Giáo dục pháp luật, trang bị kiến thức pháp luật cho thanh niên là nhiệm vụ không thể thiếu

Sáng 30/5, Sở Tư pháp TP Hà Nội – Cơ quan Thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) TP Hà Nội tổ chức Hội thảo 'Nâng cao công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên trong tình hình hiện nay'.

 Sáng 30/5, Sở Tư pháp TP Hà Nội – Cơ quan Thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) TP Hà Nội tổ chức Hội thảo “Nâng cao công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên trong tình hình hiện nay”. Ảnh Lê Mận

Sáng 30/5, Sở Tư pháp TP Hà Nội – Cơ quan Thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) TP Hà Nội tổ chức Hội thảo “Nâng cao công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên trong tình hình hiện nay”. Ảnh Lê Mận

Vi phạm pháp luật trong thanh niên còn nhiều diễn biến phức tạp

Sở Tư pháp TP Hà Nội cho biết, hiện TP có khoảng gần 3 triệu thanh niên (từ 16 - 30 tuổi), chiếm khoảng 30% dân số. Đây là thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, lớp người xây dựng và phát triển đất nước. Sự phát triển của thanh niên không những liên quan đến vận mệnh và tồn tại của đất nước, mà còn ảnh hưởng đến tương lai của dân tộc. Trong đó, giáo dục pháp luật, trang bị kiến thức pháp luật cho thanh niên là nhiệm vụ không thể thiếu trong việc bồi dưỡng, phát triển thanh niên Việt Nam.

Hiện nay, bên cạnh trào lưu, xu hướng tích cực thì thanh niên ngày càng có xu hướng gắn liền với cộng đồng ảo nhiều hơn là cộng đồng xã hội thực, biểu hiện rõ rệt nhất là xu hướng thiết lập các mối quan hệ qua mạng xã hội ngày càng tăng của thanh niên. Tình trạng “nghiện” internet và mạng xã hội gia tăng trong thanh, thiếu niên, kéo theo đó là một số hệ lụy liên quan đến đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật…

Các đại biểu tham dự hội thảo đã đóng góp nhiều ý kiến trong công tác nâng cao PBGDPL cho thanh, thiếu niên. Ảnh Lê Mận

Các đại biểu tham dự hội thảo đã đóng góp nhiều ý kiến trong công tác nâng cao PBGDPL cho thanh, thiếu niên. Ảnh Lê Mận

Một số biểu hiện tiêu cực, chưa phù hợp trong giao tiếp ứng xử nơi công cộng của thanh niên đáng phải quan tâm như: dễ kích động trong ứng xử khi va chạm; không thực hiện những quy định nơi công cộng (xả rác bừa bãi, nói chuyện ồn ào...). Tình hình vi phạm pháp luật trong thanh niên còn nhiều diễn biến phức tạp. Các loại tội danh vi phạm trong thanh niên, nhất là tội phạm rất nghiêm trọng vẫn không giảm. Nhiều hình thức vi phạm pháp luật mới cũng hình thành trong thanh niên.

Những năm qua, công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên được TP Hà Nội luôn chú trọng triển khai với nhiều hình hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật, tạo nên phong trào thi đua, có sức lan tỏa, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần vào sự chuyển biến về nhận thức, hành vi của thanh, thiếu niên. Qua đó bảo đảm giữ gìn an ninh trật tự, ổn định chính trị - xã hội, chủ động phòng ngừa, loại bỏ, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, trong xu thế giao lưu, hội nhập, phát triển, những trào lưu, xu hướng sống mới xuất hiện ngày càng nhiều trong thanh niên.

Bà Vũ Thị Thanh Tú - Trưởng phòng PBGDPL - Sở Tư pháp TP Hà Nội phát biểu tại hội thảo

Bà Vũ Thị Thanh Tú - Trưởng phòng PBGDPL - Sở Tư pháp TP Hà Nội phát biểu tại hội thảo

Nâng cao công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên

Tại hội thảo, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và các quận, huyện đã tham luận, đánh giá kết quả công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên trong thời gian qua; hiệu quả thực tế việc triển khai thực hiện các hình thức, mô hình tuyên truyền pháp luật cho thanh, thiếu niên tại đơn vị, địa phương; đề xuất sáng kiến mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả cho thanh, thiếu niên…

Theo ông Nguyễn Công Thắng - Sở GD&ĐT, tới đây ngành giáo dục sẽ quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên cập nhật kiến thức pháp luật mới nhất, phương pháp giảng dạy hiện đại sẽ giúp giáo viên truyền đạt kiến thức một cách hiệu quả và sinh động. Đồng thời, triển khai chương trình học tập pháp luật linh hoạt, xây dựng môi trường học tập tích cực tạo điều kiện cho học sinh thể hiện bản lĩnh, khám phá kiến thức mới, và rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề.

Đại biểu phát biểu tại hội thảo. Ảnh Lê Mận

Đại biểu phát biểu tại hội thảo. Ảnh Lê Mận

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sử dụng ứng dụng, phần mềm học tập, video hướng dẫn, hay các sản phẩm giáo dục trên nền tảng số sẽ giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách hiệu quả và thú vị. Cùng với đó, tạo điều kiện cho học sinh thực hành và trải nghiệm; phát triển các hoạt động ngoại khóa liên quan đến giáo dục pháp luật như cuộc thi, chuyến tham quan, hay tổ chức các buổi diễn đàn, tạo đàm với sự tham gia của các chuyên gia sẽ giúp học sinh hiểu rõ hơn về lĩnh vực này.

Về phía UBND, HĐND các cấp cũng cần tiếp tục tổ chức và hỗ trợ các hoạt động tuyên truyền, hội thảo, buổi đào tạo về giáo dục pháp luật cho học sinh và cộng đồng địa phương. Chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch và chương trình giáo dục pháp luật cho học sinh phù hợp với địa phương. Quản lý và hỗ trợ tài chính cho các hoạt động giáo dục pháp luật tại cấp địa phương. Đích đến là chung tay xây dựng một thế hệ trẻ có ý thức về pháp luật và tuân thủ pháp luật.

Đồng chí Trần Quang Hưng, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội cho hay, xác định công tác tuyên truyền PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho lực lượng đoàn viên, thanh niên là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi Thủ đô, Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội đã tích cực tuyên truyền, PBGDPL bằng nhiều hình thức khác nhau, như: xây dựng tài liệu sinh hoạt chi đoàn, hệ thống poster, băng zôn, khẩu hiệu tuyên truyền trực quan, trực tuyến, ứng dụng hình ảnh, infographic, trailer, bản tin ngắn,...

Trong đó nổi bật một số mô hình nổi bật, đạt được kết quả cao như: cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”; mô hình Bản tin số về pháp luật; mô hình Câu lạc bộ lý luận trẻ; đội hình “Thanh niên tình nguyện tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông, cứu hộ cứu nạn cấp thành phố”

Trong khi đó, đại diện các quận, huyện đề xuất, cần đưa giáo dục pháp luật vào môn học trong các nhà trường dành cho độ tuổi từ 14 trở lên. Đầu tư, đào tạo và nâng cao năng lực cho các cán bộ làm công tác tuyên truyền pháp luật. Các chương trình đào tạo cần được thiết kế phù hợp để giúp các cán bộ có kiến thức sâu về pháp luật và đủ động lực để thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật.

Bên cạnh đó, cần sử dụng các phương tiện truyền thông điện tử mới như mạng xã hội, ứng dụng di động và trang web tuyên truyền pháp luật để tăng cường tính tương tác và tiếp cận với nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội. Các phương tiện truyền thông này giúp đưa thông tin đến cho nhiều người dân hơn, đồng thời tạo điều kiện cho người dân tham gia tích cực vào các hoạt động tuyên truyền pháp luật…

Lê Mận

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/giao-duc-phap-luat-trang-bi-kien-thuc-phap-luat-cho-thanh-nien-la-nhiem-vu-khong-the-thieu-382604.html