Giáo dục tư thục, điểm nghẽn và triển vọng

Ngày 28/2, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề: Triển vọng phát triển giáo dục tư thục và giải pháp thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP.

Tới dự hội thảo có Thầy Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch Hệ thống Lomonoxop, Hà Nội;

Thầy Võ Thế Quân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đông Đô, Hà Nội;

Tiến sĩ Trịnh Ngọc Thạch - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội;

Ông Đào Văn Tiến - Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội;

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Tiến sĩ Lê Đông Phương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học và Nghề nghiệp, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam;

Phó giáo sư Đặng Thị Thanh Huyền - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Quản lý giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục;

Ngày 28/2, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề: Triển vọng phát triển giáo dục tư thục và giải pháp thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP. (Ảnh: Thùy Linh)

Ngày 28/2, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề: Triển vọng phát triển giáo dục tư thục và giải pháp thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP. (Ảnh: Thùy Linh)

Phát biểu mở đầu hội thảo, Nhà báo Đào Ngọc Tước – Phó tổng biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin, ngày 04/06/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025, cho biết, sau hơn 10 năm thực hiện chủ trương của Đảng và các chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo, đến nay:

- Ở các địa phương đều có loại hình giáo dục đào tạo ngoài công lập với 2.955 cơ sở (chiếm 6,68% trong tổng số 44.228 cơ sở giáo dục đào tạo của cả nước); 1,35 triệu học sinh, sinh viên (chiếm 6% trong tổng số 22,5 triệu học sinh, sinh viên cả nước); tạo ra gần 100 nghìn việc làm cho nhà giáo, người lao động.

– Đối với giáo dục đại học, hiện có 65 cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập với tổng số 244 nghìn sinh viên, chiếm 13,8% tổng số sinh viên cả nước; đã có 5 cơ sở giáo dục đại học nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, đào tạo trên 5 nghìn sinh viên mỗi năm. Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam thực hiện trên 500 chương trình hợp tác và liên kết đào tạo với hơn 200 cơ sở giáo dục đại học nước ngoài.

- Đối với giáo dục nghề nghiệp, đến hết năm 2018, cả nước có 1.948 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (gồm: 397 trường cao đẳng, 519 trường trung cấp, 1.032 trung tâm giáo dục nghề nghiệp), trong đó có 677 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 34,7%).

Các đại biểu tham gia hội thảo (Ảnh: Thùy Linh)

Các đại biểu tham gia hội thảo (Ảnh: Thùy Linh)

Chính phủ đánh giá, tổng các nguồn lực của xã hội thu hút vào khối ngoài công lập còn rất thấp so với tiềm năng. Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, tồn tại nói trên trước hết thuộc về nhận thức của các cấp quản lý, của người học và xã hội.

Các văn bản thể hiện chủ trương xuyên suốt của Đảng và Chính phủ về huy động các nguồn lực của xã hội đã được ban hành tương đối đầy đủ với quan điểm, tầm nhìn và định hướng đổi mới trong dài hạn.

Tuy nhiên, điểm nghẽn chính là khâu triển khai thực hiện các chính sách đã ban hành. Chính phủ thống nhất việc phải có ngay giải pháp khắc phục căn bản những hạn chế, yếu kém trong thời gian qua, đặc biệt ở khâu triển khai, thực thi các chủ trương, chính sách, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác huy động các nguồn lực của xã hội cho giáo dục và đào tạo.

Chính phủ đặt mục tiêu đẩy mạnh huy động các nguồn lực của xã hội, thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở giáo dục ngoài công lập đạt tỷ lệ 8,75% số cơ sở và 8,9% người học vào năm 2020 và lần lượt là 13,5% và 16% vào năm 2025.

Và Phó tổng biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cũng thông tin thêm, đến nay mới thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố kế hoạch triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP (kế hoạch số 1237/KH-BGDĐT ngày 28/11/2019) nhưng còn thiếu nhiều giải pháp mà Chính phủ đã chỉ đạo, trong khi chưa thấy các bộ ngành và nhiều địa phương khác có kế hoạch triển khai.

Rất nhiều giải pháp thiết thực được Nghị quyết số 35/NQ-CP chỉ ra để tăng cường huy động nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo sẽ vẫn nằm trên giấy, nếu không có sự vào cuộc của các bộ, các địa phương.

Do đó, mục tiêu Chính phủ đặt ra sẽ rất khó hoàn thành, trong khi nhu cầu, dư địa và triển vọng phát triển giáo dục tư thục Việt Nam còn rất lớn.

Các đại biểu tham gia hội thảo (Ảnh: Thùy Linh)

Các đại biểu tham gia hội thảo (Ảnh: Thùy Linh)

Vì vậy, ông Đào Ngọc Tước cho biết, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo "Triển vọng phát triển giáo dục tư thục và giải pháp thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP" để lắng nghe ý kiến các nhà quản lý, các nhà đầu tư, các trường tư thục, các chuyên gia về chính sách giáo dục đánh giá thực tiễn, góp ý giải pháp cơ chế, chính sách cụ thể thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục, góp phần giúp Chính phủ và các bộ, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 35/NQ-CP.

Thùy Linh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-duc-tu-thuc-diem-nghen-va-trien-vong-post207475.gd