Giáo dục Tuyển sinh Thi tuyển kết hợp với xét tuyển vào lớp 10: Chất lượng 'đầu vào' tốt hơn

TTH - Sáp nhập vào TP. Huế, các trường trung học phổ thông (THPT) ở huyện Phú Vang và thị xã Hương Trà (cũ) tổ chức thi tuyển kết hợp với xét tuyển vào lớp 10. Chất lượng 'đầu vào' đã tốt hơn, tình trạng học sinh 'ngồi nhầm lớp' giảm đáng kể. Đây là tiền đề để từ năm học 2023 - 2024, tất cả các trường THPT trên địa bàn (trừ Nam Đông và A Lưới) đều tuyển sinh theo hình thức này.

Thi vào lớp 10 năm học 2021-2022

Thi vào lớp 10 năm học 2021-2022

Chênh lệch giữa học bạ và điểm thi

Sau một năm tổ chức tuyển sinh theo hình thức thi tuyển và xét học bạ, chất lượng học sinh lớp 10 Trường THPT Phan Đăng Lưu đã khá lên. Nề nếp học tập của các em khá tốt. Không còn xảy ra tình trạng học sinh trúng tuyển nhưng không đến học. Thầy giáo Trần Thanh Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đăng Lưu cho biết: Năm học 2021 - 2022, chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường là 528 em và đã có 700 hồ sơ đăng ký dự tuyển. Điểm số “đầu vào” của các em khá cao và đồng đều. Không chỉ học sinh ở các trường trung học cơ sở lân cận trong khu vực theo học, mà học sinh ở các Trường THCS Nguyễn Chí Diểu, Chu Văn An, Phạm Văn Đồng... cũng đăng ký thi tuyển.

Theo hiệu trưởng các trường, “đầu vào” được siết chặt bằng một kỳ thi sẽ đảm bảo công bằng cho người dạy lẫn người học. Lâu nay, học bạ là căn cứ để các trường THPT xác định điểm chuẩn trúng tuyển vào lớp 10. Tuy nhiên, thực tế, học bạ của nhiều em khá, giỏi nhưng khi thi vượt cấp vẫn bị điểm 0. Chưa kể, lên THPT, năng lực các môn toán, văn, ngoại ngữ của nhiều học sinh rất yếu. Hiệu trưởng Trường THPT Thuận An, Đoàn Trần Bảo Phước dẫn chứng: Năm học 2021 - 2022, nhà trường tuyển sinh 12 lớp 10 với 528 em. Trong số 170 em không trúng tuyển, có đến trên 100 em có điểm 0 môn toán. Nếu như chỉ xét học bạ, các em này vẫn được xét vào học lớp 10.

Nói thêm về độ vênh giữa xét học bạ và điểm số thi tuyển, thầy giáo Huỳnh Trường Thân, Hiệu trưởng Trường THPT Hương Vinh chia sẻ: Điểm học bạ ở các Trường THCS thường khá cao, trong khi điểm thi lại rất thấp. Năm học qua, trường lấy điểm chuẩn 22 điểm, trong đó, học bạ của các em thường được quy đổi từ 17 điểm trở lên (cao nhất là 20 điểm). Nghĩa là, các em chỉ cần thi mỗi môn một 1 điểm là đã trúng tuyển. Sơ kết học kỳ 1, tỷ lệ học sinh lớp 10 có 91 em (22%) có học lực yếu. Tuy nhiên, so với thời điểm chỉ xét học bạ thì tỷ lệ học sinh khá đã được nâng lên.

Học sinh THCS đều thi tuyển kết hợp xét tuyển vào lớp 10

Học sinh THCS đều thi tuyển kết hợp xét tuyển vào lớp 10

Hướng đến cải thiện vị trí giáo dục đại trà

Lâu nay, ngoài học sinh TP. Huế và những trường vượt quá 20% chỉ tiêu được giao mới tổ chức thi tuyển vào lớp 10, còn các trường ở huyện thường chỉ xét học bạ. Cách xét tuyển ấy chưa thực sự hợp lý và thiếu sự công bằng đối với một số học sinh có thành tích học tập tốt. Do vậy, sự băn khoăn "làm đẹp" học bạ, chạy điểm, chạy hạnh kiểm có thể xảy ra. Hơn nữa, mỗi khi không có áp lực thi cử, nhiều trường THCS và học sinh sẽ thiếu động lực để học tập.

Ý kiến của nhiều phụ huynh cho rằng: Khi mà các trường THCS có cách đánh giá khác nhau thì thi tuyển kết hợp với xét tuyển vẫn mang tính khách quan hơn. Học sinh có năng lực tốt sẽ vào được trường THPT có chất lượng và ngược lại. Tuy nhiên, để tránh tình trạng thi tuyển lớp 10 gây áp lực cho học sinh và phụ huynh nên chăng tổ chức thi tuyển vào lớp 10 nhưng cần giảm tải chương trình học; các trường THCS cần có chương trình giảng dạy tiệm cận với nội dung, hình thức của đề thi vào lớp 10. Vấn đề cốt lõi là chính quyền các địa phương, ngành giáo dục phải bố trí đủ chỗ học ở trường công lập cho học sinh sau khi học xong lớp 9; thường xuyên rà soát, có biện pháp rút ngắn khoảng cách về điều kiện giáo dục, chất lượng giáo dục giữa các trường công lập trên địa bàn…

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Việc thi tuyển kết hợp xét tuyển sẽ bảo đảm điểm thực chất, nhưng điểm chuẩn tuyển sinh giữa các địa phương, các trường lại hoàn toàn khác nhau. Tùy vào chỉ tiêu tuyển sinh của các trường, sẽ lấy điểm sàn để tuyển đủ học sinh. Còn phổ điểm thi sẽ lấy theo khu vực. Riêng những vùng giáp biên của các huyện, học sinh có thể học ở các trường trong vùng với nhau. Các địa phương sẽ áp dụng phân luồng, phân tuyến trong địa bàn, tất nhiên, có sự khống chế về mặt địa lý.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, tuyển sinh vào lớp 10 sẽ có 3 phương thức: Xét tuyển, thi tuyển, vừa thi vừa xét tuyển. Mỗi phương thức đều có mặt tích cực cũng như hạn chế, khó có thể khẳng định phương thức nào là tối ưu. Song, cần hướng đến mục tiêu giảm áp lực cho học sinh, gia đình, xã hội trên cơ sở khách quan, chính xác. Giáo dục đại trà Thừa Thiên Huế gần đây chưa có bứt phá. Sở GD&ĐT đã ban hành đề án nâng cao chất lượng kết quả thi tốt nghiệp THPT với nhiều giải pháp đặt ra. Việc tuyển sinh lớp 10 bằng hình thức thi tuyển kết hợp với xét tuyển cũng là một trong những mục tiêu hướng đến cải thiện vị trí của giáo dục đại trà. “Đầu vào” có thực sự chất lượng thì mới tính đến chuyện hiệu quả của “đầu ra”!

Bài, ảnh: Huế Thu

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/thi-tuyen-ket-hop-voi-xet-tuyen-vao-lop-10-chat-luong-dau-vao-tot-hon-a125294.html