Giáo dục thời 4.0

Nắm bắt xu thế thời đại công nghệ 4.0, thời gian qua, tỉnh rất chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Tiết học tiếng Anh trực tuyến kết nối giữa Trường Tiểu học Nguyễn Du và Trường Tiểu học Kim Đồng (thành phố Lào Cai) với chủ đề “My friends’ school - trường học của bạn tôi” diễn ra sôi nổi, học sinh hào hứng và thích thú khi được trải nghiệm các ứng dụng như facebook, messenger, kahoot!... Cô giáo Lộc Hoàng Lan, giáo viên tiếng Anh của Trường Tiểu học Kim Đồng cho biết: Những tiết học trực tuyến như thế này giúp học sinh có cơ hội giao lưu, chia sẻ vốn tiếng Anh của mình với học sinh trường bạn, đồng thời rèn luyện các kỹ năng quan trọng trong môn tiếng Anh như đặt và trả lời câu hỏi, giao tiếp, làm việc nhóm, lập bản đồ tư duy, thuyết trình, sử dụng công nghệ thông tin trong học tập…

Em Nguyễn Mai An, học sinh lớp 5A của Trường Tiểu học Kim Đồng chia sẻ rằng, em mong có thêm nhiều tiết học kết nối để được giao lưu với các bạn trong nước và quốc tế.

Học sinh Trường Tiểu học xã Lao Chải (Sa Pa) thi “Trạng nguyên Tiếng Việt” trên máy tính.

Học sinh Trường Tiểu học xã Lao Chải (Sa Pa) thi “Trạng nguyên Tiếng Việt” trên máy tính.

Năm học 2019 - 2020, Trường Tiểu học Kim Đồng xác định một trong những nhiệm vụ đột phá là nâng cao khả năng sử dụng, giao tiếp bằng tiếng Anh đối với học sinh, giáo viên và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức nhiều tiết học, nhiều sân chơi trí tuệ nhằm giúp học sinh sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập. Thời gian tới, nhà trường tiếp tục triển khai các tiết dạy học kết nối công nghệ không chỉ với các trường trong thành phố, các tỉnh trong cả nước mà còn kết nối với một số trường trong khu vực Đông Nam Á.

Từ năm 2010, Trường Tiểu học xã Lao Chải (Sa Pa) được Sở Giáo dục và Đào tạo đầu tư trang bị 16 máy vi tính. Cùng với đó, nhà trường đã huy động thêm nguồn lực xã hội hóa để hoàn thiện phòng tin học với hơn 20 máy vi tính. Ngoài được học tin học trên máy, học sinh còn được trải nghiệm các cuộc thi trên mạng như Trạng nguyên tiếng Việt, thi giải Toán qua mạng, thi tiếng Anh… Nhà trường trang bị 3 máy chiếu phục vụ cho các môn học như mỹ thuật, âm nhạc, tiếng Anh. Theo cô giáo Dương Thị Oanh, Hiệu trưởng nhà trường, việc áp dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giúp nhà trường nâng cao chất lượng giảng dạy, lưu trữ hồ sơ, quản lý học sinh được thuận tiện hơn. Hằng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo Sa Pa còn tổ chức các lớp tập huấn cho giáo viên môn tin học và cán bộ quản lý nhà trường nhằm đảm bảo đủ khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, dạy học và khai thác, vận hành hệ thống, tăng cường hiệu quả sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin.

Những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin vào quản lý và dạy học, như đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy môn tin học; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành và một số hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý điều hành như VnEdu, Smas, VNPT-iOffice… Tăng cường sử dụng và khai thác hiệu quả các phần mềm quản lý theo hình thức trực tuyến, liên thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp; xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm giáo dục thông minh, lớp học thông minh, mô hình học trải nghiệm sáng tạo STEM-Vinaponics ở một số trường trọng điểm. Hiện nay, 100% cơ sở quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ của ngành, cơ quan, đơn vị trên cơ sở ứng dụng các phần mềm công nghệ thông tin. Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tập huấn cho 100% đại diện các cơ sở giáo dục về ứng dụng các phần mềm mới trong giảng dạy.

Đặc biệt, ngành giáo dục và đào tạo đã phát triển Cổng thông tin điện tử liên thông với 36 cổng thành viên các cơ sở giáo dục trực thuộc. Cùng với đó, phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố triển khai hệ thống website cho các đơn vị trực thuộc. Trong năm học, ngành đã triển khai phòng họp trực tuyến ở 47 điểm cầu phục vụ các hoạt động chuyên môn, ôn thi THPT quốc gia và triển khai hồ sơ điện tử học bạ, sổ điểm điện tử ở 100% trường phổ thông.

Hiện nay, gần 96% giáo viên có thể ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản để hỗ trợ dạy học như trình chiếu, soạn thảo văn bản, khai thác internet... và 30% giáo viên sử dụng thành thạo các công cụ E-learning, phần mềm soạn bài giảng. Ngoài ra, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh còn triển khai các giải pháp giáo dục thông minh như xây dựng hệ thống thông tin tổng thể và cơ sở dữ liệu ngành; xây dựng môi trường học tập trực tuyến, hệ thống khảo thí, ngân hàng đề thi, thi trực tuyến; triển khai thí điểm mô hình trải nghiệm sáng tạo STEM.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, tất cả trường học trên địa bàn ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; 50% trường mầm non có trẻ được tiếp cận tin học; 95% trường tiểu học và 100% trường THCS, THPT có phòng máy tính và tổ chức giảng dạy môn tin học; 100% giáo viên các cấp học được bồi dưỡng, tập huấn có đủ năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác.

Để đạt được mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đảm bảo đồng bộ, hiện đại; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, kỹ thuật viên đủ năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy.

Thanh Huệ

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/giao-duc-thoi-40-z5n20200105082011305.htm