Giáo dục tài chính trong trường học

Giáo dục tài chính cho học sinh không chỉ giúp các em biết sống trách nhiệm, trân quý giá trị lao động, biết chia sẻ với ông bà, cha mẹ mà còn là nền tảng quan trọng giúp các bạn trẻ biết lập kế hoạch ngân sách cho cuộc sống tự chủ ở hiện tại và tương lai.

Các em học sinh nghiên cứu cuốn sách “Khôn khéo với tiền, tránh những ưu phiền”

Các em học sinh nghiên cứu cuốn sách “Khôn khéo với tiền, tránh những ưu phiền”

Truyền thông tài chính toàn diện

Tài chính toàn diện là cụm từ được nhắc đến nhiều trong những năm gần đây; nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Một trong những mục tiêu quan trọng mà chiến lược này mang lại chính là nâng cao hiểu biết tài chính cho người dân và doanh nghiệp, đảm bảo mọi người dân và doanh nghiệp có kiến thức, kỹ năng, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp trong lựa chọn và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính. Xây dựng cơ chế bảo vệ người tiêu dùng tài chính để đảm bảo người tiêu dùng được cung cấp đầy đủ thông tin và đối xử công bằng.

Quá trình thực hiện chiến lược này, ngoài các chỉ tiêu về phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cũng như đa dạng dịch vụ tài chính…, chiến lược này cũng đặt ra mục tiêu về khả năng tiếp cận các thông tin lịch sử tín dụng trong hệ thống thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, giáo dục các kiến thức tài chính nhằm thay đổi nhận thức, hành vi và tạo thói quen tài chính tốt cho cộng đồng. Trong đó, tập trung giáo dục kiến thức tài chính, các kỹ năng quản lý tài chính, nâng cao năng lực kiến thức tài chính; bảo vệ người tiêu dùng tài chính...

Ngoài đối tượng được hướng đến là người trưởng thành (nói chung) thì việc lồng ghép nội dung giáo dục tài chính vào chương trình giáo dục phổ thông quốc gia, giáo dục tài chính tại các trường học cũng được lưu tâm hơn.

Để cụ thể hóa mục tiêu này, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chú trọng và tổ chức thực hiện nhiều chương trình truyền thông giáo dục tài chính như: Tiền khéo tiền khôn, đồng tiền thông thái, cuộc thi hiểu đúng về tiền, nhà ngân hàng tương lai, hiểu biết về tài chính… Trên địa bàn Thừa Thiên Huế, mới đây, một hoạt động ý nghĩa về giáo dục tài chính đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức tại Trường tiểu học Thủy Biều.

“Đây được xem là sân chơi hữu ích góp phần thay đổi góc nhìn về giáo dục tài chính cho học sinh, sinh viên mà còn là cơ hội để các em có những hiểu biết về tiền và lịch sử đồng tiền Việt Nam, cách ứng xử với đồng tiền; biết sống có trách nhiệm hơn, biết trân trọng giá trị sức lao động, biết cách sẻ chia với ông bà, bố mẹ...; biết lập kế hoạch ngân sách cho một cuộc sống tự chủ ở hiện tại và tương lai” như cách nói của bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Hiểu để ứng xử đúng

Thông qua chia sẻ từ các chuyên gia của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và nội dung thi thực tế, cuộc thi “hiểu biết về tài chính” đã cung cấp các kiến thức bổ ích, lý thú về lịch sử đồng tiền Việt Nam, giá trị của tiền, một số hình thức thanh toán, những lưu ý trong thanh toán không dùng tiền mặt đối với các bạn học sinh, sinh viên một cách sinh động, đơn giản, dễ hiểu và có sức lan tỏa rộng rãi. Qua đó, giúp các em học sinh sớm tiếp cận với kiến thức cơ bản về tài chính, như: chi tiêu hợp lý, tiết kiệm, đầu tư.

Một học sinh Trường tiểu học Thủy Biều chia sẻ, trước đây em luôn thắc mắc, vì sao ba mẹ phải làm việc vất vả để kiếm tiền. Em thường thấy, mỗi tối sau khi dạy hai chị em em học bài, cho chúng em đi ngủ, mẹ đều phải quay trở về bàn làm việc, dù cả ngày dài mẹ đã miệt mài làm việc ở cơ quan. Nhờ các cô hướng dẫn, em hiểu được để làm ra được đồng tiền lo cho chúng em được đến trường, mua sắm quần áo… ba mẹ đã phải lao động hết sức vất vả. Muốn kiếm được tiền phải lao động, không có đồng tiền nào tự nhiên đến với chúng ta nếu chúng ta không lao động, không nghiên cứu, học hỏi. Thông qua các bài học, chúng em biết mình phải cố gắng nỗ lực học hỏi, hiểu về tiền để sau này quản lý tiền tốt hơn.

Tại các trường học hiện nay, việc giáo dục sớm về tài chính cũng được lồng ghép ở nhiều môn học và các hoạt động ngoại khóa. Các hoạt động như hội chợ trường học, hội chợ xuân… là một ví dụ. Khi ở đó, các lớp sẽ được phép “kinh doanh” một số mặt hàng theo quy định của trường, từ đó giúp phát triển kỹ năng về cách quản lý tiền bạc và tài chính cá nhân.

Ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cho biết, các bạn trẻ, học sinh, sinh viên luôn là đối tượng khách hàng tiềm năng được các ngân hàng thương mại đặc biệt quan tâm và hướng tới để cung cấp và triển khai các dịch vụ ngân hàng mới nhất, hiện đại nhất. Vì thế, việc truyền thông tài chính cho nhóm đối tượng này khá quan trọng nhằm tạo dựng nền móng trong các hoạt động tài chính sau này. Ngoài ra, việc trang bị các kiến thức về tài chính cho học sinh hiện nay còn góp phần chuẩn bị hành trang, giúp các em biết cách tránh được các rủi ro lừa đảo về tài chính. Sắp tới, ngành ngân hàng trên địa bàn sẽ phối hợp với các đơn vị triển khai mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động truyền thông dưới hình thức tổ chức các sự kiện, ngày hội hướng tới đối tượng là các bạn trẻ. Các hoạt động này sẽ góp phần phổ biến kiến thức về tài chính, mang đến cho các bạn nhiều hoạt động trải nghiệm, tiếp cận những công nghệ thanh toán hiện đại, cũng như trang bị các kỹ năng, tình huống ảnh hướng đến an toàn trong giao dịch ngân hàng.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/giao-duc/giao-duc-tai-chinh-trong-truong-hoc-140621.html