Giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả: Xây 'nền móng' vững chắc (Bài 2)
Tiến sỹ Trần Khắc Tâm khẳng định, khi việc sử dụng tiết kiệm năng lượng đã ăn sâu vào ý thức của học sinh, chúng ta sẽ có một thế hệ sử dụng năng lượng hiệu quả. Thế hệ này sẽ tự có những hành động để lan tỏa giá trị đến những người khác.
Liên quan đến vấn đề giáo dục tiết kiệm năng lượng, Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Trần Khắc Tâm, ĐBQH khóa XIII Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa XIII, Phó chủ tịch Hội đồng các hiệp hội doanh nghiệp ĐBSCL.
- Trong những năm qua, Việt Nam được xem là một trong những nền kinh tế phát triển năng động, với nhịp độ phát triển khá cao so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Châu Á và cả trên quy mô toàn cầu. Và chúng ta cũng không thể phủ nhận được vai trò của ngành năng lượng đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Việc sử dụng năng lượng của nước ta nhiều năm qua bắt đầu thực hiện theo chiều hướng phát triển bền vững. Có nghĩa là, chúng ta dần loại bỏ nhiệt điện than, thay vào đó là những nhà máy điện gió, điện mặt trời. Chúng ta tập trung vào phát triển năng lượng tái tạo để hướng đến nền kinh tế xanh vừa góp phần bảo vệ môi trường. Thực tế cho thấy, rất nhiều nhà máy điện gió, điện mặt trời có công suất lớn đã, đang được xây dựng nên với sự tham gia của các tập đoàn lớn trong nước và nhiều doanh nghiệp quốc tế có năng lực. Tại Sóc Trăng, quê hương tôi, một số dự án điện gió rất lớn đang được xây dựng.
Năm 2010, Quốc hội đã thông qua Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tạo nền tảng cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực hiện các hoạt động sử dụng năng lượng hiệu quả. Và khi Luật này thông qua đã giúp chúng ta đạt được những điểm nhấn ấn tượng. Tuy nhiên, trong thời gian tới, tôi cho rằng, chúng ta hoàn toàn có thể làm tốt hơn nữa.
-Trong mắt cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn được xem là nước có trách nhiệm trong vấn đề bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Theo Tiến sỹ, vì sao chúng ta luôn nhận được những đánh giá tích cực như vậy?
- Để nhận được những đánh giá tích cực từ cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam đó là sự nỗ lực trong thời gian dài. Từ các chính sách của chúng ta hướng đến bảo vệ môi trường, phát triển bền vững cho đến những hành động thiết thực nhất như trồng rừng, trồng cây xanh, giảm phát thải và các sự kiện hưởng ứng Giờ Trái đất...
Tôi còn nhớ tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26 diễn ra ở Glasgow (Scotland), Việt Nam, cùng với nhiều nước trên thế giới đã cùng cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050. Cụ thể, tại COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết Việt Nam sẽ đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Điều này đồng nghĩa với việc tổng lượng carbon phát thải ra môi trường sẽ bằng tổng lượng carbon giảm đi (thu về), như vậy số tín chỉ phát thải carbon ra môi trường sẽ bảo đảm phát thải ròng bằng 0.
Tiếp đó, đến Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) diễn ra thành phố Sharm El-Sheikh (Ai Cập) vào cuối năm 2022, đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà (khi đó còn là Bộ trưởng Bộ TN&MT) đã tái khẳng định cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, đồng thời bàn về thị trường carbon, chuyển đổi năng lượng. Việt Nam luôn coi trọng vấn đề chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng là chủ trương nhất quán và là mô hình kinh tế mà Việt Nam lựa chọn.
Ngay sau khi COP26 kết thúc, Việt Nam đã có hàng loạt các hoạt động, chương trình thiết thực để thực hiện cam kết này. Đó là lý do giải thích cho việc cộng đồng quốc tế luôn coi trọng và đánh giá cao chúng ta trong vấn đề bảo vệ môi trường.
-Tôi cho rằng, chúng ta nên đưa việc giáo dục này vào trường học càng sớm càng tốt. Đây là phương pháp vô cùng thiết thực và hiệu quả. Hãy cho những học sinh, thế hệ trẻ biết rằng, việc tiết kiệm năng lượng không phải là sự lựa chọn mà đó là trách nhiệm với xã hội, trách nhiệm với đất nước và trách nhiệm với chính mình.
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT và Bộ Công Thương đã rất quyết liệt trong việc đưa giáo dục tiết kiệm năng lượng vào trường học. Đó là đã được dư luận đánh giá rất cao về tính hiệu quả lâu dài. Tôi cho rằng, nếu chứng kiến một cháu bé lớp 1 hoặc cấp mầm non tắt chiếc đèn khi không dùng đến, tắt chiếc quạt điện trước khi chạy ra ngoài chơi thì sức lan tỏa của nó sẽ cao hơn ngàn vạn lần lời nói, lời tuyên truyền của người lớn. Có lẽ, chính những người lớn sẽ phải nhìn vào đó để học, để tự soi rọi lại mình.
Quan điểm cá nhân của tôi, giáo dục tiết kiệm năng lượng cần cần xây dựng “từ móng”, phải thực hiện từ cấp mầm non. Và sau này, chúng ta sẽ có một thế hệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Thực tế cho thấy, hiên nay cũng rất nhiều bạn trẻ nhiệt tình hưởng ứng tiết kiệm năng lượng thông qua các sự kiện Giờ Trái Đất. Tôi cũng đã tham dự các chương trình này và thấy giới trẻ rất nhiều năng lượng trong việc lan tỏa tiết kiệm năng lượng. Đây là điều rất quý giá.
-Tiến sỹ vừa nhắc đến chương trình Giờ Trái đất. Vậy ông đánh giá như thế nào về 15 năm thực hiện các chương trình Giờ Trái đất tại Việt Nam?
- Giờ Trái đất là sự kiện quốc tế thường niên do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) khởi xướng từ năm 2007. Việt Nam chúng ta chính thức tham gia hưởng ứng sự kiện này từ năm 2009, sau 2 năm sự kiện này được khởi xướng. Tôi cho rằng, mục tiêu của Giờ Trái đất không chỉ mong muốn tiết kiệm được một lượng điện nhất định trong 1h tắt đèn. Nó mang nhiều ý nghĩa hơn đó là chúng ta phải sử dụng tiết kiệm năng lượng để bảo vệ môi trường sống và bảo vệ hành tinh.
Tại Việt Nam, các chương trình hưởng ứng sự kiện Giờ Trái đất 15 năm qua luôn được thực hiện một cách bài bản và mang tính lan tỏa cao, truyền đi các thông điệp ý nghĩa. Gần đây nhất, Giờ Trái đất năm 2023, chúng ta tiết kiệm được 298.000 kWh. Thông điệp của chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023 là "Tiết kiệm điện – Thành thói quen". Đây cũng là thông điệp của Chương trình tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025 thực hiện Chỉ thị 20 về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ.
Với 62 tỉnh, thành phố trên cả nước hưởng ứng Giờ Trái đất 2023, chúng ta tiết kiệm được tương đương số tiền khoảng 555,6 triệu đồng. Tuy nhiên, nhìn sâu và nhìn rộng ra, ý nghĩa của chương trình này đã vượt qua khỏi những con số đó. Chúng ta tắt đèn trong 1 tiếng đồng hồ để Trái đất được “nghỉ ngơi”. Và như thế, chúng ta đã, đang góp phần bảo vệ Trái Đất.
-Liên quan đến vấn đề tiết kiệm năng lượng, ông có điều gì muốn nói với giới trẻ?
- Tôi muốn nhắn nhủ với những người trẻ, hãy hưởng ứng và lan tỏa việc tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện này đến với những người thân của mình. Việc tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường cần được thực hiện thường xuyên, hàng ngày và biến nó thành thói quen. Tiết kiệm điện tương tự như chúng ta đang gieo một hạt mầm vào Trái đất. Và sau này, Trái đất sẽ trả lại chúng ta và thế hệ mai sau những quả ngọt vô cùng to lớn.
Xin cảm ơn ông!
Văn Chương (thực hiện)
Đồ họa: Hải An