Giáo dục Tuyển sinh Đừng làm kiểu thời vụ

TTH - Hoạt động tư vấn, quảng bá tuyển sinh - hướng nghiệp (TVQBTS-HN) từ các trường đại học (ĐH) dường như còn mang tính 'thời vụ' và đang trễ nhịp so với nhu cầu của học sinh các trường trung học phổ thông (THPT).

Các ngày hội Open day là hướng mới trong tư vấn, quảng bá tuyển sinh của các trường

Các ngày hội Open day là hướng mới trong tư vấn, quảng bá tuyển sinh của các trường

Chậm so với nhu cầu

Cuối tháng 12/2021, hầu hết các trường ĐH tại Huế và khu vực miền Trung vẫn đang còn xây dựng kế hoạch, phương án tuyển sinh năm 2022. Theo đại diện bộ phận tuyển sinh ĐH Huế, tháng 1 trở đi, ĐH Huế và các trường sẽ triển khai các hoạt động, chương trình TVQBTS-HN.

Không phải riêng năm nay, chương trình TVQBTS-HN từ các trường ĐH tổ chức chậm hơn do dịch bệnh mà nhiều năm trước, hoạt động này cũng thường được tổ chức sau dịp Tết Nguyên đán, được nhiều người ví như “đến hẹn lại lên”. Tuy nhiên, theo đại diện các trường THPT, thời gian tổ chức có lẽ chưa phù hợp, nếu không nói là chậm.

Thầy giáo Nguyễn Hướng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (TP. Huế) phân tích, dễ thấy các năm vào thời điểm sau tết âm lịch, nhất là khoảng tháng 3 trở đi, các trường ĐH tập trung đăng ký kết hợp với các trường THPT để TVQBTS-HN trước giai đoạn học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT xét tuyển ĐH, có khi đến hàng chục trường cùng lúc khiến công tác bố trí, sắp xếp lịch phù hợp với học sinh gặp khó. “Chủ nhật học sinh không thể đến trường, ngày thường học sinh cũng bận lịch học. Nhà trường chỉ tranh thủ vào tiết giờ chào cờ khoảng 15 phút để các trường tư vấn, giới thiệu và gửi tài liệu để giáo viên phát về các lớp, nhưng cách làm như thế khó mang lại hiệu quả”, thầy Hướng chia sẻ.

Lãnh đạo một số trường THPT tại Huế cho biết, các trường THPT có vai trò trong hướng nghiệp cho học sinh và thực tế cũng tổ chức các tiết giáo dục hướng nghiệp và đa phần do ban giám hiệu giảng dạy. Nội dung chủ yếu tư vấn dựa vào năng lực, khả năng phù hợp của học sinh trên nền chung, nhưng điểm khó là giáo viên bậc phổ thông không thể hiểu rõ cách đào tạo, thông tin chi tiết ngành nghề, tình hình đầu ra việc làm… của các ngành nghề bậc ĐH, cũng vì vậy luôn cần sự kết hợp, hỗ trợ từ các trường ĐH.

Theo nhiều giáo viên các trường THPT, lớp 10 - 11 học sinh bắt đầu có xu hướng nghiên cứu ngành nghề, nhưng số ít định hướng và chắc chắn lựa chọn. Đến giữa học kỳ 1 của năm lớp 12 là thời điểm học sinh quan tâm nhất trong việc lựa chọn ngành nghề và định hướng học tập “nước rút” trước kỳ thi, cũng vì vậy đây mà thời điểm cần TVQBTS-HN nhất chứ không phải tập trung thời điểm sau tết. Ngoài ra, điểm cần quan tâm nữa là với phương thức xét học bạ, nhiều trường chọn xét học bạ của hai học kỳ lớp 11 và học kỳ 1 của lớp 12, song các trường ĐH lại chọn thời điểm trong học kỳ 2 của lớp 12 để TVQBTS-HN, dường như không phù hợp. “Dù ít nói ra, nhưng trước định hướng nghề nghiệp, học sinh có thiên hướng học lệch, tập trung đầu tư cho một số môn. Nếu TVQBTS-HN từ trường ĐH quá muộn sẽ không mang lại nhiều giá trị cho tụi em. Thực tế, khi đã chọn ngành nghề từ học kỳ 1, rất ít bạn thay đổi quyết định, cũng vì thế nhiều bạn không quan tâm lắm đến chương trình này của các trường ĐH”, Thanh Ngân, một học sinh THPT tại TP. Huế thẳng thắn.

Phụ thuộc nhiều yếu tố

Không phải các trường ĐH không nhận ra vấn đề trên, song sự thay đổi vẫn còn rất chậm. Thậm chí, rất dễ nhận thấy sự khác biệt của các trường ĐH công lập và trường ĐH tư thục. Trong khi các trường ĐH tư thục chọn cách quảng bá tuyển sinh quanh năm, thì rất nhiều trường ĐH công lập vẫn đang áp dụng cách TVQBTS-HN mang tính thời vụ, theo kế hoạch.

TS. Trần Thanh Lương, Trưởng phòng Đào tạo ĐH và Công tác sinh viên, Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế trăn trở, một trong những nguyên nhân cho vấn đề này là khả năng tự chủ các trường ĐH công lập, phụ thuộc vào dự toán kinh phí, nhân lực để làm các chương trình TVQBTS-HN cũng kết hợp từ nhiều bộ phận. Trong khi đó, một số trường tư thục triển khai công tác này nhanh và thường xuyên hơn do có nhiều nguồn lực về con người, bộ phận chuyên trách, mức độ tự chủ cũng tốt hơn.

ThS. Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại ngữ cho rằng, trong năm vẫn có các hoạt động tư vấn, giới thiệu thông tin tuyển sinh, tuy nhiên không phủ nhận thực tế chung các chương trình TVQBTS-HN còn chậm. Mỗi trường có nhiều hoạt động nên cũng phải ưu tiên hoạt động của từng giai đoạn. Ngoài ra, vẫn còn thiếu sự gắn kết, liên hệ mật thiết giữa các trường bậc THPT và ĐH liên quan đến công tác tuyển sinh - hướng nghiệp.

Cần thay đổi

Công tác TVQBTS-HN tốt sẽ mang lại lợi ích cho nhiều phía: Trường THPT định hướng tốt nghề nghiệp cho học sinh, trường ĐH thu hút được người học lựa chọn đúng ngành nghề và học sinh đưa ra quyết định phù hợp với năng lực và sở thích. Một thực tế từ các trường ĐH tại Huế khảo sát ở nhiều năm là vẫn còn sinh viên năm thứ nhất bỏ học do chọn sai ngành nghề, khi học thấy không phù hợp.

Lợi ích thấy rõ thì cũng cần có sự thay đổi phù hợp, nhất là sự kết hợp giữa các trường ĐH và THPT trong việc TVQBTS-HN cho học sinh, từ cách tổ chức hiệu quả, thời điểm tổ chức và các vấn đề liên quan.

Các trường ĐH cũng cần tính toán lại kế hoạch TVQBTS-HN thích hợp, dựa trên nhu cầu, mong muốn của người học. Điều tiên quyết là phải tư vấn đúng người, đúng thời điểm và đẩy mạnh tư vấn hướng nghiệp một cách chuyên nghiệp hơn.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/dung-lam-kieu-thoi-vu-a108656.html