Giáo dục Thận trọng khi tổ chức bán trú cho học sinh tiểu học

TTH - Học sinh tiểu học đã học hai buổi/ngày và chủ trương của thành phố Huế là tùy thuộc vào điều kiện ở các trường để tổ chức bán trú. Tuy nhiên, các trường rất thận trọng nên số trường tổ chức bán trú bắt đầu từ 21/2 chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trẻ mầm non đã tổ chức bán trú 100%

Trẻ mầm non đã tổ chức bán trú 100%

Giảm áp lực đưa đón con

Bắt đầu từ ngày 21/2, Trường tiểu học Quang Trung sẽ tổ chức bán trú cho học sinh. Nhiều phụ huynh đồng tình bởi không tổ chức bán trú, nhiều gia đình phải ngược xuôi trong việc đưa đón con. “Tôi đã chứng kiến những bạn học sinh tụ tập ở cổng trường đợi bố mẹ, một số khác bỏ khẩu trang ăn uống bên vỉa hè, hay phải lót dạ bằng đồ ăn nhanh vì bố mẹ không kịp nấu cơm trưa... Việc không tổ chức ăn bán trú sẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ lây nhiễm COVID-19". Chị Nguyễn Thị Lan, phụ huynh có con học tiểu học, nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Thế Sinh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Quang Trung cho biết, nhà trường nhận được nhiều ý kiến, nguyện vọng của phụ huynh về việc mở bán trú cho học sinh. Theo thống kê, trước khi dịch bệnh toàn trường có 1.200 em đăng ký ở lại bán trú thì thời điểm này giảm còn 900 em. Với số lượng trên, mỗi lớp chỉ có khoảng từ 20 đến 25 em ngủ lại trưa trong lớp. Học sinh ăn trưa tại phòng học hoặc ở tiền sảnh đều thực hiện theo giãn cách.

Theo cô Hồ Thị Ngọc Như, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP. Huế, ngành giáo dục đã lưu ý các trường có tổ chức bán trú thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về điều kiện an toàn thực phẩm. Khu vực chế biến thức ăn phải có nơi rửa tay, đủ nước sạch và xà phòng để rửa tay; có đủ dụng cụ phục vụ ăn uống cho riêng từng học sinh và được vệ sinh sạch sẽ, khử khuẩn trước và sau khi sử dụng. Nhà trường phải hướng dẫn học sinh rửa tay, hạn chế di chuyển, không cười đùa trong khi ăn uống. Các trường phải có đồ dùng cá nhân riêng cho từng em khi ngủ; bảo đảm giãn cách giữa các trẻ khi ngủ trên cơ sở khoa học và phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của trường.

Các trường vẫn thận trọng

Theo công văn của Phòng GD&ĐT TP. Huế, tùy theo điều kiện của các trường để quyết định thời gian tổ chức bán trú cho học sinh. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn thành phố mới có khoảng từ 4 đến 5 trường tổ chức bán trú. Theo cô Võ Thị Tú Khanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thuận Thành, sau khi lấy ý kiến phụ huynh, tỷ lệ tán thành ở lại bán trú thấp nên trường sẽ cân nhắc cho đến đầu tháng 3 mới tổ chức bán trú. Tuy nhiên, trường đang tính các phương án với mong muốn đảm bảo an toàn cho các em khi ở lại bán trú.

Trên các diễn đàn dành cho phụ huynh có con học tiểu học, nhiều phụ huynh tỏ ý lo ngại khi học sinh bậc tiểu học nhiễm COVID-19 chiếm tỷ lệ cao. Thế nên, rất nhiều ý kiến chưa tán thành việc học sinh ở lại bán trú trong thời điểm này. Khá nhiều phụ huynh cho rằng, khi con ở lại, tiếp xúc gần với các bạn và khả năng nhiễm COVID-19 sẽ cao, trong khi các cháu chưa tiêm vắc-xin ngừa COVID-19. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cho rằng, khi học sinh đã đi học hai buổi/ngày nhưng không bán trú sẽ rất khó khăn cho phụ huynh và học sinh trong việc đưa đón. Từ đó, nhiều phụ huynh đã hiến kế, ở lại bán trú, nhưng vẫn an toàn. Chị Lương Thu Minh, có con đang học lớp 2 Trường tiểu học Vĩnh Ninh chia sẻ: Tôi cho rằng, nên đưa suất ăn bán trú về từng lớp. Mỗi cháu sẽ ăn riêng bát, không chung nước canh và cả nước chấm, như vậy sẽ giảm nguy cơ lây dịch và đảm bảo các em chỉ tiếp xúc ở phạm vi lớp học.

Ý kiến khác lại cho rằng, vào giờ ăn trưa, nhà trường nên chia thành nhiều ca khi cho trẻ vào bếp ăn tập thể. Mỗi bàn chỉ giới hạn tối đa bao nhiêu học sinh. Khi các em ngủ trưa có phải giường riêng, chăn và gối riêng. Thầy cô cần phải liên tục nhắc nhở học sinh nghiêm túc thực hiện, vì các cháu còn nhỏ, nhất là học sinh lớp 1, 2 tính tự giác chưa cao. Tuy giáo viên hơi vất vả, nhưng nếu vào nề nếp thì sẽ đỡ lo hơn, đảm bảo an toàn cho trẻ trong tình hình dịch bệnh.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình mở của trường học của các địa phương, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao sự thận trọng khi nhiều trường học đã chia sẻ về các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó có việc mở cửa từng bước, thực hiện giãn lớp, chia ca theo từng khối lớp thay vì dạy học cả ngày ngay lập tức. Ông Sơn cũng cho biết, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, học sinh đến trường một buổi hay cả ngày là không khác nhau nhiều về mặt phòng dịch nên không nhất thiết bỏ bán trú, khiến cho việc chăm sóc, đưa đón của phụ huynh bị xáo trộn. Bộ trưởng đề nghị các địa phương thực hiện đầy đủ, nhất quán, với những trường có điều kiện nên tổ chức cho học sinh học bán trú để vừa đảm bảo việc học tập của học sinh, vừa thuận lợi cho việc chăm sóc, đưa đón con của phụ huynh. Theo ông, tạo điều kiện cho cha mẹ học sinh yên tâm làm việc cũng là tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Bài, ảnh: Huế Thu

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/than-trong-khi-to-chuc-ban-tru-cho-hoc-sinh-tieu-hoc-a110205.html