Giáo dục truyền thống qua 'Ký ức chiến tranh'

Một sáng mùa đông, tiết trời Hà Nội rét đậm nhưng Nhà khách Bộ Quốc phòng đã sớm trở nên ấm cúng bởi sự góp mặt của gần 100 đại biểu là cán bộ, chiến sĩ cựu Quân tăng cường Thủ đô, cùng các nhà nghiên cứu, học giả.

Ai nấy đều bày tỏ niềm vui khi bộ sách “Ký ức chiến tranh” do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành, được giới thiệu đến độc giả.

Cầm trên tay 5 tập của bộ sách “Ký ức chiến tranh”, cựu chiến binh (CCB) Vũ Tiến Sự (Tiểu đoàn 24, Quân tăng cường Thủ đô) không giấu được xúc động khi được đóng góp nhiều bài viết. Ở tuổi 82, râu tóc đã bạc, nhưng CCB Vũ Tiến Sự vẫn là người mẫn tiệp. Các tác phẩm của ông trong bộ sách là những câu chuyện đời thường, cùng những cách làm hay sáng tạo của người lính trong giai đoạn khốc liệt chiến đấu chống giặc Mỹ xâm lược như: Vào vùng địch mua gạo, thả gạo trôi sông, một ngày vác đường ống dầu... CCB Vũ Tiến Sự kể: “Năm 2010, khi Ban liên lạc Cựu Quân tăng cường Thủ đô vận động các CCB tham gia viết sách, tôi đăng ký ngay. Cũng vì viết hồi ký về câu chuyện của chính mình cùng những đồng chí, đồng đội nên tôi hoàn thành rất nhanh. Trong 5 tập của bộ sách, tập nào tôi cũng có bài viết. Sắp tới, tôi dự định tham gia viết tập 6 của bộ sách. Trong câu chuyện sắp tới, tôi sẽ kể nhiều về những người lính Quân tăng cường Thủ đô sau khi đất nước thống nhất đã trở thành những người thành đạt trên nhiều lĩnh vực”.

 Bộ sách “Ký ức chiến tranh” có nhiều câu chuyện xúc động.

Bộ sách “Ký ức chiến tranh” có nhiều câu chuyện xúc động.

Bộ sách “Ký ức chiến tranh” được in từ năm 2011 đến năm 2020, với tổng số xuất bản và tái bản hơn 9.600 cuốn. Tại tọa đàm giới thiệu bộ sách, tôi có dịp được gặp CCB Phạm Quang Hiệp (Tiểu đoàn 56, Quân tăng cường Thủ đô), Ủy viên Thường trực Ban liên lạc Cựu Quân tăng cường Thủ đô, hiện đang công tác ở Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội. CCB Phạm Quang Hiệp là một trong những người đầu tiên đứng ra vận động các hội viên tham gia viết lại các câu chuyện mình đã trải qua hoặc được chứng kiến trong chiến tranh từ năm 1967 đến năm 1975. Với tài hội họa của mình, ông còn trực tiếp đứng ra thiết kế logo của Ban liên lạc Cựu Quân tăng cường Thủ đô và đóng góp ý tưởng vào thiết kế bìa bộ sách. CCB Phạm Quang Hiệp cho biết: “Sau khi phát hành, bộ sách đã được chuyển tặng Bộ đội Biên phòng, bộ đội Trường Sa. Chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển tặng cho một số trường đại học, học viện trong và ngoài quân đội, tuổi trẻ các địa phương, qua đó góp phần giáo dục truyền thống đối với thế hệ trẻ”.

“Thằng Lan hy sinh khi quả B40 rời khỏi vai/ Thằng Nơi ngã xuống trước thềm cửa mở/ Dấu máu la chỗ nằm thằng Ngọ/ Đất đai nơi đây đắt giá vô cùng/ Ngang qua những con đường dẫn đến hừng đông...". Đoạn thơ của CCB Trương Hồng Quang trong tập 5 của bộ “Ký ức chiến tranh” được cất lên truyền cảm qua giọng đọc của sinh viên Nguyễn Thạch Thảo (Trường Đại học Hà Nội) khiến cả khán phòng lặng xuống. Bên cạnh những câu chuyện, những vần thơ cảm động trong bộ sách giúp cho độc giả có cái nhìn chân thực về người lính Quân tăng cường Thủ đô trong nhiệm vụ huấn luyện và chiến đấu. Sinh viên Nguyễn Thạch Thảo xúc động nói: “Tôi say mê cuốn theo từng dòng hồi ký, thử tưởng tượng đặt mình vào hoàn cảnh, câu chuyện của mỗi chiến sĩ, trong lòng dâng lên những cảm xúc khó tả. Có những ký ức được kể lại hùng hồn, hào sảng, có những câu chuyện lại đậm chất thơ và cũng có cả những lời kể mộc mạc đơn sơ. Đó là những ký ức chân thực về một thời chiến đấu, hy sinh đã khắc sâu vào tâm trí những người lính Quân tăng cường Thủ đô. Giữa cái lạnh buốt của mùa đông, những trang sách “Ký ức chiến tranh” như truyền cho tôi sức nóng, nguồn năng lượng mạnh mẽ để học tập và rèn luyện”.

Bài và ảnh: HỮU TRƯỞNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/giao-duc-truyen-thong-qua-ky-uc-chien-tranh-647220