, với trang thiết bị hiện đại, học sinh được trực tiếp làm thí nghiệm, giúp các em hiểu sâu, nhớ lâu.

Tiết thực tập môn Khoa học tự nhiên, phân môn sinh học của học sinh lớp 6A, Trường THCS Hùng Vương (xã Yang Reh, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk).
Thầy Trần Ngọc Thịnh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hùng Vương cho biết, nằm ở xã vùng 3 (vùng khó khăn), thời gian qua, nhà trường luôn được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo phục vụ dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đến nay, cơ sở vật chất, thiết bị từng bước đạt chuẩn hóa. Năm học 2023-2024, nhà trường được đầu tư các phòng học bộ môn, thiết bị dạy học, tivi kết nối lắp đặt cho 14 phòng học, phòng bộ môn, giúp nhà trường nâng cao chất lượng dạy và học. Năm học 2024-2025, trường có 14/19 em đoạt giải học sinh giỏi cấp huyện, xếp thứ 3 toàn đoàn.
Ngoài đầu tư phòng học bộ môn, huyện Krông Bông còn đẩy mạnh xây dựng mới và cải tạo công trình phụ trợ như nhà vệ sinh, thư viện, sân chơi, tường rào…
Ông Nguyễn Ngọc Pháp, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông cho biết, từ năm 2022 đến nay, huyện đầu tư hơn 62 tỷ đồng để xây dựng 73 phòng học cùng các cơ sở vật chất khác cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đến nay, tại huyện có 612/759 phòng học kiên cố hóa, đạt 81%; các phòng học còn lại đảm bảo điều kiện học; không có phòng học tạm.
Tại huyện Ea Súp, địa bàn biên giới còn nhiều khó khăn, chính quyền bố trí trên 6,5 tỷ đồng trong năm học 2024-2025 để nâng cấp cơ sở vật chất trường học, đảm bảo điều kiện học tập cho hơn 17.800 học sinh, trong đó trên 47% em dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Khóa, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ea Súp, do nhu cầu đầu tư còn rất lớn trong khi ngân sách hạn chế, một số trường học thiếu phòng bộ môn, phòng chức năng, trang thiết bị dạy học chưa đồng bộ.
Nhờ đầu tư từ nhiều nguồn lực, năm học 2024-2025, toàn tỉnh có gần 1.000 trường học từ bậc mầm non đến trung học phổ thông. Tỷ lệ phòng học kiên cố đạt gần 90%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 62,1%. Những con số này cho thấy những bước tiến đáng kể trong hành trình đưa giáo dục vùng khó vươn lên, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Vươn lên mạnh mẽ

Đầu tư cơ sở vật chất, tivi, trang thiết bị giúp học sinh thích thú học tập, dễ hiểu bài hơn.
Không chỉ hoàn thiện cơ sở vật chất, ngành Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục, bắt kịp xu thế phát triển của cả nước.
Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho biết, nếu như năm 1975 toàn tỉnh chỉ có 161 trường học từ bậc mầm non đến trung học phổ thông thì đến nay, con số này tăng gần 1.000 trường, đáp ứng nhu cầu học tập của hàng trăm nghìn học sinh. Hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp được mở rộng, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nhiều loại hình đào tạo khác nhau.
Hệ thống trường Phổ thông dân tộc nội trú được thành lập ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố với 15 trường trung học cơ sở và 2 trường trung học phổ thông. Các trường được đầu tư khang trang theo tiêu chuẩn trường quốc gia như: có đầy đủ phòng học, ăn, ở, phòng chức năng, thư viện đạt chuẩn; thiết bị dạy học được mua sắm đầy đủ; sân chơi, bãi tập được xây dựng hiện đại; môi trường xanh, sạch, đẹp.
Các nhà trường thực hiện tốt việc bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số (Êđê, M’Nông…); quan tâm giáo dục văn hóa dân tộc cho học sinh...
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai đồng bộ nên chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực. Hằng năm, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông duy trì ở mức trên 96%, tỷ lệ đỗ vào các trường đại học, cao đẳng đạt từ 40-45%. Giáo dục mũi nhọn có nhiều thành tích nổi bật. Trong 8 năm học gần đây, Đắk Lắk liên tục giữ vững vị trí dẫn đầu khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên về thành tích học sinh giỏi quốc gia. Riêng năm học 2024-2025, tỉnh có 72 thí sinh đoạt giải trong Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, trong đó có 2 giải Nhất, 13 giải Nhì, 18 giải Ba và 39 giải Khuyến khích; đây là thành tích cao nhất từ trước đến nay.
“Trên địa bàn có 49 dân tộc cùng sinh sống, ngành Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk đã nỗ lực hết sức và hoàn thành sứ mệnh thực hiện đổi mới. Những thành tích nổi bật là minh chứng cho chính sách đầu tư đúng đắn của tỉnh trong phát triển giáo dục. Đây là niềm tự hào của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại địa phương”, ông Đỗ Tường Hiệp thông tin.
Theo ông Đỗ Tường Hiệp, thời gian tới, tỉnh tập trung đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đặc biệt tại các vùng khó khăn; hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ giáo viên và học sinh dân tộc thiểu số; đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục; phát triển hệ thống đào tạo nghề và liên kết với các doanh nghiệp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...
Với những nỗ lực không ngừng, ngành Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk từng bước khẳng định vị thế trong hệ thống giáo dục cả nước. Từ một địa phương còn nhiều khó khăn, đến nay, ngành Giáo dục và Đào tạo đã có những bước tiến dài, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Chặng đường phía trước còn nhiều thử thách song với những thành quả đạt được trong 50 năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk có cơ sở để tin tưởng vào một tương lai tươi sáng hơn, nơi mọi học sinh đều có cơ hội tiếp cận nền giáo dục hiện đại, chất lượng.