Giáo dục toàn diện từ... võ cổ truyền
Bước sang năm thứ 3 ngành Giáo dục Bắc Hà (Lào Cai) triển khai võ cổ truyền trong trường tiểu học và THCS.
GD&TĐ - Bước sang năm thứ 3 ngành Giáo dục Bắc Hà (Lào Cai) triển khai võ cổ truyền trong trường tiểu học và THCS.
Với sự lồng ghép khéo léo, phù hợp mà môn học Giáo dục thể chất và hoạt động ngoại khóa trở nên phong phú, hấp dẫn, phát huy tối đa giáo dục toàn diện với người học.
Đưa võ cổ truyền vào trường học
Thông tin từ Phòng GD&ĐT huyện Bắc Hà, tới nay võ cổ truyền được 100% trường tiểu học, THCS tổ chức dạy, tập luyện cho học sinh trong giờ thể dục và hoạt động ngoại khóa. Đáng nói, không ít nhà trường còn thành lập câu lạc bộ võ cổ truyền. Tạo điều kiện để học sinh được tham gia biểu diễn tại một số sự kiện thể dục thể thao, các ngày lễ lớn trong và ngoài nhà trường suốt năm học.
Để chuẩn bị đưa võ cổ truyền vào nhà trường, Phòng GD&ĐT Bắc Hà đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng giảng dạy cho 100% giáo viên thể dục các trường. Ngành đã mời các võ sư, chuyên gia võ thuật cổ truyền bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao chuyên môn thường xuyên nên đội ngũ giáo viên đã triển khai hiệu quả nội dung học tập mới mẻ. Học sinh từ tiểu học tới THCS đều thích thú và hăng say luyện tập.
Theo đánh giá của ông Bùi Văn Tiến, Trưởng phòng GD&ĐT Bắc Hà, đa số trường trên địa bàn đã lồng ghép đầy hiệu quả võ cổ truyền vào môn Giáo dục thể chất, thể dục giữa giờ, hoạt động ngoại khóa… cho học sinh. Nếu như học sinh khối tiểu học học bài quyền căn bản 27 động tác thì học sinh khối THCS được tăng cường hơn theo lứa tuổi với bài quyền 36 động tác. Ba năm triển khai, nhiều trường đã xây dựng được những màn đồng diễn võ cổ truyền công phu, nghệ thuật.
“Thời gian tới, để phong trào học võ cổ truyền trong trường học tiếp tục đi đúng hướng, Phòng GD&ĐT Bắc Hà sẽ phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao hơn nữa cho đội ngũ giáo viên giáo dục thể chất. Cùng đó, chỉ đạo các trường học đầu tư cơ sở vật chất, lồng ghép võ thuật phù hợp nhất với học đường, tạo ra nhiều sân chơi bổ ích cho học sinh…”, ông Tiến trao đổi.
Cô Trần Thị Nhạn, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Cốc Lầu (Bắc Hà, Lào Cai), cho biết: Kể từ khi võ thuật được đưa vào trường học, học sinh đầy hứng thú với tiết học thể dục. Những bài tập gần gũi, với sự hướng dẫn hết mình của thầy giáo nên học sinh tiếp thu nhẹ nhàng. Dù là nội dung mới và mang tính chuyên môn, song giáo viên dễ lĩnh hội chuyên môn và có thể truyền đạt, thị phạm cho học trò hiệu quả.
Giúp học trò nâng cao văn - thể - mỹ
Thầy Phạm Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Lùng Phình 1 (Bắc Hà, Lào Cai), trao đổi: Với gần 200 học sinh/8 lớp, trường đã lồng ghép võ cổ truyền vào hoạt động giáo dục thể chất, ngoại khóa thành công. Học sinh hăng say và hứng thú luyện tập. Không có tình trạng uể oải, coi Giáo dục thể chất là môn phụ.
“Mỗi hoạt động, nội dung của bộ môn Giáo dục thể chất, ngoại khóa (thể dục dụng cụ, nhảy hiện đại, múa dân tộc, múa xòe…) đều mang tác dụng, hiệu quả khác nhau. Nhưng võ cổ truyền đã phát huy được tính toàn diện khi không chỉ giúp học sinh khả năng tự vệ, tinh thần thượng võ, nâng cao tính kỷ luật, kiên trì, chịu khó…, mà hơn thế rèn luyện cho các em thể chất, nâng cao sức khỏe để học tập, lao động.
Đặc biệt, học trò thêm hiểu biết và có ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống. Võ cổ truyền đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi khi đổi mới bộ môn Giáo dục thể chất theo Chương trình GDPT mới…”, thầy Tuấn chia sẻ.
Là giáo viên thể dục, được trực tiếp cử đi bồi dưỡng, tập huấn để đảm trách giảng dạy võ cổ truyền trong trường học, thầy Trần Trung Đức, Trường PTDTBT Tiểu học Lùng Phình 1, chia sẻ: Bước sang năm thứ 3 triển khai võ cổ truyền nhưng học sinh vẫn đầy hào hứng, thích thú luyện tập. Một vài học sinh nữ dân tộc do đặc thù mặc váy, lúc mới tập hơi ngượng ngùng nhưng đã dần quen, đam mê luyện tập hơn cả tập múa, hát…
Với nội dung luyện tập mang tính chuyên môn nên muốn phong phú hóa môn học, giúp học sinh yêu thích, theo thầy Đức, giáo viên phải tự nghiên cứu, đổi mới phương pháp giảng dạy. Không thể dạy “suông” bằng miệng, mỗi khi luyện tập võ cổ truyền đều được giáo viên kết hợp thêm nhạc điệu và trống để tạo nhịp và tăng thêm không khí luyện tập sôi nổi, hào hùng.
Mặt khác, dạy võ cổ truyền không chỉ mang tới cho học sinh những động tác võ thuật, giáo viên phải nghiên cứu lịch sử, sự phát triển môn học để giới thiệu cho các em thấy được nét đẹp ẩn sâu trong võ cổ truyền. Giáo viên cũng có thể kết hợp cho học sinh xem những màn biểu diễn tập thể qua tivi trong những giờ giải trí, nghỉ ngơi. Từ đó, các em thêm ngấm và học hỏi động tác, bước đi…
Khẳng định quá trình đưa võ vào học đường cơ bản thuận lợi bởi giáo viên đều đã nắm chắc chuyên môn, yêu cầu khi mang tới học trò, thầy Nguyễn Quang Hưng, giáo viên thể dục Trường PTDTBT THCS Cốc Lầu (Bắc Hà, Lào Cai), cho hay: Võ cổ truyền ưu thế hơn một số môn thể thao khác (cầu lông, bóng bàn, bóng truyền…) khi đưa vào trường học giúp học sinh phát triển toàn diện thể lực, thẩm mỹ chứ không chỉ phát triển thiên về sức khỏe, cơ bắp…
Được học võ cổ truyền lồng ghép trong bộ môn Giáo dục thể chất và hoạt động ngoại khóa 3 năm nay, Giàng Thị Hoa, học sinh lớp 9A1 Trường PTDTBT THCS Cốc Lầu, tâm sự: “Chúng em đều thích và ham mê luyện tập mọi lúc, mọi nơi. Một số bạn có năng khiếu võ được phát hiện và chọn vào đội tuyển nhà trường. Ngoài tham gia biểu diễn trong các hoạt động văn hóa còn đảm nhiệm vai trò hỗ trợ học sinh nhỏ hơn mau tiến bộ khi luyện tập võ cổ truyền”.
Đưa võ cổ truyền lồng ghép trong Giáo dục thể chất và hoạt động ngoại khóa là hướng đi đúng đắn, ý nghĩa và thiết thực… của ngành GD-ĐT huyện Bắc Hà. Học sinh ra trường không chỉ cần tới kiến thức, mà sức khỏe, hiểu biết văn hóa truyền thống từ đó hình thành kỹ năng sống khác cũng cần thiết. Đồng thời tạo sức hút cho môn Giáo dục thể chất và hoạt động ngoại khóa thêm phong phú… - Thầy Lê Ngọc Anh (Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Tà Chải, Bắc Hà, Lào Cai)
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hoc-duong/giao-duc-toan-dien-tu-vo-co-truyen-Sku3njBnR.html