Giáo dục Tin tức giáo dục Học kỳ linh hoạt

TTH - Ứng phó với tình hình dịch COVID-19 phức tạp, ngành giáo dục Thừa Thiên Huế vừa trải qua một học kỳ linh hoạt với các hình thức dạy, học và kiểm tra, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra.

Học sinh làm nước rửa tay sát khuẩn

Học sinh làm nước rửa tay sát khuẩn

Dạy và học linh hoạt

Cùng với cả nước, Thừa Thiên Huế tổ chức lễ khai giảng tại Trường trung học phổ thông (THPT) chuyên Quốc Học và truyền hình trực tiếp đến toàn thể học sinh, giáo viên, nhân viên toàn ngành qua sóng Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Suốt cả học kỳ, dịch COVID-19 vẫn dai dẳng khiến cho kế hoạch và việc tổ chức giảng dạy, học tập liên tục gặp khó khăn. Các trường học phải linh hoạt giữa dạy học trực tiếp, trực tuyến, hoặc kết hợp đồng thời trực tiếp và trực tuyến, tùy tình hình dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, toàn tỉnh có 328 trường dạy học trực tiếp; 240 trường đang học online, học trên truyền hình và kết hợp trực tiếp với trực tuyến; trong đó, 100% học sinh khối 7 trở lên được học trực tiếp, sau khi đã hoàn thành 2 mũi tiêm. Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) khẳng định: “Quan điểm của tỉnh là tạo điều kiện để cho các trường dạy học trực tiếp. Trường hợp dịch không thể dạy học trực tiếp thì sẽ sử dụng hình thức dạy học online và qua truyền hình”.

Việc tổ chức học trực tiếp được thực hiện theo nguyên tắc đảm bảo 5K, lớp học nào xuất hiện ca dương tính thì cách ly theo diện hẹp, tiến hành tầm soát và cho các em quay trở lại trường sau 3 - 5 ngày. Không có gì đáng nói về hình thức học trực tiếp. Đáng lo là, do diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh bủa vây đã ảnh hưởng đến tâm lý của phụ huynh và học sinh.

Các địa phương có số trường dừng học trực tiếp nhiều nhất là huyện Quảng Điền và TP. Huế. Có thời điểm, do số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng tăng cao, toàn bộ học sinh trên địa bàn TP. Huế phải dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến. Theo đó, các trường học tổ chức dạy học qua truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh cho khối lớp 1, lớp 2 và lớp 6; dạy học trực tuyến trên các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin cho các khối lớp còn lại.

Ngành giáo dục phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh sản xuất khoảng 600 bài giảng ở bậc trung học cơ sở và tiểu học, phục vụ học sinh khi không đến trường cũng như làm tốt công tác bồi dưỡng nghiệp vụ giáo viên trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc triển khai dạy học trực tuyến và truyền hình tương đối thuận lợi đối với học sinh thành phố và các vùng tiệm cận. Tuy nhiên, nhiều học sinh vẫn chưa tiếp cận được việc học trực tuyến và học qua truyền hình do gặp khó khăn về cơ sở vật chất và đường truyền, công nghệ thông tin. Nhiều trường học linh hoạt triển khai các biện pháp hiệu quả giúp học sinh tiếp thu kiến thức trong mùa dịch như hỗ trợ thiết bị học, giáo viên đến nhà kèm cặp cho các em.

Hoàn thành năm học trước 31/5

Với sự chủ động và thích ứng linh hoạt, các cơ sở giáo dục của Thừa Thiên Huế bảo đảm đúng tiến độ thời gian năm học. Đến giữa tháng 1/2021, công tác kiểm tra học kỳ I đã hoàn thành theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT.

Chuẩn bị cho kiểm tra, Sở GD&ĐT yêu cầu các trường thực hiện tiêm chủng, tổ chức ôn tập và tiến hành kiểm tra kết thúc học kỳ bình thường. Việc tổ chức kiểm tra bảo đảm các điều kiện an toàn phòng dịch. Đối với học sinh tiểu học và lớp 6 dừng đến trường do COVID-19, các trường xây dựng kế hoạch đón học sinh trở lại trường và tổ chức kiểm tra trực tiếp. Tùy tình hình phòng dịch và điều kiện tại địa phương để xây dựng nhiều phương án kiểm tra kết thúc học kỳ. Trường hợp đặc biệt, nhà trường báo cáo lãnh đạo phòng GD&ĐT và chính quyền địa phương, bảo đảm đủ điều kiện để tất cả trường học được tổ chức kiểm tra trực tuyến. Riêng học sinh trong thời gian điều trị F0 hoặc đang cách ly không tham gia kiểm tra trực tiếp, sẽ được bố trí kiểm tra bổ sung vào thời điểm và hình thức phù hợp sau.

Trải qua thời gian dài học online, việc đánh giá năng lực các em sẽ gặp khó khăn nhất định, do đó, kiểm tra hoc kỳ cũng là một giải pháp giúp giáo dục Thừa Thiên Huế duy trì mục tiêu chất lượng. Kiểm tra trực tiếp, theo ông Nguyễn Tân, một mặt bảo đảm công bằng, khách quan; mặt khác, nhằm đánh giá được chính xác kết quả dạy học trực tuyến, trên truyền hình trong thời gian qua để từ đó đưa ra giải pháp tiếp theo cho phù hợp.

Cô giáo Võ Thị Tú Khanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thuận Thành (TP. Huế) cho biết, trường đã củng cố ôn tập kiến thức cho các em khối 1 và 2, sau đó các em làm bài kiểm tra, trên tinh thần động viên và đánh giá chuẩn kiến thức khi các em học online, để từ đó, điều chỉnh nội dung học phù hợp hơn. Nhìn chung, các em đều làm tốt bài kiểm tra. Những em không đến trường kiểm tra được, nhà trường đã cho kiểm tra bằng hình thức online.

Còn anh Nguyễn Văn Cường, phụ huynh có con học lớp 2 Trường tiểu học Phú Cát (TP. Huế) chia sẻ, với phương thức học cái gì kiểm tra cái đó, tôi thấy các cháu thoải mái, nhẹ nhàng và không bị áp lực. Đề kiểm tra tương đối phù hợp, không đánh đố học sinh và đa phần các cháu đều làm tốt. Đây cũng là dịp để phụ huynh giúp con củng cố, ôn tập có hệ thống kiến thức.

Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Tân chia sẻ, đang ấp ủ kế hoạch xin chủ trương UBND tỉnh được bố trí cho học sinh lớp 1 và 2 phải học trên truyền hình suốt thời gian qua sẽ học trực tiếp trong thời gian 2 tháng hè (từ 15/6 đến 15/8) để bảo đảm đủ điều kiện lên học lớp cao hơn, phòng ngồi nhầm lớp do không theo kịp được chương trình dạy học truyền hình trong thời gian dừng đến trường. Ông Nguyễn Tân cũng khẳng định quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ năm học trước ngày 31/5, không để ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng dạy và học.

Bài, ảnh: Huế Thu

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/hoc-ky-linh-hoat-a109007.html