Giáo dục Thủ đô tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước về chất lượng
Hà Nội sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu hơn nữa
(HNMO) - Năm 2019, ngành Giáo dục Thủ đô tiếp tục phát triển toàn diện, khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước về chất lượng. Việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đã mang lại kết quả ấn tượng.
Ảnh minh họa
Những thành tích ấn tượng
Trong năm qua, Giáo dục Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước về chất lượng, trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, học sinh Hà Nội đã đạt được thành tích ấn tượng với 155 giải quốc gia (gồm 14 giải Nhất, 47 giải Nhì, 56 giải Ba, 38 giải Khuyến khích), 287 giải và huy chương quốc tế (gồm 78 Huy chương vàng, 84 Huy chương bạc, 95 Huy chương đồng; 30 giải Khuyến khích).
Bên cạnh đó, học sinh Thủ đô còn ghi dấu ấn tại các kỳ thi quốc tế, như: Kỳ thi Olympic quốc tế về thiên văn học và vật lý thiên văn (IOAA) lần thứ 12 tại Bắc Kinh (Trung Quốc), 4/5 học sinh tham dự đã giành huy chương, trong đó có 1 Huy chương vàng, 1 Huy chương bạc, 2 Huy chương đồng; Kỳ thi Olympic khoa học trẻ quốc tế (IJSO) lần thứ 15 tại Botswana, Hà Nội đại diện cho Việt Nam tham dự và cả 6 học sinh dự thi đều đoạt giải…
Đặc biệt, năm 2019 là năm Hà Nội lần đầu tiên đăng cai và tổ chức thành công Kỳ thi Olympic toán và khoa học quốc tế (International Mathematics and Science Olympiad for Primary School - IMSO), đây là kỳ thi thường niên bằng tiếng Anh, dành cho học sinh tiểu học trên toàn thế giới. Kỳ thi năm nay có hơn 1,7 nghìn người tham dự, đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng kết kỳ thi của bảng A, Việt Nam là đoàn đạt kết quả cao nhất với cả 36 học sinh Việt Nam dự thi đều giành huy chương, trong đó có 15 Huy chương vàng, 14 Huy chương bạc và 7 Huy chương đồng.
Hà Nội cũng luôn chú trọng phát triển hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia, góp phần tạo nên bước chuyển biến mạnh về chất lượng giáo dục. Năm 2019, công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia của Hà Nội đã đạt 151% kế hoạch, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia của toàn thành phố lên gần 1.500 trường, chiếm tỷ lệ 67%.
Không dừng lại ở đó, ngành Giáo dục Thủ đô tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả các phong trào thi giáo viên dạy giỏi, học sinh giỏi các cấp, đặc biệt là trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế.
Bên cạnh những “quả ngọt”, ngành Giáo dục Thủ đô vẫn còn những hạn chế, như còn những lỗ hổng trong việc quản lý xe đưa đón học sinh, những vụ việc liên quan đến đạo đức giữa thầy và trò vẫn gây nhức nhối dư luận... Để giải quyết triệt để những tồn tại của ngành cần có những giải pháp quyết liệt và đồng bộ.
Chú trọng rèn đức đi đôi với luyện tài
Những thành tích của ngành Giáo dục Thủ đô trong thời gian qua đã thể hiện những nỗ lực, chủ động nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Mạng lưới trường, lớp tiếp tục được quan tâm, đầu tư phát triển; cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học, hạ tầng công nghệ thông tin được tăng cường đầu tư… Tuy nhiên, để giữ được sự vị thế, các chuyên gia cho rằng cần phải có giải pháp đồng bộ.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, song song với việc đầu tư cơ sở vật chất, Hà Nội đặc biệt coi trọng việc phát triển đội ngũ nhà giáo.
“Chú trọng công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên được tổ chức thường xuyên, bảo đảm chất lượng chuyên môn và năng lực sư phạm. Công tác quản lý, kiểm tra, đánh giá không ngừng được đổi mới; nền nếp và kỷ cương được duy trì, xã hội hóa giáo dục có nhiều bước chuyển biến, huy động được các nguồn lực đầu tư chăm lo phát triển giáo dục. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động, phong trào thi đua được tổ chức sôi nổi, có ý nghĩa. Đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường, chú trọng dạy ngoại ngữ nhất là môn tiếng Anh”, ông Chử Xuân Dũng khẳng định.
Bên cạnh những nỗ lực đầu tư chất lượng giáo dục, ngành còn quan tâm đến yếu tố giáo dục đạo đức, tâm sinh lý cho học sinh.
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, một trong những giải pháp mà ngành sẽ kiên trì triển khai là chú trọng rèn đức đi đôi với luyện tài, thực hiện tốt quy tắc ứng xử trong trường học, trong đó yêu cầu mỗi thành viên nhà trường - từ hiệu trưởng, giáo viên, nhân viên đến từng học sinh - phải nắm được các quy định về chuẩn mực đạo đức chung, biết rõ những việc nên hoặc không nên làm...
“Hà Nội sẽ quan tâm hơn tới công tác tư vấn, hỗ trợ, trang bị kỹ năng xử lý các tình huống cho học sinh, trong đó có việc phát huy hiệu quả của phòng tư vấn tâm lý trong trường học; nâng cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp; đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm và tình nguyện vì cộng đồng”, ông Phạm Ngọc Tuấn nêu.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, công tác giáo dục đạo đức cho học sinh phải được triển khai một cách linh hoạt, không thể áp đặt cứng nhắc, đồng loạt. Nhà trường cần xây dựng mục tiêu và giải pháp cụ thể, trong đó quan tâm đến vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong việc đồng hành, lắng nghe và hỗ trợ học sinh. Việc tạo động lực và xây dựng đội ngũ nhà giáo có chuyên môn vững, tâm huyết, sáng tạo và phát huy vai trò nêu gương cũng là yếu tố quan trọng nhằm tác động tích cực đến nhân cách, đạo đức của học sinh...
Đây là những giải pháp giúp Hà Nội chủ động trong đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thủ đô.