Giáo dục số – cơ hội để mỗi cá nhân học mọi lúc, mọi nơi

Trong kỷ nguyên số, tri thức không còn bị giới hạn trong sách vở hay lớp học truyền thống, mà tồn tại trong hệ sinh thái tri thức số...

Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 22/12/2024 đã xác lập một định hướng chiến lược mang tính nền tảng cho sự phát triển quốc gia trong thời đại số. Trong đó, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát triển khoa học – công nghệ được khẳng định là một trong ba đột phá then chốt nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm độc lập, tự chủ, và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt, Nghị quyết nhấn mạnh: "Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực và động lực chính của quá trình phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia". Trong mối quan hệ hữu cơ giữa chuyển đổi số và nguồn nhân lực, giáo dục đóng vai trò cốt lõi và có tính quyết định. Từ đó có thể khẳng định, giáo dục số – với vai trò đổi mới phương pháp dạy và học – không chỉ là xu thế, mà là nhiệm vụ cấp thiết để hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết 57.

Giáo dục số không đơn thuần là việc đưa công nghệ vào lớp học, mà là một sự chuyển biến toàn diện về tư duy, phương pháp, công cụ và môi trường giáo dục. Đây là quá trình chuyển đổi từ mô hình giáo dục truyền thống, nặng về truyền đạt một chiều, sang mô hình học tập tích cực, cá nhân hóa, dựa trên dữ liệu, kết nối mạng và trí tuệ nhân tạo (AI). Theo tinh thần của Nghị quyết57, giáo dục cần đóng vai trò vừa là nền tảng cho đổi mới sáng tạo, vừa là động lực của chuyển đổi số. Điều này đòi hỏi một sự tái cấu trúc hệ thống giáo dục, từ chương trình, nội dung đến phương pháp giảng dạy, cách thức tổ chức kiểm tra, đánh giá và quản lý học sinh – sinh viên.

Trên thực tế, quá trình số hóa giáo dục tại Việt Nam đã có những bước đi đáng ghi nhận, đặc biệt từ sau đại dịch COVID-19, khi hình thức học trực tuyến trở thành nhu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, giáo dục số hiện nay vẫn chủ yếu dừng ở mức ứng dụng công nghệ như một công cụ hỗ trợ, chưa tạo được sự thay đổi căn bản trong triết lý và mô hình giảng dạy. Trong khi đó, Nghị quyết 57 kêu gọi một sự đột phá mang tính hệ thống. Cụ thể, để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế số và xã hội số, giáo dục cần chuyển từ giảng dạy đại trà sang mô hình học tập cá nhân hóa; từ đào tạo theo nội dung sang đào tạo theo năng lực; từ truyền đạt kiến thức sang phát triển kỹ năng tư duy, sáng tạo, giải quyết vấn đề.

Một số địa phương và cơ sở giáo dục tiên phong đã bắt đầu triển khai mô hình lớp học thông minh, sử dụng bảng tương tác, phần mềm quản trị học tập, ngân hàng đề thi số hóa và hệ thống học tập trực tuyến (LMS). Các trường đại học lớn như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách Khoa TP.HCM, Trường Đại học FPT hay Đại học VinUni đã tích cực ứng dụng AI và dữ liệu lớn trong công tác giảng dạy, nghiên cứu và quản lý sinh viên. Bên cạnh đó, nhiều nền tảng học tập số trong nước như VioEdu, K12Online, Học Mãi, Onluyen… đã trở thành công cụ học tập quen thuộc của hàng triệu học sinh và giáo viên, góp phần làm thay đổi cách học, cách dạy và cách đánh giá.

Dù việc xây dựng nền giáo dục số ở Việt Nam đã có những tiến triển đáng khích lệ, theo các chuyên gia, để giáo dục số phát triển đúng với kỳ vọng của Nghị quyết 57 vẫn cần nhiều giải pháp mang tính đồng bộ và quyết liệt hơn.

Trước hết, thể chế quản lý giáo dục cần được cập nhật, linh hoạt và hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Về vấn đề này, GS. TS Bùi Khánh Thế (Nguyên Trưởng khoa Giáo dục, Đại học Sư phạm Hà Nội) nhấn mạnh rằng việc đào tạo theo học chế tín chỉ là điều kiện quan trọng để người dân có thể học tập suốt đời. Theo ông, đổi mới phương pháp dạy và học đại học theo học chế tín chỉ cần tập trung vào việc đổi mới tư duy và nâng cao trình độ của đội ngũ giảng viên. GS. TS Bùi Khánh Thế cũng cho rằng cần xây dựng một nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt, có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập, bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng, chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo.

Bên cạnh đó, cần xây dựng hạ tầng số cho ngành giáo dục một cách bài bản, từ hạ tầng mạng, thiết bị đầu cuối, đến nền tảng phần mềm tích hợp. Đặc biệt, trong hạ tầng số này, dữ liệu giáo dục cần được liên kết với AI. PGS. TS Lê Anh Cường (Trưởng bộ môn Khoa học máy tính, Trường Đại học Tôn Đức Thắng) cho rằng, cần ban hành chính sách và quy định về sử dụng AI trong giáo dục, đào tạo giáo viên về cách sử dụng AI hiệu quả, giúp học sinh phát triển kỹ năng tư duy phản biện và kiểm chứng thông tin, giám sát và hạn chế sử dụng AI trong đánh giá học tập, bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu học sinh. PGS.TS Lê Anh Cường cũng đề xuất xây dựng hệ sinh thái công nghệ số - AI dành riêng cho giáo dục, trong đó có mô hình ngôn ngữ lớn dành riêng cho giáo dục, sách giáo khoa số tích hợp công cụ AI và hệ thống số đánh giá năng lực học sinh.

Ngoài ra, năng lực số của đội ngũ giáo viên cần được nâng cao toàn diện. Giáo viên trong thời đại số không còn là người giảng dạy kiến thức thuần túy, mà phải là người hướng dẫn, cố vấn, và đồng hành cùng người học trong hành trình khám phá tri thức. GS. TS Lê Anh Vinh (Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) khuyến nghị: Giáo viên cần có sự chủ động hơn để sử dụng công nghệ. Công nghệ mới là liên tục, câu chuyện không chỉ dừng ở cập nhật theo công nghệ mà cần có kỹ năng gì về công nghệ để hỗ trợ cho dạy và học, trang bị cho học sinh kỹ năng gì để có thể thích ứng với thế giới công nghệ ngày càng thay đổi.

Liên hệ với Nghị quyết 57-NQ/TW, có thể thấy rõ rằng giáo dục số không chỉ là phương tiện, mà còn là mục tiêu của tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Trong kỷ nguyên số, tri thức không còn bị giới hạn trong sách vở hay lớp học truyền thống, mà tồn tại trong hệ sinh thái tri thức số, nơi mỗi cá nhân có thể học mọi lúc, mọi nơi và theo cách riêng của mình. Chính vì vậy, giáo dục số sẽ là chìa khóa để mở ra cánh cửa đổi mới sáng tạo, là công cụ để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, và là nền tảng để hình thành một xã hội học tập, nơi mọi công dân có thể tham gia và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Từ tinh thần của Nghị quyết 57, có thể khẳng định rằng chuyển đổi số trong giáo dục không còn là một lựa chọn, mà là một con đường tất yếu. Và nếu thực hiện thành công, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng một nền giáo dục mở, linh hoạt, sáng tạo và hội nhập – nơi người học là trung tâm, công nghệ là công cụ, và tri thức là động lực phát triển bền vững trong thế kỷ 21.

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/giao-duc-so-co-hoi-de-moi-ca-nhan-hoc-moi-luc-moi-noi-post1542049.html