Giáo dục Tin tức giáo dục Chọn sách giáo khoa qua trải nghiệm dạy học
TTH - Mỗi trường đều có cách chọn sách giáo khoa (SGK) khác nhau, nhưng khá nhiều cơ sở xem trọng quá trình trải nghiệm dạy học trên lớp. Nghĩa là, mỗi cuốn SGK đều phân công giáo viên dạy một số bài trước khi đề xuất lựa chọn. Các thiết bị kèm theo bộ sách cũng được chú trọng đảm bảo an toàn cho học sinh trong quá trình sử dụng.
Năm học 2023 - 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phê duyệt danh mục, gồm 136 SGK sử dụng trong các trường học, gồm 44 đầu sách lớp 4, 42 đầu sách lớp 8, 50 đầu sách lớp 11. Không còn lo ngại về có quá nhiều đầu sách, khó khăn trong việc chọn lựa SGK phù hợp. Theo đánh giá từ Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tại các trường học ở Thừa Thiên Huế, chất lượng giáo dục tiếp tục được giữ vững, học sinh tiếp cận tốt với SGK mới, thể hiện việc lựa chọn sách của nhà trường là phù hợp và hiệu quả. Tất cả giáo viên đều tham gia tập huấn sử dụng sách giáo khoa lớp 1, 2, 3, 6, 7 và lớp 10 đúng bộ môn giảng dạy và bố trí công tác của nhà trường.
Dù việc lựa chọn SGK mới đã thực hiện nhiều năm, song không vì thế mà chủ quan. Theo Hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Ninh Nguyễn Thị Minh Trang, nhà trường yêu cầu giáo viên ở các tổ, nhóm nghiên cứu, thảo luận về ưu điểm của từng cuốn sách, đánh giá mức độ phù hợp đối với tình hình thực tế của trường về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, học sinh… Các tổ chuyên môn sẽ tổ chức cho giáo viên thảo luận, đánh giá về từng cuốn sách và bỏ phiếu kín lựa chọn sách cho từng môn học…
Theo chia sẻ của các trường, các bộ sách có nhiều điểm thú vị như vừa đảm bảo tính kế thừa ngôn ngữ và cách thức thể hiện phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lý của địa phương, vừa đảm bảo tính mềm dẻo, có thể điều chỉnh, bổ sung nội dung phù hợp, sát với tình hình thực tế. Tuy nhiên, việc lựa chọn SGK ở Thừa Thiên Huế được nhiều trường chọn lựa là xem trọng quá trình trải nghiệm dạy học trên lớp. Do đó, phải có bước quan trọng là mỗi cuốn SGK cần có phân công giáo viên dạy một số bài trước khi đề xuất lựa chọn. Ngoài ra, các thiết bị kèm theo bộ sách phải đảm bảo an toàn cho học sinh trong quá trình sử dụng.
“Kinh nghiệm rút ra sau 2 năm lựa chọn SGK là cần nghiêm túc chỉ đạo, hướng dẫn cán bộ, giáo viên thực hiện việc lựa chọn sách đảm bảo đúng theo Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT và các văn bản hướng dẫn của ngành, của địa phương. Cùng đó, tổ chức và triển khai tập huấn sử dụng SGK cho toàn bộ cán bộ quản lý, giáo viên; chủ động chuẩn bị sớm phân công giáo viên trong công tác chọn SGK”, cô giáo Lê Ngọc Hân, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Đình Túc chia sẻ.
Năm nay, nhiều trường đề xuất, các bản sách gửi về cần đồng bộ, có cả SGK, sách bài tập, chuyên đề, sách giáo viên. Ngoài bản giấy có thể gửi bản file PDF để tiện nghiên cứu, chia sẻ. Nếu có thể, các chủ biên nêu tóm tắt phần giới thiệu sách, hướng khai thác, tính ưu việt của bộ sách như một sự định hướng. Với nhà trường, cần thiết lập Hội đồng chọn sách, các tổ chuyên môn nghiên cứu lựa chọn, phản hồi. Có thể thực nghiệm, soạn giảng một số tiết ở các bộ sách để xem tính hiệu quả…
Việc chọn sách tôn trọng ý kiến chuyên môn của nhà trường, phù hợp với điều kiện địa phương. Sở GD&ĐT đã tổ chức hội nghị giới thiệu các bộ SGK do Bộ GD&ĐT phê duyệt dành cho cán bộ, giáo viên. Trong hội nghị có thảo luận, đóng góp ý kiến và giải đáp thắc mắc của cán bộ, giáo viên từ phía các nhóm tác giả về nội dung đã giới thiệu triển khai. Sau đó, Sở GD&ĐT thành lập hội đồng lựa chọn SGK. Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT, tiêu chí thành lập hội đồng chọn sách giáo khoa do giám đốc sở làm chủ tịch hội đồng. Ít nhất hội đồng chọn sách có 15 thành viên; trong đó có 2/3 là giáo viên có chuyên môn giỏi. Còn 1/3 là chuyên viên thuộc Sở GD&ĐT nên sẽ thực hiện đúng Thông tư 25 để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình lựa chọn sách.
Vẫn biết Thừa Thiên Huế là địa phương đảm bảo các quy trình chọn SGK. Tuy nhiên, theo Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu, việc chọn sách nên thống nhất 1 đơn vị đầu mối. Thông tư 01 và 25 có sự chồng chéo trong việc lựa chọn SGK giữa nhà trường và Sở GDĐT, dẫn đến một số trường phải chọn lại SGK khi bộ sách được trường chọn không trùng với sách của Hội đồng chọn sách do Sở GD&ĐT lựa chọn.
Mong muốn của không ít giáo viên là được tập huấn nhiều về phương pháp sử dụng, giảng dạy của SGK. Bởi lẽ, giáo viên hay quản lý nhà trường cũng không thể tiếp cận được hết vấn đề của tất cả các môn trong vòng thời gian chỉ có 2 ngày. Đó là điều khó khăn cho các nhà trường khi đi tập huấn chương trình SGK mới.