Giáo dục trên quê hương Bác: Phát triển từ nền móng truyền thống

Mảnh đất xứ Nghệ có truyền thống hiếu học, khổ học thành tài, cùng với nhiều di sản đồ sộ vô giá về lịch sử, văn hóa.

Học sinh Nghệ An tham gia các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật. Ảnh minh họa.

Học sinh Nghệ An tham gia các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật. Ảnh minh họa.

Theo ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, truyền thống là vốn quý, lợi thế, là gốc vững bền để giáo dục Nghệ An kế thừa, phát triển.

Gốc vững bền của giáo dục

- Nghệ An được mệnh danh là đất học. Truyền thống đó có ý nghĩa như thế nào trong việc phát triển giáo dục?

- Từ xưa đến nay, người dân Nghệ - Tĩnh rất coi trọng, xem sự học là hàng đầu, quan tâm đến việc học của con cái. Thành tựu học tập chính là thước đo về giá trị của mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ, làng xã. Đây cũng là thuận lợi đặc biệt khi xây dựng xã hội học tập. Nghệ An có hơn 7.000 dòng họ học tập và hàng chục nghìn gia đình, đơn vị học tập. Đây chính là môi trường giáo dục đầu tiên, quan trọng, thường xuyên rất tốt cho mỗi đứa trẻ khi sinh ra, lớn lên. Cùng với giáo dục nhà trường, tạo động lực và ý thức học tập suốt đời cho mỗi học sinh, người dân xứ Nghệ.

Giáo dục là cả quá trình lâu dài, bền bỉ, kết tinh từ giá trị truyền thống và phát huy trong hiện tại. Với xứ Nghệ (được hiểu bao hàm cả Nghệ An – Hà Tĩnh), những phẩm chất và giá trị trên chính là cái gốc bền vững, để ươm mầm, tạo tiền đề, động lực cho giáo dục phát triển.

Bởi vậy, dù là địa phương có diện tích rộng lớn, điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, nhưng giáo dục Nghệ An đã phát triển với tốc độ nhanh nhưng bền vững, đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Tính bền vững của giáo dục Nghệ An nhờ kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống đã có. Lãnh đạo tỉnh Nghệ An qua các thời kỳ đều quan tâm, đầu tư cho giáo dục, để phát triển hơn nữa truyền thống đã có ngày càng đa dạng hơn ở nhiều lĩnh vực cả giáo dục mũi nhọn lẫn đại trà.

Ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An.

Ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An.

- Giáo dục Nghệ An những năm gần đây đã đạt được những thành tựu nổi bật cả về mũi nhọn và chất lượng đại trà. Cụ thể là gì, thưa ông?

- Nhiệm kỳ vừa qua, toàn ngành đã tập trung để thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Về cơ sở vật chất, từ năm 2015 - 2020, toàn ngành đầu tư xây mới 557 phòng học, xóa phòng học tranh tre, tạm mượn cho 115 trường mầm non, tiểu học ở các xã đặc biệt khó khăn. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có hơn 1.100 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ trên 73%, vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra.

Chất lượng giáo dục tiếp tục được khẳng định vững chắc. Kết quả học sinh giỏi quốc gia, khu vực, quốc tế tiếp tục duy trì vị trí tốp dẫn đầu của cả nước. Giáo dục toàn diện, đại trà phát triển. Nhiều học sinh đạt thành tích cao tại các cuộc thi, sân chơi trí tuệ sáng tạo như em Trần Thế Trung - quán quân Olympia năm 2019; em Đậu Huy Minh đoạt giải Nhất cuộc thi Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019; nhiều HS đạt giải cao tại kỳ thi khoa học kỹ thuật quốc gia...

Giáo dục nhân cách bằng nhân cách

- Những di sản văn hóa, truyền thống của xứ Nghệ được đưa vào Chương trình giáo dục địa phương như thế nào, để không chỉ cung cấp kiến thức mà còn góp phần giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho HS thời kỳ hội nhập?

- Nhiều năm nay, việc giáo dục truyền thống, đưa kiến thức lịch sử, văn hóa, con người quê hương xứ Nghệ vào chương trình địa phương, xây dựng thành chủ đề xuyên suốt từ bậc tiểu học đến THPT. Các nhà trường được tạo điều kiện chủ động xây dựng chương trình địa phương, để đưa những vốn quý truyền thống tại địa phương mình giới thiệu cho học sinh. Trên thực tế, việc học sinh được trực tiếp đến di tích lịch sử, địa chỉ cách mạng, tác động trực tiếp to lớn, sâu sắc đến tình cảm, nhận thức, tư tưởng các em mà không sách vở nào chuyển tải được.

Xác định giáo dục nhân cách phải bằng nhân cách. Xứ Nghệ có những nhân cách lớn, vĩ đại không chỉ của cả dân tộc mà được thế giới công nhận. Đó cũng chính là tấm gương giáo dục sâu sắc cho học sinh. Nhiều phẩm chất vốn có của người xứ Nghệ như yêu nước, trung thực, hiếu học, chịu khó, sáng tạo... có trong tiêu chuẩn phẩm chất đạo đức của Chương trình GDPT 2018.

Giá trị truyền thống nếu được kết hợp nhuần nhuyễn trong giáo dục hiện đại, sẽ có ý nghĩa quan trọng trong hình thành, phát triển nhân cách học sinh trong bối cảnh mới. Định hướng giá trị sống cho học sinh. Giúp các em vững vàng, tự tin, có bản lĩnh thích ứng với môi trường xã hội luôn biến đổi nhanh, hội nhập khu vực và quốc tế.

Cô và trò Trường THCS Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) trong giờ ngoại khóa diễn xướng dân ca. Ảnh: TG

Cô và trò Trường THCS Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) trong giờ ngoại khóa diễn xướng dân ca. Ảnh: TG

- Ngành Giáo dục có phương hướng, giải pháp nào để thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29 cũng như thực hiện Chương trình GDPT 2018?

- Ngành GD-ĐT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hướng đến tự chủ giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, thực hiện các dịch vụ giáo dục theo Luật Giáo dục 2019. Trong đó, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành kế hoạch tập trung nguồn lực, đáp ứng cơ sở vật chất tối thiểu cho Chương trình GDPT 2018.

Ngành đã xây dựng chiến lược phát triển GD-ĐT tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn, định hướng đến năm 2030. Trong đó, rà soát, quy hoạch mang lưới trường lớp. Triển khai thí điểm mô hình trường trung học trọng điểm chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019 - 2023, tại 14 trường THCS và THPT, làm đầu tàu lan tỏa cho các vùng miền, từng bước xây dựng các trường phổ thông tiên tiến theo tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế. Chú trọng phát triển hệ thống trường dân tộc nội trú, dân tộc bán trú. Qua đó góp phần phát triển chất lượng giáo dục cho vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số.

Để thực hiện Chương trình GDPT 2018 thành công, ngành cũng sẽ tập trung bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo một cách bài bản. Trong đó, bồi dưỡng đội ngũ quản lý, hiệu trưởng về quản trị nhà trường.

Tập trung thực hiện chủ trương quy hoạch sắp xếp bộ máy tinh gọn hiệu quả. Đồng bộ và hiện đại hóa cơ sở vật chất nhà trường. Tích cực thực hiện chuyển đổi số quản trị giáo dục, quản trị nhà trường. Triển khai giáo án điện tử, sổ điểm điện tử... Một mặt tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, mặt khác giảm nhẹ áp lực về sổ sách cho GV. Tập trung chỉ đạo có hiệu quả mô hình “phòng giúp phòng,” “trường giúp trường” và phong trào xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn thân thiện.

Xây dựng môi trường giáo dục tốt cho học sinh rèn luyện, phát triển toàn diện. Đồng thời quan tâm đến bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, giáo viên tư vấn tâm lý, nhằm chăm lo công tác giáo dục đạo đức, hình thành phát triển nhân cách học sinh.

- Xin cảm ơn ông!

Giáo viên hiện nay được kế thừa phẩm chất ông đồ xứ Nghệ trong truyền thống. Thầy cô luôn học hỏi từ những tấm gương, nhân cách lớn trong lịch sử. Đặc biệt là học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành phong trào sôi nổi, thường xuyên, rộng khắp. Giáo viên dạy học, ngoài kiến thức còn phải bằng tất cả tình cảm yêu thương, tâm tuyết, tận lực vì học trò. Đồng thời có ý thức tham gia, phục vụ hoạt động cộng đồng. Nhà quản lý học Bác ở tâm huyết, trách nhiệm, tầm nhìn, tư duy sáng tạo...

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/giao-duc-tren-que-huong-bac-phat-trien-tu-nen-mong-truyen-thong-LL14eZqGg.html