Giáo dục văn hóa giao thông: 'Chìa khóa' hóa giải những cái 'đầu nóng'
Gần đây thông tin về những vụ án hình sự liên tục xuất hiện nhưng dường như vẫn chưa đủ cảnh tỉnh những cái 'đầu nóng' trên đường.
Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng (từ ngày 9 - 31/12/2024), liên tiếp nhiều người ở TPHCM, Bình Dương, Bình Phước bị khởi tố hoặc bắt tạm giam vì lý do đánh người khi va chạm giao thông trên đường. Điều đáng nói, các vụ đánh nhau trên đường chưa có dấu hiệu dừng lại, dù nguyên nhân chỉ là những mâu thuẫn nhỏ khi đi đường.
Trả giá đắt từ việc nhỏ
Ngày 27/12/2024, Công an TP Đồng Xoài (Bình Phước) ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Bùi Văn Hoàng Anh (35 tuổi, ngụ Bình Dương) để điều tra về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”. Bùi Văn Hoàng Anh đã đánh tài xế xe tải khi đang dừng chờ đèn đỏ trên đường ĐT 741 (phường Tiến Hưng, TP Đồng Xoài).
Ngày 18/12/2024, Công an Quận 1 (TPHCM) tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam Quách Minh Nhựt (33 tuổi, ngụ Quận 6, TPHCM) để điều tra về tội “Cố ý gây thương tích”. Trước đó, Nhựt đã hành hung ông T. (50 tuổi, Quận 1) sau khi bị người đàn ông này nhắc việc đậu xe gây ách tắc giao thông trước Bệnh viện Từ Dũ.
Mới đây, ngày 2/1, Công an Quận 4 (TPHCM) hoàn tất kết luận điều tra đề nghị truy tố Bùi Thanh Khoa (41 tuổi, ngụ Quận 10) về tội “Cố ý gây thương tích”. Khoa là người đánh túi bụi vào vùng mặt, đầu cô gái 23 tuổi vào sáng 9/12/2024 trên đường Khánh Hội (Quận 4, TPHCM).
Nghiêm trọng nhất là vụ việc xảy ra vào ngày 2/1, Công an tỉnh Bình Dương đã bắt khẩn cấp Lê Văn Hiền (36 tuổi, quê tỉnh An Giang). Hiền là người đánh ông N.T.B. (39 tuổi) dập não ngay sau va chạm giao thông trên đường.
Ông B. đã tử vong. Theo lời khai ban đầu, Hiền đánh ông B. vì bực tức sau khi xe máy của hai bên va chạm. Sự việc xảy ra khoảng 19 giờ ngày 30/12/2024 tại giao lộ Mỹ Phước Tân Vạn - đường NE8, đoạn qua phường Thới Hòa, TP Bến Cát (Bình Dương).
Đây là một số trong hàng loạt các vụ việc hành hung trên đường xảy ra gần đây. Đều đáng nói là những vụ việc trên đều bắt nguồn từ các vụ va chạm giao thông nhỏ, nhưng lại được những cái “đầu nóng” xử lý bằng “nắm đấm”.
Trước những vụ việc trên, công an các địa phương đã phát đi cảnh báo những hành vi vi phạm do thiếu kiềm chế trên đường phố, nơi công cộng như đã xảy ra trong thời gian qua tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả mà người vi phạm phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, ngành chức năng khuyến cáo người dân cần phải thượng tôn pháp luật trong giải quyết các mâu thuẫn. Bạo lực chỉ làm vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.
Cần tỉnh táo, văn minh
Những vụ án đáng tiếc xảy ra với tần suất dày đặc trong thời gian vừa qua đặt ra dấu hỏi lớn về văn hóa cũng như ý thức tuân thủ pháp luật của người đi đường. Gần đây thông tin về những vụ án hình sự liên tục xuất hiện nhưng dường như vẫn chưa đủ cảnh tỉnh những cái “đầu nóng” trên đường. Người dân lo ngại về tình trạng này, đồng thời bày tỏ kỳ vọng vào sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng để ngăn chặn hành vi bạo lực khi tham gia giao thông.
Chị Trần Kim Cương (ngụ TP Cần Thơ) chia sẻ, cảm thấy bất bình khi được chứng kiến các vụ việc xảy ra vừa rồi. Tham gia giao thông trên đường, chắc chắn sẽ có những giây phút chúng ta gặp những lỗi không mong muốn, nhưng xử lý bằng phương hướng bạo lực như vậy thì bản thân cảm thấy rất hoang mang.
“Nhỡ sau này, chính bản thân mình là nạn nhân của những vụ bạo lực trên đường ấy thì không biết phải như thế nào”, chị Cương lo lắng.
Đồng quan điểm với chị Cương, anh Trần Quốc Sự (ngụ Sóc Trăng) bày tỏ, vấn đề bạo lực khi xảy ra va chạm giao thông thực chất không mới. Việc gần đây hành vi bạo lực bị lên án gay gắt hơn là do người dân có nhiều phương tiện để phản ánh (điện thoại, camera an ninh...). Vì đó, những vụ việc được biết đến nhiều hơn.
“Từ các sự việc hành hung nơi công cộng gần đây, đặc biệt một số vụ thể hiện tính chất côn đồ, bản thân tôi cũng như người dân tham gia giao thông mong muốn các cơ quan chức năng có thái độ cứng rắn với những hành vi bạo lực tương tự để răn đe, giáo dục những người có ý thức tuân thủ pháp luật kém và chưa có thói quen tôn trọng tính mạng, sức khỏe người khác”, anh Sự nêu quan điểm cá nhân.
Ở góc độ pháp lý, luật sư Trần Công Tú (Đoàn luật sư TP Cần Thơ) cho rằng, bạo lực giao thông là vấn đề nghiêm trọng và đang ngày càng gia tăng, với những hệ quả lớn về cả mặt pháp lý và xã hội. Đây là vấn đề nghiêm trọng, không những chịu hệ quả về các vấn đề pháp lý, mà còn gây tổn hại về tinh thần và tạo môi trường giao thông mất an toàn, ảnh hưởng đến trật tự công cộng.
“Giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực khi va chạm giao thông là hành vi vi phạm pháp luật. Các hành vi có thể xảy ra như: Gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích hoặc giết người. Hành vi vi phạm trên có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Do đó, khi có va chạm giao thông thì người tham gia giao thông phải tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về giao thông, đồng thời cần phải tỉnh táo, có thái độ văn minh, lịch sự để giải quyết tình huống va chạm giao thông, ngoài ra cần phải tuân thủ và chấp hành việc giải quyết từ cơ quan chức năng”, luật sư nói.
Theo luật sư Trần Công Tú, trong thời gian tới, cần tăng cường công tác tuyên truyền về pháp luật và văn hóa giao thông. Điều này giúp người dân hiểu rõ hơn về các quy định pháp lý và hệ quả của việc vi phạm giao thông. Các chương trình giáo dục về văn hóa giao thông và cách xử lý xung đột một cách văn minh sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực trên đường.
Bên cạnh đó, cần khuyến khích người dân chủ động tố giác hành vi vi phạm giao thông hoặc cung cấp chứng cứ khi chứng kiến vụ việc. Điều này không chỉ giúp cơ quan chức năng có đầy đủ thông tin để xử lý vi phạm, mà còn góp phần duy trì trật tự an toàn giao thông. Ngoài việc tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định pháp luật để bảo vệ bản thân, người dân cũng cần giữ thái độ văn minh, lịch sự khi gặp sự cố giao thông.