Giáo dục phải thay đổi nếu không muốn bị bỏ lại phía sau
Xã hội đang thay đổi nhanh chóng, nhất là với sự xuất hiện liên tục của công nghệ mới tác động mạnh mẽ lên nhiều lĩnh vực của đời sống trong thời gian gần đây, giáo dục buộc phải thay đổi nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.
Công cuộc đổi mới giáo dục còn nhiều rào cản
Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang đổi mới giáo dục. Việc đổi mới hay cải cách giáo dục là một nhu cầu cần thiết và tự nhiên với mọi quốc gia. Bởi lẽ, xã hội đang thay đổi nhanh chóng, nhất là với sự xuất hiện liên tục của công nghệ mới, tác động mạnh mẽ lên nhiều lĩnh vực của đời sống trong thời gian gần đây. Đứng trước bối cảnh này, giáo dục buộc phải thay đổi nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.
Quan sát công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay, tôi nhận thấy Việt Nam đang cố gắng đi theo con đường của các nước phát triển đã và đang đi về nội dung trong cách thức thực hành giáo dục trong nhà trường.
Chẳng hạn, chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, làm nhẹ các kỳ thi và điểm số để giảm áp lực cho học sinh, tăng quyền lựa chọn cho các chủ thể bên dưới trong các trường học như việc chọn sách giáo khoa mới đây (Thông tư 27/2023/TT-BGD-ĐT).
Nhiều nước phát triển có cách thức thực hành giáo dục tương tự với một mục tiêu nhắm tới là đào tạo con người tự chủ, tự trị về trí tuệ, cảm xúc, đạo đức và thể chất để các bạn trẻ tự tin bước vào đời, có khả năng tự lo liệu cho bản thân và phụng sự xã hội. Mục tiêu đó là đúc kết từ nhiều suy tưởng mang tính triết lý và giáo dục qua nhiều thế kỷ từ JJ Rousseau, E Kant đến M Montessori và nhiều nhà giáo dục uy tín khác, nó cũng hoàn toàn phù hợp với bản chất tự nhiên của con người và xã hội.
Do đó, tôi ủng hộ công cuộc đổi mới này ngay từ đầu nhưng cũng lo lắng công cuộc này sẽ không đến nơi đến chốn, sẽ rơi vào trạng thái lưng chừng với xáo trộn và nhiều vấn đề, nền giáo dục bị thay đổi liên tục nhưng lại không đến đích cần đến. Có lẽ, mục tiêu nhắm đến của chúng ta không rõ ràng, sức cản từ tập tính trong suy nghĩ và hành động của cả xã hội nói chung và từng chủ thể trong hệ thống giáo dục nói riêng quá lớn. Tư tưởng trọng bằng cấp vẫn tồn tại, ăn sâu bám rễ trong tư tưởng của nhiều người.
Trong bất kỳ quốc gia nào, định chế giáo dục không bao giờ tồn tại một cách độc lập mà luôn là "con đẻ", là một bộ phận của xã hội tổng thể, luôn gắn bó một cách hữu cơ, tương tác, ảnh hưởng qua lại với các định chế khác. Do đó, muốn hiểu thấu đáo, muốn đổi mới giáo dục thành công thì cần phải tìm hiểu và thay đổi nhiều thứ, từ các định chế khác bên ngoài giáo dục và ngược lại. Tôi rất ấn tượng với câu khẩu hiệu đăng ở bìa tờ Tạp chí Sư phạm của Pháp là "Thay đổi xã hội để thay đổi nhà trường, thay đổi nhà trường để thay đổi xã hội".
Chúng ta học hỏi và đổi mới giáo dục theo hướng của các nước phát triển. Nhưng mục tiêu giáo dục phổ thông của nhiều nước phát triển là nhằm đào tạo các công dân phù hợp để sống, làm việc, phát triển và bảo vệ nền dân chủ của họ. Mục tiêu đó hoàn toàn phù hợp và hài hòa, được thể hiện thống nhất, mạch lạc từ hiến pháp, luật giáo dục đến các văn bản dưới luật và thấm vào từng chủ thể trong hệ thống giáo dục.
Trong khi hệ thống giáo dục chúng ta lại khác với các nước này. Luật giáo dục hiện hành quy định một trong những nhiệm vụ của giáo dục phổ thông là “hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa và trách nhiệm công dân”. Tư tưởng trọng bằng cấp vẫn tồn tại, ăn sâu bám rễ trong tư tưởng của nhiều người...
Cần chuẩn bị đội ngũ giáo viên thế hệ mới
Tập tính là khái niệm lớn trong lý thuyết của Pierre Bourdieu, có tập tính tập thể của cả một xã hội và tập tính của từng cá nhân. Tập tính là những lề thói, thói quen trong suy nghĩ và hành động, những gì đã ăn sâu bám rễ lâu ngày... Cách quan niệm, cách thực hành trong giáo dục theo lối cũ ở ta đã tồn tại lâu năm, đã làm nên các căn chuẩn ổn định, làm thành ý thức tập thể trong toàn xã hội. Do vậy, không dễ dàng gì để thay đổi tập tính này nếu không có một chương trình cải cách kiên trì và lâu dài, được dẫn dắt bởi các nhà cải cách giáo dục có thể nhìn thấu vấn đề và có năng lực.
Công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay vẫn còn nhiều rào cản, làm sao có thể thay đổi tập tính của mình chỉ bằng những chỉ thị, bằng những đợt tập huấn ngắn ngày. Một cách tự nhiên và dễ hiểu, các cá nhân sẽ trở lại đường xưa cố hữu khi những chủ trương, phong trào chìm xuống. Đây là một sự cản trở quan trọng khác của sự đổi mới giáo dục tồn tại trong mỗi chủ thể của hệ thống.
Ví dụ, Phần Lan tiến hành các cuộc đổi mới giáo dục thành công. Họ đặt giáo viên là trung tâm, là những chủ thể của đổi mới. Trước khi ban hành chương trình đổi mới giáo dục thì các trường, các khoa sư phạm của họ đã đổi mới trước đó nhiều năm. Họ chuẩn bị một đội ngũ giáo viên chất lượng, những giáo viên này đã khởi xướng, đã kêu gọi, cổ xúy cả xã hội đổi mới giáo dục.
Nhìn lại, chúng ta chưa chuẩn bị đội ngũ giáo viên thế hệ mới, chưa có và cài đặt “hệ điều hành mới” nơi các chủ thể then chốt của nhà trường. Thực tế, giáo viên cũng phải thay đổi bởi công cuộc đổi mới giáo dục sẽ không suôn sẻ, khó thành công với những con người cũ và ngại thay đổi.
Giáo dục là con đường đưa các cá thể vào xã hội, là định chế tạo ra nguồn nhân sự cho xã hội. Quốc gia có phát triển được hay không, phát triển nhanh hay chậm là do con đường đó được thiết kế thế nào. Quốc gia nào sở hữu một hệ thống giáo dục, trong đó, tạo ra được một môi trường giúp từng cá nhân phát triển tốt nhất các năng lực sẵn có thì quốc gia đó phát triển.
Trẻ em với khả năng học hỏi và sáng tạo phong phú như nhau, điều còn lại là phụ thuộc vào hệ thống giáo dục của từng quốc gia. Việt Nam hơn nhiều quốc gia khác là đang có một lực lượng trẻ hùng hậu, điều còn lại là hệ thống giáo dục của ta phải chuyển mình, phải đổi mới thế nào để tạo ra những "sản phẩm giáo dục" chất lượng, thích ứng, thích nghi được với thời cuộc, đồng thời phát huy được năng lực của các thế hệ trẻ trong tương lai.
TS. Nguyễn Khánh Trung là nhà nghiên cứu về giáo dục, tác giả sách Giáo dục Việt Nam và Phần Lan; dịch giả của loạt sách Học thế nào bây giờ?.
*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.